Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu rằng vùng Nam Thái Bình Dương đủ chỗ cho cả Mỹ và Trung Quốc nhưng đồng thời cũng kêu gọi Bắc Kinh có chính sách viện trợ các quốc đảo một cách công bằng hơn.
Bà Clinton cũng khẳng định cam kết của Mỹ đối với khu vực Nam Thái Bình Dương về lâu dài và công bố các khoản viện trợ mới cho khu vực này.
"Tài trợ phải minh bạch"
Ngoại trưởng Clinton đưa ra những phát biểu này hôm thứ sáu ngày 31.8 ở quốc đảo Cook, nơi bà trở thành ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham dự hội nghị thượng đỉnh hàng năm của khu vực rộng lớn nhưng dân cư thưa thớt này.
Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương quy tụ 15 quốc gia nhỏ nằm rải rác trong khu vực.
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton phát biểu rằng vùng Nam Thái Bình Dương đủ chỗ cho cả Mỹ và Trung Quốc nhưng đồng thời cũng kêu gọi Bắc Kinh có chính sách viện trợ các quốc đảo một cách công bằng hơn. Ảnh: Reuters |
Chuyến thăm của Clinton diễn ra trong bối cảnh một số đảo quốc trong khu vực này đang phát triển mối quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc vốn đã cam kết hơn 600 triệu đô la các khoản vay có lãi suất thấp hoặc không kèm điều kiện cho các nước này kể từ năm 2005.
Cũng tại hội nghị thượng đỉnh tại đảo Cook, Clinton đã giảm nhẹ mối quan hệ đối địch giữa Mỹ và Trung Quốc trước thềm chuyến công du Bắc Kinh của bà vào đầu tuần tới.
“Chúng tôi nghĩ điều quan trọng đối với các quốc đảo Thái Bình Dương là có quan hệ tốt với càng nhiều đối tác càng tốt, trong đó có cả Trung Quốc và Hoa Kỳ,” bà nói với các phóng viên.
Trước những lời chỉ trích rằng việc Trung Quốc mạnh dạn rút hầu bao cho các quốc đảo đã làm suy yếu sức ép của quốc tế đối với Fiji và các quốc gia khác về dân chủ, Clinton nói bà muốn thấy Trung Quốc hành động "một cách công bằng và minh bạch" ở khu vực này.
Bà chỉ ra rằng lợi ích của Trung Quốc trong khu vực không nhất thiết giống như lợi ích của nước khác. Trước đó bà cũng từng đề cập điểm này trong chuyến công du châu Phi khi bà so sánh mục tiêu của Hoa Kỳ tại lục địa này là giúp tăng cường chứ không phải làm xói mòn các giá trị.
Lời bình luận này của bà Clinton được cho là ngầm ý nhắm vào Trung Quốc vốn bị chỉ trích là dùng các khoản đầu tư nước ngoài để khai thác tài nguyên bất chấp thiệt hại cho cư dân địa phương.
Trung Quốc phân trần
“Chúng tôi muốn Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong các vấn đề hàng hải và an ninh trên biển. Chúng tôi muốn thấy họ đóng góp vào việc phát triển bền vững cho các dân tộc ở Thái Bình Dương để bảo vệ môi trường quý báu và theo đuổi các hoạt động kinh tế đem lại lợi ích cho người dân nơi đây,” bà nói.
“Tôi nghĩ rằng, suy cho cùng thì Thái Bình Dương có đủ chỗ cho tất cả chúng ta,” bà phát biểu trước diễn đàn. Đây cũng là ý mà bà lặp đi lặp lại khi ở đảo Cook.
Tuy nhiên, bà cũng nói rằng Hoa Kỳ sẽ không từ bỏ vai trò lâu nay của nước này là bảo vệ thông thương trên biển và là đối trọng với mưu đồ thống trị của bất cứ cường quốc nào.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc đã cáo buộc chuyến công du châu Á lần này của bà Clinton có mục đích là tìm cách ‘kiềm chế’ sự trỗi dậy của Trung Quốc
Tuy nhiên, tại Diễn đàn các quốc đảo Thái Bình Dương, thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải đã lên tiếng đấu dịu khi nói rằng Trung Quốc "có mặt ở khu vực chẳng phải để tìm kiếm sự ảnh hưởng nào cả, huống hồ có mưu đồ thống trị".
“Chúng tôi có mặt ở đây để làm một đối tác tốt của các quốc đảo. Chúng tôi không ở đây để tranh đua với ai cả,” ông Thôi nói với các phóng viên.
“Mục tiêu các chính sách của Trung Quốc đối với Thái Bình Dương là hòa bình, ổn định và phát triển,” Tân Hoa Xã dẫn lời ông Thiên phát biểu tại diễn đàn.
Ông cũng nói rằng Trung Quốc sẵn sàng làm việc cùng với các nước khác nhưng cũng nói thêm rằng điều này không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách viện trợ nước ngoài của họ.
"Bắc Kinh tốt hơn'
Một số quốc đảo trong khu vực đã về phía Trung Quốc. Hồi tháng 6.2012, nhà lãnh đạo của Samoa đã bình luận rằng Bắc Kinh là "một người bạn tốt hơn Washington".
Trong khi đó, Thủ tướng Henry Puna của đảo Cook chào đón sự trở lại khu vực của người Mỹ nhưng cũng nói rõ rằng khu vực này sẽ không xa lánh Trung Quốc.
“Chúng tôi có quan hệ rất gần gũi với Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và chúng tôi không có gì phải ngại về điều đó,” ông nói với các phóng viên.
“Họ rất tốt với chúng tôi, chắc chắn có chỗ cho cả hai (Mỹ và Trung Quốc) ở Thái Bình Dương", ông nói.
Hillary Clinton cho biết bà đã nói chuyện rất lâu với Thủ tướng New Zealand John Key, người đã thúc giục bà dự hội nghị thượng đỉnh này, về vai trò của Trung Quốc.
Bà nói nói Hoa Kỳ sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn với Trung Quốc về vấn đề viện trợ cũng như các vấn đề bảo vệ nguồn nước và cứu trợ thiên tai.
Bà cũng loan báo khoản viện trợ trị giá 32 triệu đô la – phần lớn là giúp các quốc đảo trong khu vực đối phó với biến đổi khí hậu. Đây là mối bận tâm chính của các quốc đảo thấp vốn hiện đang lo sợ sẽ bị nước biển dâng liếm sạch.
“Chúng tôi đang gia tăng đầu tư,” bà nói, “Và chúng tôi sẽ có mặt ở đây về lâu dài.”
Hoa Kỳ đã chấm dứt chương trình viện trợ chủ chốt của họ dành cho khu vực Nam Thái Bình Dương hồi năm 1994 và chỉ mới nối lại viện trợ gần đây khi Tổng thống Barack Obama cam kết chuyển trọng tâm sang châu Á.
Ngoài ra, Clinton cũng đã thảo luận về hợp tác với các đồng minh lịch sử của Mỹ ở Thái Bình Dương. Bà đã đồng ý với Úc, Pháp và New Zealand sẽ tăng cường tuần tra các tàu cá để ngăn chặn việc đánh bắt trái phép.
Theo bbc// SGTT