Dư luận và giới truyền thông cho rằng, việc Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) công bố mời thầu quốc tế 26 lô dầu khí hôm 28/8 đã thể hiện rõ âm mưu độc chiếm nguồn dầu mỏ trên biển Đông với tham vọng khai thác 1 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2020, bất chấp việc xâm phạm lãnh hải của các nước khác trong khu vực.
Việc này diễn ra trước khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với an ninh của châu Á - Thái Bình dương, đồng thời tuyên bố Washington không từ bỏ việc duy trì vị thế đối trọng của mình tại khu vực này khi bà phát biểu tại cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quốc đảo Nam Thái Bình Dương ở đảo Cook hôm 31/8.
Cách đây gần 1 tháng (3/8), hãng tin Reuters từng đưa ra nhận định khiến Bắc Kinh khó chịu khi cho rằng, việc CNOOC chào mua Công ty Dầu khí Nexen (Canada) với giá 15,1 tỉ USD hôm 23/7 là mưu đồ “thọc sâu biển Đông” của Trung Quốc. Bởi Nexen là công ty dầu khí lớn thứ 10 ở Canada, đang sở hữu các giàn khoan nước sâu ở vịnh Mexico (Mỹ). Trước đó (tháng 4/2012), CNOOC ký hợp đồng với Tập đoàn dầu khí ENI của Italia khai thác khu vực nước sâu 30/27 ở phía Bắc biển Đông, cách Hongkong 400km. Khu khai thác này có diện tích 5.130km2.
Ngày 9/5, CNOOC đưa giàn khoan hải dương 981 (còn gọi là Dầu khí Hải dương 981) tới khu vực này. Dầu khí Hải dương 981 dài hơn 650m, cao 136m, trọng tải 30.000 tấn, có khả năng hoạt động ở độ sâu 3.000m, độ sâu giếng khoan tối đa 12.000m, kiểu nửa chìm nửa nổi với kinh phí 935 triệu USD được cư dân mạng Trung Quốc gọi là “tàu sân bay dầu khí” bởi được thiết kế chuyên khai thác dầu trên biển Đông.
Ngày 30/8, tờ Hoàn Cầu thời báo cho biết, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc vừa ngang nhiên tuyên bố sẽ mở tuyến du lịch cho dân thường tới cái gọi là “Thành phố Tam Sa” sớm nhất trong tháng 10/2012. Giám đốc Tập đoàn Du lịch Hạ Môn Lâm Chí Huy cho rằng, một khi tuyến du lịch kể trên đi vào hoạt động, số du khách mà tập đoàn này đưa đến Hải Nam sẽ tăng thêm 50%.
Ngày 28/8, Cục Khí tượng tỉnh Hải Nam tổ chức họp báo để thông báo ban hành cái gọi là “Điều lệ phòng chống thiên tai khí tượng tỉnh Hải Nam”, trong đó chính thức nêu rõ yêu cầu về việc xây dựng các trạm quan trắc khí tượng tại các đảo và vùng biển mà cái gọi là “Thành phố Tam Sa” quản hạt có hiệu lực từ ngày 1/9/2012.
Trước đó (26/8), Tân Hoa Xã đưa tin, ngày 25/8 Tân Hoa Xã đã chính thức thành lập văn phòng tại đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam bị Trung Quốc chiếm đóng trái phép), nơi đặt trụ sở cái gọi là “thành phố Tam Sa”.
Giàn khoan Hải Dương 981 (còn gọi là Dầu khí Hải Dương 981). |
Dư luận thực sự quan tâm tới thông tin vừa đăng tải trên tờ The Straits Times xuất bản tại Singapore hôm 31/8 bởi theo báo này, Trung Quốc đã cung cấp tiền trợ giúp các ngư dân của quốc gia hơn 1,34 tỷ người đưa tàu tới đánh bắt trái phép tại biển Đông bởi trong đó có khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Nhiều ngư dân cho biết, hành động kể trên nhằm bảo vệ tuyên bố của cái gọi là "chủ quyền của Trung Quốc” tại biển Đông.
Trước đó (29/8), Thiếu tướng Kiều Lương, Giáo sư chiến lược thuộc Học viện Chỉ huy Không quân, Phó Tổng thư ký Ủy ban Nghiên cứu Chính sách An ninh Quốc gia Trung Quốc có bài viết trên Tân Hoa xã để “khẳng định chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku và biển Đông”, đồng thời đưa ra cách thức kiểm soát đối với các hòn đảo và vùng biển hữu quan. Thiếu tướng Kiều Lương đề xuất, Trung Quốc nên học Mỹ sử dụng “chiến tranh siêu giới hạn” trong việc giải quyết tranh chấp biển đảo bởi ông cho rằng “trong giải quyết tranh chấp quốc tế, lợi ích hoàn toàn không thể nhượng bộ thì không thể nhượng bộ”.
