TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

PGS - TS Phạm Xanh: Toàn vẹn lãnh thổ là tài sản quý giá nhất của dân tộc

"Kẻ nào đánh mất một tấc đất của dân tộc vào tay kẻ thù đều đáng bị tru di. Biển Đông là tài sản quý giá mà các vương triều trước đã gìn giữ và để lại..."

Phóng viên NTNN trò chuyện với PGS - TS Phạm Xanh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận hiện đại VN, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội, về ý nghĩa lịch sử của Ngày Quốc khánh cũng như sức lan tỏa của sự kiện trọng đại này trong đời sống hôm nay.

Thưa PGS-TS Phạm Xanh, ngày 2.9.1945 là một mốc son lịch sử đánh dấu sự khẳng định độc lập và chủ quyền của VN. Với tư cách một nhà nghiên cứu lịch sử, ông đánh giá ý nghĩa của bản Tuyên ngôn độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên đọc 67 năm về trước như thế nào?

- Khi nhìn lại những biến cố lịch sử của thế kỷ 20, theo tôi có một biến cố quan trọng đã đánh dấu kỷ nguyên mới của dân tộc, kỷ nguyên độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước. Đó chính là sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập ở Quảng trường Ba Đình ngày 2.9.1945.

PGS - TS Phạm Xanh - nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Lịch sử cận hiện đại VN, Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội

Bản Tuyên ngôn độc lập được Cụ Hồ tuyên đọc trước nửa triệu người Hà Nội và nhiều bè bạn quốc tế là một áng văn chương tuyệt vời. Trong cuốn hồi ký “Những năm tháng không thể nào quên”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã tiết lộ: Bác Hồ là một nhà cách mạng, đã đi đến nhiều nơi trên thế giới. Người cũng quen sử dụng báo chí làm phương tiện hiệu quả hỗ trợ cho hoạt động cách mạng. Tuy nhiên, giây phút Người viết và đọc bản Tuyên ngôn độc lập là những thời khắc khiến Người cảm thấy sung sướng nhất, tuyệt vời nhất trong cuộc đời cầm bút.

Kỷ nguyên mới được mở ra và đất nước đã phát triển vững mạnh như mong ước tột bậc của Bác Hồ: “Nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương và Mặt trận Việt Minh, quân và dân ta đã thực hiện thắng lợi Cách mạng Tháng Tám.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhanh chóng hợp thức hóa thành quả ấy bằng bản Tuyên ngôn độc lập để mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, toàn vẹn lãnh thổ chính là tài sản quý báu nhất mà tổ tiên đã để lại và chúng ta phải gìn giữ.

Không những vậy, sự kiện trọng đại này còn đánh dấu một bước ngoặt lớn: Đảng Cộng sản đã lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc cách mạng thành công và sau đó, Đảng Cộng sản đã lên nắm chính quyền. Đây là điều trước đó chưa từng có trong lịch sử đấu tranh của các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Từ thời điểm ấy, đất nước ta quy tụ lại thành một khối và mở ra thời đại mới: Thời đại Hồ Chí Minh. Và hào khí của thời đại ấy đã được giữ vững bằng thắng lợi trong hai cuộc chiến chống Pháp, chống Mỹ.

Mỗi dịp quốc khánh là dịp để giáo dục ý thức, trách nhiệm cho những thế hệ sau, nhất là thanh, thiếu niên Việt Nam về việc bảo vệ và phát huy thành quả của cha ông. Theo PGS, làm thế nào để mỗi người dân có thể nuôi dưỡng lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mình, đặc biệt là với thế hệ thanh niên hôm nay?

- Để trả lời câu hỏi này, phải đặt nó trong bối cảnh hiện nay, khi nước ta đang hội nhập với thế giới. Theo tôi, dù có bất cứ sự đổi thay nào, người Việt Nam ta cũng có quyền tự hào với những trang sử hào hùng của dân tộc. Việt Nam hiện nay vẫn là một nước nhỏ, nhưng không phải vì thế mà ta tự ti, bởi chúng ta nhỏ bé nhưng dân tộc ta đã chiến đấu, tồn tại và phát triển đến ngày nay.

Quảng trường Ba Đình - Hà Nội ngày 2/9/1945

Hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước đã qua, chúng ta chịu ảnh hưởng của nhiều nền văn hóa khác nhau, từ Trung Quốc, Hàn Quốc đến Nhật Bản, phương Tây, nhưng chúng ta vẫn giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của nhân loại. Giới trẻ hiện nay đã năng động, thông minh, trí tuệ và nhạy bén hơn, điều đó cũng bắt nguồn từ niềm tự hào dân tộc.

