“Mức độ gián đoạn chuỗi cung ứng do tranh chấp lãnh thổ giữa Trung Quốc và Nhật Bản sẽ gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn so với trận động đất kèm sóng thần diễn ra ở Nhật Bản vào tháng 3 năm ngoái, đồng thời cũng làm tăng thêm áp lực suy giảm đối với nền kinh tế toàn cầu”. Chuyên gia kinh tế cao cấp Maritza Cabezas tại ABN Amro đã đưa ra nhận xét này từ Hong Kong.
Tàu lớn của Đài Loan (dưới) và tàu tuần duyên Nhật đấu vòi rồng tại khu vực quần đảo tranh chấp Senkaku. Ảnh: Reuters |
Hôm nay 26.9, theo Kyodo, ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì tại New York để thảo luận về tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Cuộc khẩu chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản tuần này tập trung cả ở Bắc Kinh lẫn New York. Chưa rõ là trong cuộc gặp cấp ngoại trưởng, ông Gemba có tái khẳng định lập trường đã được chính Thủ tướng Noda cảnh báo. Trả lời tờ Wall Street Journal đầu tuần, ông Noda nói, thái độ cứng rắn của Trung Quốc có thể làm phương hại đến cả nền kinh tế Nhật Bản lẫn Trung Quốc và kinh tế toàn cầu. Theo lịch trình, thủ tướng Nhật chưa có cuộc gặp nào với người đồng cấp Trung Quốc. Điều này cho thấy chưa thể đón đợi một bước ngoặt về chính sách để khai thông quan hệ Nhật – Trung.
Cả hai đều suy tính lại chính sách
Trước đó, hôm 25.9, thứ trưởng ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai, trong tư cách đặc phái viên của chính phủ đã tiến hành các cuộc tiếp xúc với thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Trương Chí Quân để nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ song phương. Ông Kawai tuyên bố tại Bắc Kinh: “Trong bối cảnh tình hình khó khăn hiện tại, tôi sẽ trình bày với Trương thứ trưởng những suy nghĩ của Nhật Bản và cũng muốn được biết phía Trung Quốc đang suy tính điều gì đối với tầm quan trọng của mối quan hệ hai nước”. Trong khi đó, người phát ngôn bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi khẳng định lập trường của Bắc Kinh đối với Tokyo là: “Trung Quốc sẽ hối thúc Nhật Bản sửa chữa sai lầm và có những nỗ lực để cải thiện quan hệ”.
Sáng 25.9, cơ quan tuần duyên Nhật Bản thông báo, các tàu hải giám và tàu ngư chính Trung Quốc đã vào vùng lãnh hải quần đảo Senkaku. Hàng chục tàu cá khác mang cờ Đài Loan cũng xâm nhập quần đảo tranh chấp. Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật đã dùng vòi rồng đẩy lùi đội tàu của Đài Loan khỏi khu vực mà nước này tuyên bố là lãnh hải của mình. Chính phủ Nhật Bản đã thành lập ban chuyên trách trực thuộc văn phòng thủ tướng để đối phó với các hành động xâm nhập của tàu Trung Quốc và Đài Loan. Trước đó, khi được tin Trung Quốc chuẩn bị nộp báo cáo về ranh giới ngoài thềm lục địa ở biển Hoa Đông lên uỷ ban Ranh giới thềm lục địa Liên hiệp quốc, Nhật Bản cũng đã phản đối. Nhật không công nhận quyền tài phán của uỷ ban này.
Căng thẳng do tranh chấp biển đảo giữa Nhật Bản và Trung Quốc có thể gây mất ổn định chuỗi cung ứng, tăng áp lực suy giảm kinh tế toàn cầu. Tuần này, hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, từ sản xuất ôtô tới điện tử và bán lẻ đã đóng cửa hàng và nhà máy ở Trung Quốc do các tranh chấp xung quanh đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các công ty Nhật Bản bao gồm Canon, Lion, Panasonic cũng tuyên bố ngừng hoạt động sản xuất tại Trung Quốc. Cho đến nay, hãng sản xuất ôtô hàng đầu thế giới Toyota đã tuyên bố ngừng một số hoạt động sản xuất trong khi một loạt các hãng sản xuất ô tô khác như Nissan, Honda và Mazda cũng dự định đóng cửa tạm thời các nhà máy liên doanh tại Trung Quốc.
Chuỗi cung ứng toàn cầu bị đe doạ
Theo tờ China Times (Đài Loan), hiệp hội Bảo hiểm Nhật Bản ước tính số tiền bồi thường cho thiệt hại đối với các doanh nghiệp Nhật Bản trong các cuộc biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc tuần trước có thể lên tới 10 tỉ yen (128 triệu USD). Căng thẳng giữa Nhật Bản và Trung Quốc – hai nền kinh tế lớn châu Á – còn ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu. Cựu kinh tế trưởng phụ trách châu Á của Morgan Stanley Andy Xie dự báo: “Cái giá mà Trung Quốc phải trả sẽ là nhận được ít đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hơn, trong khi ngành công nghiệp ôtô của Nhật Bản – điểm sáng của nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng tồi tệ”. Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết tranh chấp đảo với Nhật Bản đã khiến giao thương hai nước bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là sau việc các hãng ôtô và cửa hàng của Nhật Bản bị người biểu tình Trung Quốc tấn công.
Theo số liệu công bố mới nhất của bộ Thương mại Trung Quốc, vốn đầu FDI tháng 8 vào nước này đã giảm 1,4% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống chỉ còn 8,33 tỉ USD. Đây là tháng giảm thứ ba liên tiếp. Bloomberg cũng dẫn lời chuyên gia kinh tế Liu Li Gang từ ngân hàng ANZ: “Tranh chấp leo thang khiến tình hình càng trở nên bất ổn. Tăng trưởng của Nhật Bản hiện dựa khá nhiều vào Trung Quốc. Vì vậy, nền kinh tế phục hồi yếu của Nhật Bản có thể sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề hơn”. Giới phân tích cũng cảnh báo các nhà sản xuất của Nhật Bản sẽ chịu tổn thất lớn hơn cả cuộc động đất hồi tháng 3.2011. Cổ phiếu Nissan, nhà sản xuất ôtô lớn nhất nước này (tại thị trường Trung Quốc) mất 5,2% giá trị, thấp nhất kể từ tháng 5.2012. Honda cũng bị tụt 3% và công ty Fast Retailing (điều hành chuỗi cửa hàng thời trang Uniqlo) giảm 5,9%.
Tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những vấn đề tồn đọng trong mối quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc trong gần bảy thập kỷ sau khi Thế chiến 2 kết thúc. Nhưng lần này căng thẳng lãnh thổ lại tái phát trong bối cảnh cả hai nước đều đang đối phó với suy giảm kinh tế toàn cầu và Trung Quốc đang chuẩn bị cho quá trình thay đổi lãnh đạo lần đầu tiên trong vòng một thập kỷ. Đồng thời, các chuyên gia cũng nhận định kinh tế Trung Quốc năm nay có thể sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong vòng 22 năm qua. Ngoài căng thẳng Trung – Nhật, nguyên nhân khác được nhắc đến là cuộc khủng hoảng nợ châu Âu và phục hồi chậm ở Mỹ làm kìm hãm xuất khẩu.
Trần Hiếu Chân
Theo SGTT