Nixon đã để mắt tới Trung Quốc từ khá lâu. Năm 1967, viết trên tờ Các vấn đề đối ngoại (Foreign Affairs), ông đã khuyến cáo: “… chúng ta đơn giản là không thể bỏ qua Trung Quốc mãi mãi trong đại gia đình các quốc gia, làm vậy sẽ khiến họ tiếp tục nuôi dưỡng ảo mộng, ấp ủ thù hận, và đe dọa các láng giềng”. Năm 1969, quan hệ Trung Mỹ đang ở mức không công nhận lẫn nhau, với những thông điệp dành cho nhau mang tính thù địch. Sau khi tiếp quản ghế Tổng thống, Nixon bắt đầu ra dấu hiệu cho một thái độ tan băng đối với Trung Quốc. Ông ta để cho Ngoại trưởng Willam Rogers tuyên bố rằng Mỹ muốn tăng cường giao lưu văn hóa và khoa học với Trung Quốc, giảm bớt những hạn chế về thương mại và visa, đồng thời bắt đầu rút quân khỏi Việt Nam cũng như các căn cứ quân sự gần Trung Quốc. Để tránh trường hợp những thông điệp này không đến được công chúng Trung Quốc, ông ta thậm chí còn nói rõ ý mình hơn nữa. “Nếu có điều gì tôi muốn làm trước khi chết”, ông nói với tạp chí Time hồi tháng 10 năm 1970, “thì đó là đến Trung Quốc”. |
Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Lạnh, đa số người Mỹ nhìn nhận Trung Quốc và Liên Xô là hai quốc gia riêng biệt nhưng ở cùng phía một chiến tuyến. Phải tới khi xảy ra cuộc chiến giữa hai bên Washington mới nhận ra hai cường quốc này mâu thuẫn nhau tới mức nào. Những căng thẳng giữa Liên Xô và Đảng Cộng sản Trung Quốc chớm nở từ thập niên 1930, khi Nga ủng hộ Tưởng Giới Thạch hơn Mao Trạch Đông. Nhưng trong những ngày đầu của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Nga và Trung Quốc dường như sát cánh bên nhau. Năm 1950 Mao Trạch Đông ký Hiệp ước Hữu nghị, Liên kết, Tương trợ với Liên Xô, với cam kết bảo vệ Trung Quốc trong trường hợp bị Mỹ tấn công. Nhưng gần như ngay lập tức mối liên minh Trung - Xô bắt đầu có dấu hiệu trục trặc. Từ giữa thập niên 1950, khác biệt về tư tưởng đường lối giữa Moscow và Bắc Kinh bắt đầu lộ ra, có sự xa cách trong các vấn đề về tiến độ, hình thái tiến lên CNXH, và đối sách với phương Tây. Trong khi Trung Quốc chủ trương tiếp tục chống lại các nước “đế quốc” thì Liên Xô đã bắt đầu cân nhắc về “chung sống trong hòa bình” với Mỹ. Không lâu sau đó những khác biệt về tư tưởng này chuyển hóa thành khác biệt ở tầm quốc gia, khi cả Trung Quốc và Liên Xô cùng cố gắng tăng ảnh hưởng của mình tới các nước XHCN khác. Tới đầu thập kỷ 1960, Moscow và Bắc Kinh bắt đầu công kích lẫn nhau công khai. Tháng 4 năm 1960, Bắc Kinh công khai phê phán “chủ nghĩa xét lại” của Liên Xô, và Moscow phản ứng lại bằng việc rút hàng nghìn cố vấn khỏi Trung Quốc, hủy bỏ các chương trình tài trợ kinh tế và quân sự. Năm 1962, Liên Xô ủng hộ Ấn Độ trong cuộc tranh chấp lãnh thổ tồn tại từ lâu với Trung Quốc. Quan hệ Trung Xô ngày càng tiêu cực trong suốt thập kỷ 1960. Tới khi Liên Xô đưa quân vào Tiệp Khắc năm 1968 và Moscow tuyên bố quyền can thiệp vào các nước XHCN khác để tự “bảo vệ” trước những ảnh hưởng chống Cộng sản, Bắc Kinh bắt đầu lo sợ rằng Trung Quốc sẽ là mục tiêu tiếp theo. Căng thẳng cuối cùng trở thành đối đầu vào tháng 3, 1969, dọc sông Ussuri, nơi có ranh giới rất mơ hồ giữa Liên Xô và Đông Bắc Trung Quốc. Đã có những vụ nổ súng vào nhau trong các ngày 2 và 15 tháng 3, gây ra nhiều thương vong. Xung đột vũ trang tiếp diễn vào mùa xuân và mùa hè, trong khi cả hai bên cùng tập trung đông quân vào khu vực điểm nóng. Trong vòng vài tháng, cả thế giới chứng kiến Trung Quốc và Liên Xô kéo nhau tới gần viễn cảnh một cuộc xung đột hạt nhân. Liên Xô liên tục ngụ ý về khả năng một cuộc tấn công mang tính phòng vệ vào các cơ sở hạt nhân của Trung Quốc, trong khi Trung Quốc xây dựng một mạng lưới đường ngầm và hầm để phòng khi bị tấn công hạt nhân. May mắn là cuộc khủng hoảng biên giới đã được giải quyết bằng ngoại giao vào tháng 9 /1969, khi Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Kosygin bay tới Bắc Kinh đàm phán cấp cao về biên giới với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tuy nhiên, mối đe dọa tiềm tàng từ Liên Xô đã thúc đẩy Chu và Mao phải bắt đầu suy nghĩ lại về chiến lược địa chính trị cho Trung Quốc. Họ biết rằng nếu chiến tranh nổ ra, Trung Quốc sẽ không thể đương đầu với lực lượng Soviet. Trong khi đó, Mỹ đang hiện diện ở Việt Nam, và chính quyền mới của Nixon chưa thể hiện một đường lối chính sách rõ ràng đối với Trung Quốc. Đối diện với nguy cơ từ hai phía, Bắc Kinh bắt đầu thấy rằng cải thiện quan hệ với Mỹ là cách tốt nhất để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc. Tốt hơn là “liên minh với kẻ thù ở xa”, như Mao nói, “nhằm chống lại kẻ thù ngay ngoài cửa ngõ”. Cũng vào lúc đó, Washington bắt đầu nhận thấy rõ sự chia rẽ trong quan hệ Trung - Xô. Nixon và Kissinger nhận ra họ có thể dùng sự đối trọng giữa Moscow và Bắc Kinh để cải thiện được quan hệ với cả hai. Trong tất cả mọi nguyên nhân, sự chia rẽ trong quan hệ Trung - Xô là yếu tố là lực đẩy mạnh nhất giúp Mỹ và Trung Quốc tái lập quan hệ hữu nghị vào tháng 2/ 1972. |