Thể hiện lòng yêu nước như thế nào là tùy thuộc vào công việc hằng ngày của từng người. Những khi có “va chạm” mang tính dân tộc, lớp trẻ biết quy tụ lại và sẵn sàng xả thân vì mảnh đất nuôi dưỡng họ lớn lên. Tôi tin vào năng lực của lớp trẻ bây giờ, bởi họ được giáo dục đầy đủ và ý thức được trách nhiệm của mình với Tổ quốc trước mỗi biến cố.

Lòng yêu nước ở những cương vị khác nhau có những mức độ khác nhau. Ai cũng có tinh thần tự hào dân tộc. Trách nhiệm của chúng ta là phải tạo điều kiện để lớp trẻ thể hiện điều đó. Tôi nói đơn giản như việc nên coi lịch sử Việt Nam là môn học chính để truyền cảm hứng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc cho lớp trẻ. Hệ thống chính trị cần vào cuộc bằng nhiều phong trào, tạo ra nhiều sân chơi để đoàn viên thanh niên được khích lệ, thể hiện tình cảm với đất nước.

Thách thức lớn đang đặt ra cho toàn Đảng và toàn dân ta để thực hiện thành công mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Theo PGS, những thách thức lớn đang đặt ra là gì?

- Điều quan trọng nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam thể hiện mình là đảng cầm quyền chứ không phải một đảng độc quyền. Đảng ta khi tiến hành cách mạng mới có 5.000 đảng viên, nhiều người bị địch bắt, tra tấn hoặc giết hại, nhưng Đảng vẫn dẫn dắt nhân dân giành được thắng lợi. Hiện nay, Đảng ta có nhiều thuận lợi, nhưng tại sao vẫn chưa lãnh đạo thực hiện được mục tiêu đề ra để xây dựng được một xã hội lý tưởng?

Đúng như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, hiện nay nhiều đảng viên, trong đó có cả lãnh đạo cao cấp đã phai nhạt lý tưởng, suy thoái về đạo đức, tư tưởng, dẫn đến tình trạng tham nhũng, đánh mất phẩm chất của con người nói chung và cao hơn nữa là nhân phẩm của một đảng viên.

Hội nghị Trung ương 4 đã đặt ra những yêu cầu lớn và cấp bách, trong đó nhấn mạnh việc xây dựng và chỉnh đốn lại Đảng. Đây là nhiệm vụ mấu chốt và sống còn, bởi nếu không làm được, Đảng ta sẽ tự đánh mất vai trò lãnh đạo của mình và quan trọng hơn là đánh mất niềm tin của nhân dân.

... Quảng trường Ba Đình lịch sử và Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay.

Những điều Bác Hồ hết sức tâm đắc trong bản Tuyên ngôn độc lập năm xưa chính là niềm tin trong lòng nhân dân, dân tộc VN qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và cuộc chiến bảo vệ biên giới. Ngày nay, khi những thế lực thù địch vẫn còn âm mưu xâm phạm chủ quyền nước ta, cần hiểu thế nào cho đúng và đủ về “độc lập” và “toàn vẹn lãnh thổ”?

“Ta phải nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ như Vua Lê Thánh Tông khi xưa từng nói với các cận thần: Kẻ nào đánh mất một tấc đất của dân tộc vào tay kẻ thù đều đáng bị tru di”.

- Ta phải nhấn mạnh đến sự toàn vẹn lãnh thổ như Vua Lê Thánh Tông khi xưa từng nói với các cận thần: Kẻ nào đánh mất một tấc đất của dân tộc vào tay kẻ thù đều đáng bị tru di. Biển Đông là tài sản quý giá mà các vương triều trước đã gìn giữ và để lại. Ở thời Nguyễn, triều đình đã thành lập các đội Hoàng Sa để thu lượm, khai thác sản vật và ta đã sở hữu hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.

Các vua nhà Nguyễn đã nâng tầm nhìn đối với Hoàng Sa, Trường Sa như tổ chức Lễ thượng cờ, cắm mốc, đo đạc, xây dựng miếu... Vua Minh Mạng đã tiến hành những cuộc di dân ra các đảo như Côn Lôn, Phú Quốc vốn là những đảo có đất canh tác. Ở Côn Đảo đã có làng An Hải ra đời năm từ năm 1848... Đó là điều chúng ta phải làm để lớp trẻ hiểu.

- Xin cảm ơn PGS-TS Phạm Xanh về cuộc trao đổi này!

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te