Theo hãng tin GMA News (Philippines), ngày 30/8, Ngoại trưởng Philippines Alberto del Rosario đã có buổi tuyên truyền về vấn đề tranh chấp biển Đông với Trung Quốc và nguy cơ dẫn đến chiến tranh ở châu Á trước hơn 500 học sinh lớp 6 ở trường tiểu học Ateneo tại Quezon thuộc thủ đô Manila. Các học sinh đều cho rằng, Trung Quốc là kẻ bắt nạt tại biển Đông. Tuy nhiên, trong buổi nói chuyện khoảng 60 phút, ông Alberto del Rosario cũng nhấn mạnh, Philippines vẫn xem Trung Quốc là bạn bè, láng giềng gần gũi và đối tác trong khu vực. Ngoại trưởng Philippines thừa nhận, năng lực quân sự của Philippines tuy yếu, nhưng đang từng bước phát triển và sẽ làm hết khả năng để bảo vệ chủ quyền. Ngoại trưởng Albert del Rosario dự kiến công du tới một số nước ASEAN để giải thích lập trường của Philippines trước khi ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh thường niên ở Campuchia vào tháng 11/2012.
Theo tờ The Philippines Inquirer, ông Albert del Rosario đang tìm kiếm giải pháp hòa bình cho tranh chấp Scarborough/Hoàng Nham với Trung Quốc tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc ở Mỹ ngày 24/9. Giới truyền thông cũng vừa dẫn lời Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Philippines Laura del Rosario cho biết, Tổng thống Philippines Benigno Aquino III sẽ có cuộc hội đàm với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào để thảo luận về tranh chấp lãnh thổ giữa 2 nước bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC diễn ra tại Nga. Cũng trong ngày 30/8, trước thềm chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt tới Ấn Độ, New Delhi đã tái khẳng định: Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải ở biển Đông, nơi Trung Quốc đang ngang ngược tuyên bố chủ quyền với diện tích lên tới 90%.
Trong một diễn biến liên quan, chiều 30/8, tại thủ đô Jakarta, Indonesia đã diễn ra Hội thảo quốc tế với chủ đề “An ninh hàng hải ở Đông Nam Á,” do Diễn đàn Thái Bình Dương thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) phối hợp với Trung tâm Habibie của Indonesia phối hợp tổ chức. Hội thảo có sự tham dự của các học giả, nhà phân tích, chuyên gia quốc phòng đến từ Mỹ, Anh, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Ấn Độ, Trung Quốc, và các thành viên ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Các đại biểu tham dự hội thảo nhất trí cho rằng, để đảm bảo an ninh hàng hải, trong đó có việc đối phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống đòi hỏi phải dựa trên các nền tảng pháp lý đã được quốc tế công nhận, nhất là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS), các cam kết đã được các bên liên quan nhất trí, trong đó có Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC), thiện chí, nỗ lực và hợp tác tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực nhằm đảm bảo duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á nói chung và biển Đông nói riêng. Các đại biểu cũng ghi nhận mối lo ngại về tình trạng gia tăng tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Đông Nam Á và Đông Bắc Á, đồng thời cho rằng có thể đảm bảo an ninh hàng hải ở Đông Nam Á nếu xây dựng được một cơ chế quốc phòng tập thể và an ninh tập thể trên cơ sở phát triển và mở rộng các cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN (ADMM), ADMM +1, ADMM +3 với các đối tác đối thoại của ASEAN.
Trước đó (tối 22/8), Câu lạc bộ phóng viên quốc tế tại Thái Lan đã tổ chức buổi tọa đàm về vấn đề biển Đông với sự tham gia của đại diện Việt Nam, Philippines và Thái Lan cùng gần 100 phóng viên. Đây là lần đầu tiên hội thảo về chủ đề này được tổ chức tại Thái Lan và thông qua buổi tọa đàm kể trên, giới truyền thông quốc tế có thêm cơ hội hiểu về tranh chấp ở biển Đông từ các bên liên quan cũng như mong muốn của Việt Nam và Philippines xung quanh vấn đề này.Theo đó, các bên liên quan cần giải quyết, đàm phán hòa bình các tranh chấp ở biển Đông trên tinh thần xây dựng và hợp tác, vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Ngày 31/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc hôm 28/8, Tổng Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc công bố mời thầu quốc tế 26 lô dầu khí, trong đó có lô dầu khí 65/12 nằm cách đảo Cây thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 3 hải lý, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “Việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí nói trên đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, trái với nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước; đi ngược lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, là hành động phi pháp và không có giá trị. Việt Nam phản đối hành động nói trên của phía Trung Quốc và yêu cầu phía Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu quốc tế lô dầu khí này”. |
Quốc Tuấn - Khắc Dũng
Theo CAND