Tại Hội nghị thượng đỉnh Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tháng 12-2011, Arab Saudi đã đưa ra ý tưởng thành lập Liên minh vùng Vịnh trước những mối quan ngại về an ninh, chính trị và sự can thiệp ngày càng lớn của Iran đối với công việc nội khối và làn sóng “Mùa xuân Arab” có thể bùng nổ bất cứ ở nước nào trong khu vực.
Ảnh: AFP/Getty Images
Những thời cơ
Ngày 14-5-2012, lãnh đạo GCC đã họp tại Riyadh để thảo luận thành lập liên minh giống mô hình Eurozone, với sáu quốc gia thành viên: Bahrain, Kuwait, Oman, Quatar, Arab Saudi và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE). Tuy nhiên, sau hội nghị thượng đỉnh và các cuộc họp cấp bộ trưởng gần đây, các nước GCC đều tính toán đến những lợi ích và thách thức đối với việc thành lập Liên minh vùng Vịnh. Nếu được thành lập, Liên minh này sẽ thay thế Ban thư ký GCC hiện nay và sẽ được thực hiện trong vòng năm năm tới.
Về mục tiêu chiến lược: Thống nhất kế hoạch và chính sách của các nước vùng Vịnh thành một khối góp phần thắt chặt quan hệ chính trị, hợp tác quân sự và an ninh; tích cực đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực quốc phòng, nhân quyền, môi trường, tư pháp, kinh tế, nông nghiệp và một số lĩnh vực khác; gắn kết các nước thành viên khắc phục trở ngại để hội nhập thành một liên minh như các khu vực khác trên thế giới (EU, ASEAN…).
Về chính sách đối nội: Liên minh không can thiệp đến công việc nội bộ của mỗi nước, không sử dụng bất kỳ hình thức trung gian nào can thiệp vào công việc nội bộ của các nước thành viên.
Về chính sách đối ngoại: Liên minh sẽ nâng cao tiềm lực quốc phòng và tài chính, tiếp tục đẩy mạnh mua sắm vũ khí, trang bị để đối phó với những thách thức mới trong thế giới Arab; tiếp tục theo đuổi chính sách mở rộng ảnh hưởng; liên kết với đồng minh, đặc biệt với các nước đối tác như Mỹ, Anh, Pháp, Italia, Đức… để ngăn chặn các mối đe dọa từ bên ngoài.
Và thách thức
Một là, vấn đề chủ quyền: Các nước hoài nghi về sự vững chắc của liên minh vì hầu hết các nước GCC đều có hệ thống chính trị riêng, do vậy, việc thành lập liên minh sẽ tác động đến chủ quyền của các nước thành viên. Tuy nhiên, một số quan chức cao cấp của GCC cho rằng, đề xuất thành lập liên minh rất khả thi vì các nước GCC có nhiều điểm chung như cùng ngôn ngữ, lịch sử, truyền thống, tín ngưỡng và kinh nghiệm của khối trong việc đem lại ổn định, thịnh vượng cho người dân.
Mặt khác, việc thành lập liên minh sẽ không ảnh hưởng đến chủ quyền quốc gia của bất cứ nước thành viên nào của GCC. Thậm chí, việc thành lập liên minh sẽ tác động tích cực đến tất cả các nước GCC nếu các nước này nhất trí và giải quyết một số vấn đề như chủ quyền, sự khác biệt về kinh tế ở mỗi nước.
Hai là, cải cách và khắc phục khác biệt giữa các nước: Để thành lập liên minh, mỗi nước thành viên GCC cần phải thực hiện các bước cải cách và giải quyết những khác biệt về chính trị và văn hóa. Oman phản đối việc thành lập, một số nước khác do dự và đề phòng vì cho rằng trình độ phát triển ở mỗi nước còn khác nhau.
Một số quan ngại mà các nước GCC nêu ra như: công dân của họ có được đối xử công bằng khi đến sinh sống ở một nước nào đó trong liên minh hay không; việc thành lập liên minh có là tiền đề cho các nước thành viên vượt qua được những trở ngại kinh tế, văn hóa và phát triển và cuối cùng là thành lập một thị trường chung hay trở thành một liên minh tiền tệ.
