TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

IAEA tiếp tục giúp Việt Nam đảm bảo an toàn hạt nhân

 
Vừa qua, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân và đoàn công tác đã tham dự Khóa họp thường niên lần thứ 56 Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế IAEA. Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam Trần Chí Thành – thành viên của đoàn, đã trao đổi với Tia Sáng về nội dung và kết quả của chuyến đi.
 
PV: Xin ông cho biết những nội dung chính trong chuyến công tác của đoàn Bộ KH&CN tại Khóa họp thường niên lần thứ 56 Đại hội đồng IAEA?

Ông Trần Chí Thành: Đây là lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ KH&CN Việt Nam tham dự khóa họp thường niên của Đại hội đồng IAEA nhằm thúc đẩy quan hệ ngoại giao, tăng cường hợp tác giữa IAEA và Việt Nam. Đồng thời, bên lề phiên họp, đoàn Việt Nam cũng có các cuộc gặp song phương với Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano, các đại diện của Nhật Bản, Pháp, Nga, Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Trong bài phát biểu tại phiên họp đại hội đồng IAEA và ở cuộc gặp song phương với Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã trao đổi một số nội dung chính về công tác chuẩn bị cho chương trình điện hạt nhân (ĐHN) của Việt Nam. Đây cũng là dịp để Việt Nam thể hiện sự cảm ơn về hợp tác và giúp đỡ quý giá của IAEA và đề nghị IAEA tiếp tục tiến hành những nội dung hỗ trợ rất cần thiết cho chương trình ĐHN của Việt Nam. Trong khuôn khổ phiên họp, đoàn công tác đã trưng bày một gian triển lãm giới thiệu về quá trình nghiên cứu, phát triển và ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam trong thời gian qua.

Tại khóa họp, Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có những trao đổi cụ thể gì với IAEA về chương trình điện hạt nhân của Việt Nam?

Năng lượng hạt nhân vẫn là lựa chọn của nhiều quốc gia vì những lợi ích năng lượng hạt nhân mang lại: củng cố an ninh năng lượng, giảm tác động bất ổn của giá năng lượng hóa thạch, làm giảm ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, làm tăng trưởng kinh tế…Bài học từ Fukushima là cần phải đảm bảo an toàn tuyệt đối. Với những nỗ lực của tất cả mọi thành viên IAEA, chúng ta có thể vượt qua được những thách thức trong tương lai.

Trích phát biểu của Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano tại khóa họp.
Cùng với việc tăng cường ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp, công nghiệp và bảo vệ môi trường, sau tai nạn Fukushima, Việt Nam vẫn tiếp tục triển khai Chương trình ĐHN với hai Dự án ĐHN đầu tiên là Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2. Với sự cộng tác của các đối tác Nga và Nhật Bản, Việt Nam đang tiến hành các nghiên cứu khả thi cho cả 2 dự án này để hoàn thành trong năm 2013 và đệ trình cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam thẩm định và phê duyệt. Bộ trưởng Nguyễn Quân đã tái khẳng định cam kết của Việt Nam về sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình, có trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân; và thông báo cho IAEA biết Việt Nam đã phê chuẩn Nghị định thư bổ sung (AP) và hoàn tất thủ tục gia nhập Công ước Bảo vệ thực thể vật liệu hạt nhân và phê chuẩn phần sửa đổi. Bộ trưởng cũng đề nghị IAEA tiếp tục giúp đỡ Việt Nam trong đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng khuôn khổ luật pháp; phát triển Cơ quan Pháp quy hạt nhân quốc gia và trợ giúp thẩm định an toàn dự án ĐHN; giúp Việt Nam xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân.


IAEA, trong vài tuyên bố trước đây, đã cho thấy họ rất quan tâm tới Việt Nam và Bangladesh. Vậy sự quan tâm đó đã thể hiện như thế nào trong cuộc gặp giữa Bộ trưởng Nguyễn Quân và IAEA?

Trong cuộc gặp song phương, Tổng giám đốc IAEA Yukiya Amano đã khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ giúp đỡ Việt Nam. Ông ta nhấn mạnh cấu trúc của cơ quan đảm bảo an toàn hạt nhân phải độc lập để đảm bảo an toàn, xử lý sự cố theo đúng quy trình rõ ràng, không chồng chéo trong quản lý. Trong các cuộc trao đổi với bộ phận hợp tác kỹ thuật của IAEA, các chuyên gia IAEA và Viện NLNTVN đã thảo luận về việc IAEA cử đoàn chuyên gia sang Việt Nam khảo sát, đánh giá các cơ sở hạ tầng nghiên cứu về năng lượng nguyên tử để đưa ra các định hướng sử dụng hiệu quả trong tương lai, hướng đến hỗ trợ tích cực cho chương trình điện hạt nhân hiện nay. Họ dự định cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam vào tháng 1 năm 2013 tới đây để thực hiện đánh giá tổng thể, đưa ra các báo cáo đầy đủ cùng các định hướng, phương thức khai thác cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện có của Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo, có tính đến khả năng xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân mới và sự hỗ trợ cho đào tạo nhân lực ngành hạt nhân. IAEA cũng đã ký kết với Bộ GD&ĐT văn bản dự định về đào tạo nhân lực cho Việt Nam.

