Tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ngày càng quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vốn là hai nước mang trong mình tinh thần dân tộc cao và ngày càng khao khát nguồn tài nguyên thiên nhiên ngoài khơi. Với việc Mỹ cam kết đóng vai trò lớn hơn châu Á, khu vực này sẽ còn trở nên nóng bỏng hơn, tiềm tàng rủi ro về một cuộc xung đột vũ trang trên biển.
14 nhà hoạt động Trung Quốc bất ngờ
đặt chân lên đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư hôm 15-8
Nguyên nhân nào dẫn tới tranh chấp?
Diễn biến trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nằm ở phía nam Nhật Bản, cũng là trường hợp hết sức phức tạp. Mặc dù quần đảo thuộc quyền quản lý của Nhật Bản và thuộc sở hữu của tư nhân dưới sự cho phép của luật pháp nước Nhật; Trung Quốc vẫn cho rằng quần đảo này thuộc về họ. Tàu hải quân Trung Quốc vẫn thường xuyên được cắt cử tuần tra ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và không ngừng gây khó dễ cho tàu cá của phía Nhật Bản.
Đây là vùng biển được giới lãnh đạo phương Tây và Mỹ đánh giá là rất giàu tài nguyên, bao gồm nhiều vựa cá lớn, khí thiên nhiên và dầu mỏ. Nhưng nếu chỉ vì lợi ích kinh tế, Trung Quốc và Nhật Bản hoàn toàn có thể kiếm tìm các vùng biển khác để khai thác thủy sản và dầu khí.
Những nước này có động lực tuyên bố chủ quyền với những lãnh thổ ở xa ngoài khơi một phần còn vì đang và sẽ rất cần các trữ lượng dầu khí tại các vùng biển quanh họ. Nhật Bản lo ngại một nguy cơ sự thiếu hụt năng lượng kéo dài sau khi quay lưng lại với điện hạt nhân, còn Trung Quốc, vốn đang đóng góp tới 1/5 tiêu thụ năng lượng toàn cầu, đang chạy đua tìm kiếm tài nguyên phục vụ cho quá trình hiện đại hóa.
Làn sóng biểu tình phản đối Nhật Bản
đã lan rộng khắp Trung Quốc
Tài nguyên năng lượng đang ngày càng trở thành vấn đề có tính quyết định tại đây. Đặc biệt từ quan điểm của Nhật Bản và Trung Quốc, họ cảm thấy cần phải đảm bảo an ninh năng lượng hơn nữa. Không quốc gia nào muốn từ bỏ hoàn toàn các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ tại nơi được cho là chứa đựng trữ lượng dầu khí rất lớn.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, xung đột giữa hai nước chỉ mang tính tượng trưng, mà thực chất là bắt nguồn từ chủ nghĩa dân tộc đang dần trở lại với khu vực châu Á.
Sau sự kiện tàu Trung Quốc đâm tàu cá Nhật Bản năm 2010, chính phủ Nhật đã không đưa ra phản ứng mạnh mẽ. Và dường như năm nay, chính phủ nước này đang cố đáp trả lại sự kiện năm 2010 bằng cách thúc đẩy chủ nghĩa dân tộc đối với tranh chấp tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Senkaku (Điếu Ngư) * 1895 Nhật Bản tuyên bố chủ quyền * 1945 Hoa Kỳ kiểm soát * 1969 Liên hợp quốc đưa ra báo cáo về tài nguyên của khu vực này * 1972 Trao trả lại Nhật Bản * Dự kiến trữ lượng dầu mỏ 100 tỷ thùng * Dự kiến khí đốt 200 tỷ m3 |
Chủ nghĩa dân tộc lên tiếng
Dường như chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong lòng hai quốc gia này ngày càng lớn mạnh, dễ dẫn tới nguy cơ xung đột vũ trang. Thế lực này được dấy lên kể từ sau khi Trung Quốc lớn tiếng yêu cầu Nhật Bản lập tức trao trả tự do cho 14 nhà hoạt động của họ sau khi số người này đặt chân lên đảo Uotsuri thuộc quần đảo tranh chấp.
Ngay sau đó, một nhóm người Nhật Bản theo chủ nghĩa dân tộc cũng không chịu kém phần, đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bất chấp lệnh cấm của chính phủ, làm bùng lên làn sóng biểu tình khắp Trung Quốc.