Các nước có cơ chế phát triển tự do và mở cửa hơn như Kuwait, Qatar hay UAE có thể hội nhập với một nước bảo thủ như Arab Saudi hay không, hình thức hội nhập như thế nào, liên minh này có được xem như một quốc gia hay một liên bang như UAE hoặc một liên hiệp như EU.
Đây là thời điểm GCC đẩy mạnh hội nhập nhiều hơn để tiến tới thành lập một liên hiệp theo kiểu EU với một thị trường chung, một quân đội thống nhất và một hệ thống quốc phòng, một hội đồng đối ngoại và một tòa án vùng Vịnh. Thời gian qua, GCC đã có những thành công nhất định giống như một liên minh khu vực, điển hình là vai trò của GCC trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất và với Bahrain năm 2011. Tuy nhiên, GCC mới chỉ thành công ở lĩnh vực quân sự chứ chưa đạt được thành công nào về chính trị, kinh tế và tài chính.
Còn nhiều việc phải làm
Thành lập liên minh là kế hoạch trong tương lai, do đó cần phải sáng tạo, linh hoạt và độc đáo mới tạo ra sự thành công như GCC. Ý tưởng thành lập Liên minh vùng Vịnh được coi là bức thông điệp cho người dân của các nước này rằng, đây là một bản kế hoạch toàn diện cho tương lai và cũng là tín hiệu đối với Iran rằng, đây là một thực thể thống nhất ngăn chặn sự ảnh hưởng của nước này đối với khu vực.
Không giống như GCC, việc thành lập liên minh vùng Vịnh sẽ củng cố sức mạnh của các nước GCC chống lại những mối đe dọa như phong trào cách mạng Iran, cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan. Đồng thời, liên minh cũng sẽ dần phát triển thành một thực thể thống nhất để hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực chính trị, an ninh, quân sự và kinh tế. Bởi hiện nay, GCC chỉ mạnh về lực lượng quân sự chung, còn các lĩnh vực khác chỉ mang tính hình thức.
Đến nay, hầu hết các nước GCC đều ủng hộ ý tưởng thành lập Liên minh vùng Vịnh. Tuy nhiên, các nước GCC phải nghiên cứu và cần phải có thời gian để thành lập một ủy ban tư vấn để đánh giá lại một cách cụ thể trước khi tiến hành trưng cầu dân ý ở các nước để đi đến quyết định thành lập.
Tương lai hé mở
Hiện nay, GCC chưa đưa ra được mục tiêu cụ thể cho tiến trình thành lập liên minh và chưa có cam kết về việc thực hiện. Đại đa số lãnh đạo các nước GCC đều muốn thúc đẩy sáu quốc gia vùng Vịnh xích lại gần hơn thành một liên minh chính trị, nhưng cũng có nhiều lãnh đạo e ngại ý tưởng này khó thực hiện được. Nếu không giải quyết được những thách thức có thể sẽ tạo ra một sự cam kết lỏng lẻo và biến GCC thành một cơ cấu mang tính hình thức chứ không thực chất. Đây là vấn đề đòi hỏi Ban Thư ký GCC phải cân nhắc.
Hiện nay, rất khó xác định liệu ý tưởng này có thành hiện thực hay không, nhưng dù sao ý tưởng thành lập Liên minh vùng Vịnh cũng là một tính toán mang lại lợi ích cho tương lai của GCC trước những mối đe dọa từ bên ngoài đang làm ảnh hưởng đến chính trị nội bộ của từng nước.
Như vậy, ý tưởng thành lập Liên minh vùng Vịnh là bước phát triển mới của GCC nhằm thực hiện những bước đi hiệu quả, tăng cường sức mạnh ngăn chặn các mối đe doạ từ bên ngoài và phù hợp hơn với tình hình hiện nay. Tuy nhiên, các nước GCC còn có những tính toán lợi ích khác nhau và có nhiều vấn đề khác biệt cần phải giải quyết như chủ quyền, cải cách ở mỗi nước, sự phát triển không đồng đều ở mỗi quốc gia…
Vì thế, sự ra đời của Liên minh vùng Vịnh vẫn còn đang ở phía trước.
NGUYỄN NHÂM