Ngoài cuộc gặp song phương với IAEA, hẳn Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có cuộc gặp gỡ với các đối tác Nga, Nhật Bản về tiến độ, giải pháp trong việc thực hiện chương trình phát triển ĐHN của Việt Nam?


IAEA dự định cử một đoàn chuyên gia sang Việt Nam vào tháng 1 năm 2013 tới đây để thực hiện đánh giá tổng thể, đưa ra các báo cáo đầy đủ cùng các định hướng, phương thức khai thác cơ sở hạ tầng nghiên cứu hiện có của Việt Nam cho giai đoạn tiếp theo, có tính đến khả năng xây dựng Trung tâm Khoa học công nghệ hạt nhân mới và sự hỗ trợ cho đào tạo nhân lực ngành hạt nhân.
Đúng vậy! Trong buổi làm việc với hai đối tác chính là Nhật Bản, Bộ trưởng cho biết Bộ KH&CN đang tìm hiểu nghiên cứu kỹ về 4 loại công nghệ mà phía Nhật Bản đưa ra trong báo cáo gần đây, trong đó có thiết kế lò AP-1000 của Toshiba và Westinghouse là loại lò thụ động tiên tiến, có thiết kế đảm bảo an toàn tốt nhất hiện nay; đồng thời, Bộ trưởng cũng bày tỏ quan ngại về khả năng cắt giảm ĐHN của Nhật Bản về zero vào năm 2030, điều này sẽ gây khó khăn cho quan hệ hợp tác phát triển ĐHN giữa hai nước mặc dù Nhật Bản khẳng định sẽ nỗ lực ở mức cao nhất.


Còn với việc phái đoàn Nga băn khoăn về tiến độ của nhà máy ĐHN Ninh Thuận bởi quá trình chuẩn bị, đặt hàng chế tạo các thiết bị cho các tổ máy mới của họ sẽ mất nhiều thời gian và phụ thuộc vào tiến độ thông qua báo cáo khả thi và phê duyệt của Quốc hội Việt Nam, Bộ trưởng đã đề nghị họ hỗ trợ năng lực thẩm định an toàn hạt nhân; hỗ trợ chuyển giao kiến thức thông qua nghiên cứu hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và tiêu chuẩn của Nga; khởi động nội dung đào tạo về kiểm tra, giám sát quá trình khảo sát địa điểm, chế tạo, xây dựng và lắp đặt tại các dự án xây dựng nhà máy ĐHN cụ thể ở Nga.
Ngoài ra, tại khóa họp này, Bộ trưởng còn có buổi trao đổi với đoàn Mỹ về một số vấn đề còn tồn tại liên quan đến Hiệp định 123 để sớm đi đến ký Hiệp định 123 giữa hai nước. Và ký kết với Hàn Quốc Biên bản ghi nhớ liên quan đến chuyển giao Cyclotron 13MeV và các thiết bị kèm theo, đào tạo nhân lực cho Trung tâm gia tốc Việt – Hàn.

Được biết, chúng ta có tham gia Diễn đàn khoa học về lương thực thực phẩm cho tương lai (Food for the Future) tại khóa họp. Ông có thể cho biết thông điệp chính của Việt Nam tại diễn đàn là gì?

Ngoài bài phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng Nguyễn Quân cũng trả lời phỏng vấn xung quanh vấn đề này. Ông cho biết việc tăng năng suất trồng trọt đã góp phần tạo nền tảng vững chắc cho an sinh xã hội và sự tăng trưởng kinh tế chung của Việt Nam, tuy nhiên, an ninh lương thực của Việt Nam vẫn còn chưa thực sự bền vững; tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm được đổi mới; cơ sở hạ tầng, dịch vụ phục vụ sản xuất còn nhiều bất cập. Do vậy, Chính phủ Việt Nam đã có những chủ trương, chính sách, chương trình, dự án nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật hạt nhân để tạo ra các giống cây trồng có năng suất và chất lượng cao, duy trì và cải tạo chất lượng đất cây trồng, giảm tiêu hao nước và năng lượng. Ở lĩnh vực này, chúng ta cũng nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật của IAEA thông qua các dự án tạo ra các giống cây trồng như lúa, ngô, đậu có năng suất và chất lượng cao, có khả năng chống chịu bệnh dịch và phù hợp với các tiểu vùng sinh thái khác nhau của Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Thu Quỳnh thực hiện.

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te