Đài Loan đã chính thức loan báo kế hoạch diễn tập bắn đạn thật tại đảo Ba Bình thuộc Trường Sa vào từ ngày 1 - 5.9 để “khẳng định chủ quyền của Đài Loan tại Biển Đông”.
Đảo Ba Bình nhìn từ trên cao |
Dầu chưa biết chính xác những động cơ nào đã thúc đẩy những hành động như trên, nhưng giới quan sát đều đồng thuận một điểm rằng chính các thuận lợi về mặt thực địa qua đảo và bãi đá mà Đài Bắc đã chiếm hữu ở Trường Sa giúp nước này có thể gia tăng tiếng nói cũng như trọng lượng của mình tại điểm nóng trên biển Đông. Quan trọng và chiến lược nhất phải kể đến Ba Bình.
Quay lại lịch sử một chút, khi thực dân Pháp lúc đó xây dựng các trạm thời tiết tại một số đảo ở Trường Sa cũng như quản lý quần đảo này như là một bộ phận của liên bang Đông Dương thuộc Pháp. Họ chiếm một số đảo trong đó có Ba Bình và Trung Hoa Dân quốc (khi đó vẫn đang nắm quyền tại đại lục) phản đối dữ dội vì cho rằng người Pháp thừa nhận đã chứng kiến các ngư dân Trung Quốc hoạt động đánh cá ở vùng biển thuộc Trường Sa. Sau khi chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, quân đội Nhật dùng Trường Sa như một căn cứ cho các tàu ngầm của mình. Năm 1945, Trung Hoa Dân quốc kiểm soát quần đảo khi Nhật Bản đầu hàng và đã chọn Ba Bình, đảo lớn nhất trong số đó và cũng là đảo duy nhất có thể cư trú, làm căn cứ nhưng sau đó lại rút đi do thất bại trong cuộc nội chiến năm 1949. Đài Loan trở lại chiếm cứ Ba Bình từ năm 1956 cho đến nay.
Không thể chối cãi rằng Ba Bình có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Nằm tại vị trí gần như trung tâm tại biển Đông, cách bãi cạn Scarborough khoảng 800 km, 600 km từ bở biển Việt Nam và khoảng 500 km từ đảo Palawan của Philippines, Ba Bình là một công cụ nhằm thể hiện quyền lực cũng như kiểm soát các tuyến hàng hải xung quanh biển Đông môt cách hữu hiệu nhất. Ngoài ra, các ngư trường xung quanh đảo cực kỳ dồi dào và điểm đặc biết nhất của Ba Bình chính là hòn đảo duy nhất tại Trường Sa có nguồn nước ngọt tự nhiên.
Hòn đảo này cũng là một trong hai vị trí duy nhất tại biển Đông có thể cho phép máy bay vận tải hạng nhẹ hạ cánh. Cùng với dự án kéo dài đường băng sắp được thực hiện và với kế hoạch xây dựng một trạm kiểm soát không lưu chiến lược mới cao 7 mét, Đài Bắc sẽ dễ dàng hơn rất nhiều trong việc bảo vệ chủ quyền của mình cũng như nâng cao khả năng tiến hành cảnh báo từ xa đối với các mối nguy hiểm tiềm tàng xung quanh trong bối cạnh căng thẳng như hiện nay. Với Ba Bình làm căn cứ, dựa vào các thế mạnh có một không hai của nó, Đài Loan hoàn toàn nắm quyền chủ động trong các kế hoạch phòng thủ của mình.
Đối với người Đài Loan, ngoài ý nghĩa chiến lược thì hòn đảo cũng như là một biểu tượng về chủ quyền khi họ là bên nắm giữ ít đảo nhất tại khu vực tranh chấp. Mối lo sợ rằng Trung Quốc có thể sử dụng sức mạnh áp đảo của mình để chiếm Ba Bình vẫn đang hiện diện trong giới quân sự và chính trị tại Đài Loan. Với Bắc Kinh, việc có được Ba Bình sẽ giúp Hạm đội Nam Hải như “hổ mọc thêm cánh”.