Những cuộc biểu tình đang nổ ra trên khắp đất nước Trung Quốc hiện nay, phản ứng việc người dân Nhật đổ bộ lên một trong số các đảo thuộc Senkaku, đã lên đến mức đáng cảnh báo. Và suy cho cùng, cả hai sự kiện trên – đổ bộ đảo tranh chấp hay biểu tình – đều ít nhiều thể hiện chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Điều này chỉ khiến ảnh hưởng tới mối quan hệ giữa hai cường quốc tại châu Á và làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột, kéo theo cả sự can thiệp của Mỹ - đồng minh của Nhật Bản.
Sức mạnh quân sự - đặc biệt là hải quân của Trung Quốc ngày càng lớn mạnh, không chỉ là thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản đối với Senkaku mà còn đe dọa tới nhiều quốc gia khác đang có tranh chấp trên biển với Trung Quốc trong khu vực.
Những nước này còn bị chi phối bởi các phong trào dân tộc đang lên cao, dù đôi khi chỉ là những phong trào nhỏ. Chủ nghĩa dân tộc càng bị kích động hơn bởi truyền thông xã hội, đặc biệt tại Trung Quốc, nơi có cộng đồng mạng hết sức đông đảo có thể dễ dàng chia sẻ quan điểm. Thêm vào đó phải kể tới sự đóng góp không nhỏ của một số tờ báo mang đậm quan điểm dân tộc chủ nghĩa, hầu hết có những bài xã luận hết sức mạnh miệng, như đổ thêm dầu vào lửa, truyền cảm hứng cho tư tưởng dân tộc của người dân.
Một cộng đồng mạng lớn mạnh như vậy khiến cho giới lãnh đạo nước này khó có thể bỏ qua, đặc biệt trong khi cả hai quốc gia – Nhật Bản, Trung Quốc – đều sắp diễn ra sự chuyển giao quyền lực vào cuối năm nay, khiến chính phủ càng khó nhượng bộ trong tuyên bố chủ quyền.
Trong thế giằng co
Chủ nghĩa dân tộc cực đoan giờ đã phát triển mạnh mẽ ở cả Trung Quốc và Hàn Quốc khi hình thành một làn sóng bài Nhật, đáng lo ngại là việc biểu tình này lại nhận được sự ủng hộ của đông đảo cộng đồng.
Một số nhà quan sát tình hình chính trị ở Nhật Bản cũng đang lên tiếng cảnh báo rằng chủ nghĩa dân tộc ở quốc gia này cũng đang lan tràn ngày càng mãnh liệt, khi giới chính trị gia cánh hữu, các nhà lập pháp trẻ tuổi cùng người dân đều hướng sự tập trung của mình vào tương lai kinh tế của đất nước họ – vốn đang bị Trung Quốc áp đảo.
Bà Sheila Smith, chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ quốc tế tại New York, nhận định rằng, kể từ xung đột gần đây nhất xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hồi năm 2010, Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn tới việc bảo vệ chủ quyền các hòn đảo xa bờ của mình. Điều này thể hiện ngày càng rõ rệt và phản ứng mạnh mẽ của cộng đồng cũng khiến cho việc giải quyết các tranh chấp thêm phần khó khăn.
Bên cạnh đó, chủ nghĩa dân tộc cũng làm tăng căng thẳng trong việc kiểm soát nguồn tài nguyên và chiến lược giữa Trung Quốc và Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ hai và ba của thế giới. Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư sở hữu vựa cá lớn và trữ lượng dầu khí khổng lồ, là một phần của Quần đảo Okinawa.
Một số căn cứ quân sự chủ chốt của Mỹ tại đây giúp Nhật Bản đối phó với thế lực hải quân của Trung Quốc trên vùng biển Thái Bình Dương. Đảo chính Okinawa cũng là tuyến đường quân sự quan trọng của lực lượng không quân Mỹ trong khu vực. Gần đây, tờ Thời Báo Hoàn Cầu của Trung Quốc còn kêu gọi chính phủ nước này thách thức chủ quyền của Nhật Bản đối với đảo Okinawa, cho thấy khả năng xung đột giữa hai quốc gia sẽ còn diễn biến phức tạp.
Để đảm bảo quyền lợi cho đồng minh của mình, tháng trước, Washington đã tái khẳng định rằng nếu như quân đội Nhật Bản đang bảo vệ quần đảo Senkaku bị thế lực bên ngoài tấn công, Mỹ sẽ buộc phải can thiệp quân sự để hỗ trợ đồng minh của mình. Với tình thế như hiện nay, dù chủ nghĩa dân tộc cực đoan lớn mạnh, Trung Quốc sẽ không liều lĩnh sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư, nhưng thay vào đó, Bắc Kinh vẫn duy trì tuyên bố chủ quyền của mình, tăng cường sức mạnh và tiếp tục thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản.
Khánh Duy
Theo Đại Đoàn Kết