Trong thời gian gần đây, Hải quân Trung Quốc đang ngày càng tăng cường sự hiện diện của mình tại biển Đông. Một trong những biện pháp được sử dụng là tiến hành xây dựng hàng loạt các đảo nhân tạo ở các khu vực chiếm đóng xung quanh Hoàng Sa. Các đảo này có nhiệm vụ làm bệ cho các trạm ra-đa của hải quân, hay đóng vai trò như các ụ tàu nổi cũng như sân đỗ cho trực thăng. Tuy nhiên, chúng không bao giờ so sánh được với lơi thế của một hòn đảo tự nhiên. Chỉ cần một đợt tấn công bằng các loại bom xuyên phá hiện đại, các đảo nhân tạo sẽ dễ dàng bị loại khỏi vòng chiến. Hải quân Trung Quốc chắc chắn đã thấy được ưu thế vượt trội của Ba Bình. Với việc Thi Lang sắp đưa vào hoạt động, chiếm được Ba Bình sẽ giúp cho tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc có được tầm hoạt động rộng hơn và khả năng hậu cần phong phú hơn rất nhiều. Thi Lang cũng sẽ trở thành một pháo đài nổi di động khi có được một nguồn tiếp tế tại khu vực gần như là trung tâm của biển Đông. Ngoài ra, Ba Bình cũng sẽ là một căn cứ tiềm năng cho các loại tàu chiến khác cũng như máy bay không người lái của Hải quân Trung Quốc. Có được Ba Bình, gần như Trung Quốc đã kiểm soát được biển Đông về mặt thực địa.
Máy bay vận tại C-130 trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam do Đài Loan chiếm đóng trái phép |
Có hay không sự bắt tay nhau bí mật giữa Đài Bắc và Bắc Kinh trong vấn đề biển Đông, đến nay chúng ta vẫn chưa có câu trả lời cụ thể. Tuy nhiên có thể khẳng định rằng mối quan hệ đồng minh giữa Đài Loan và Mỹ sẽ không cho phép chuyện đó có thể xảy ra. Với Washington, Ba Bình có thể phục vụ cho một lý do khác. Việc Đài Loan mở rộng sân bay cũng như trạm quan sát tại đây sẽ đáp ứng được yêu cầu hoạt động của máy bay do thám P-3C, loại máy bay được đánh giá cao về tính năng kỹ chiến thuật đang có trong biên chế của không quân Đài Loan hiện nay. Ba Bình có thể trở thành một trung tâm do thám khả dĩ để Washington có thể kiểm soát các hành động của Bắc Kinh tại khu vực. Gần đây, Mỹ cũng đã yêu cầu Đài Loan nâng cấp các cơ sở thông tin và cứu hộ tại Ba Bình. Có thể thấy Mỹ cũng đang để ý đến vị trí chiến lược của hòn đảo tại khu vực mà Washington đã tuyên bố có lợi ích trực tiếp trong bối cảnh chính sách xoay trục của họ đang tiến hành những bước đi đầu tiên.
Với các bên tranh chấp khác, Ba Bình có những ý nghĩa khác nhau. Philippines dường như không quan tâm đến hòn đảo này vì Manila cho rằng Ba Bình không thuộc 9 đảo mà họ đòi hỏi chủ quyền, và bất cứ ai. Nhưng chúng ta còn sẽ phải chờ xem phản ứng của Philippines sẽ là thế nào nếu Đài Loan tăng cường các hành động quân sự xung quanh Ba Bình trong tương lai. Cho dù cùng là đồng minh của Mỹ, nhưng các vấn đề về chủ quyền lại cực kỳ khó có thể thỏa hiệp một khi đã bùng phát. Còn Việt Nam thì luôn luôn phản đối hành động chiếm đóng trái phép Ba Bình của Đài Loan. Với Đài Bắc, ngoài Trung Quốc, Việt Nam chính là địch thủ tiềm tàng thứ hai của họ tại biển Đông.
Với vị thế địa chiến lược quan trọng, Ba Bình sẽ là một trung tâm cứu nạn và hỗ trợ hàng hài vào thời bình cũng như một trung tâm hậu cần và do thám quan trọng vào thời chiến. Mối quan hệ giữa Đài Loan với Trung Quốc và Mỹ sẽ là rất quan trọng trong việc liệu Đài Bắc sẽ sử dụng Ba Bình như thế nào. Tuy nhiên, xét tổng quan về các lợi ích chiến lược mà Đài Loan đã và đang có, họ sẽ phải rất thận trọng nếu không muốn hứng chịu chỉ trích từ tất cả các bên.
Nguyễn Thế Phương - Lê Thành
Theo Sài Gòn Tiếp Thị