Chỉ vài phút sau khi xảy ra các cuộc tấn công cơ quan lãnh sự Mỹ ở Trung Đông, đại sứ quán Mỹ tại Cairo (Ai Cập) đã đăng tin lên Twitter để cảnh báo công dân Mỹ. Trong bài đăng này, đại sứ quán Mỹ chỉ trích phong trào Anh em Hồi giáo vì đã ủng hộ cuộc biểu tình, đồng thời cám ơn những lời chia sẻ từ người dùng Twitter về cái chết của đại sứ Mỹ ở Libya, ông Christopher Stevens.
Đại sứ quán Mỹ tại Cairo (Ai Cập) đã thông tin rất nhanh trên Twitter trong vụ tòa đại sứ bị tấn công. Ảnh: Economist |
Trong lịch sử, ngoại giao là một hoạt động diễn ra thận trọng và kín đáo đằng sau một cánh cổng đóng chặt. Trong thế kỉ 21, các nhà ngoại giao sử dụng Twitter, Facebook, YouTube và một số mạng xã hội địa phương như Sina Weibo của Trung Quốc.
Phần lớn hoạt động ngoại giao trên mạng mang tính công khai, tức chính phủ tương tác trực tiếp với công dân của một nước khác. Những công cụ ngoại giao điện tử này ít tốn kém mà lại hiệu quả và dễ sử dụng trong nhiều mục đích khác nhau, chẳng hạn như cập nhật thiên tai, thu thập thông tin và quản lý các mối quan hệ. Một số nhà ngoại giao thậm chí không đọc email của riêng mình nhưng lại sử dụng Twitter để liên lạc với nhau.
Mỹ có lẽ là quốc gia tiên phong trong việc sử dụng mạng xã hội làm ngoại giao. Từ khi Ngoại trưởng Hillary Clinton phát động ngoại giao điện tử vào năm 2009 đến nay, Bộ Ngoại giao Mỹ có 194 tài khoản Twitter và 200 trang Facebook khác nhau với số lượng hàng triệu lượt theo dõi. Nhà nghiên cứu Fergus Hanson tại Viện chính sách Brookings (Washington DC) đánh giá Bộ Ngoại giao đã tổ chức một “đế chế truyền thông toàn cầu” hiệu quả.
Ở Anh, hơn 20 đại sứ nước này đã sử dụng Twitter, có lẽ là do ảnh hưởng từ Ngoại trưởng William Hague cũng thường xuyên sử dụng Twitter. Ngoại trưởng Nga được cho là có tới 40 tài khoản Twitter. Israel vừa mới tuyên bố sẽ khai thác hiệu quả ngoại giao điện tử. Ngay cả Trung Quốc, vốn kiểm duyệt truyền thông trong nước rất gắt gao, cũng tỏ ra quan tâm đến việc sử dụng mạng xã hội làm công cụ ngoại giao ở nước ngoài.
Tại một số quốc gia, các quan chức sử dụng ngoại giao trực tuyến nhưng thường vì mục đích cá nhân hơn là cho công việc của chính phủ. Điển hình như Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và Ngoại trưởng Thụy Điển Carl Bildt có lượt người theo dõi lớn trên Twitter. Tại Mỹ, chính khách quan trọng nhất trên mạng là Tổng thống Barack Obama, mặc dù ông hiếm khi tự mình “tweet”. Lượt người theo dõi ông Obama trên Twitter là 20 triệu người, bỏ xa Tổng thống Venezuela Hugo Chavez (3,4 triệu) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (1,5 triệu).
Nhà nghiên cứu Hanson nhận định việc không tham gia vào thế giới mạng có thể trở thành một bất lợi với các chính phủ. Trong năm 2010, sau những tình nghi rằng nạn tội phạm chống lại sinh viên Ấn Độ ở Melbourne (Úc) có động cơ phân biệt chủng tộc, thì lượng hồ sơ từ Ấn Độ nộp vào các trường đại học Úc giảm đi một nửa, có nghĩa là nguồn thu nhập lớn của Úc cũng bị giảm theo (Ấn Độ là quốc gia có lượng du học sinh đông nhất ở Úc). Tháng 4.2012, khi hai du học sinh Trung Quốc bị hành hung, Ngoại trưởng Kevin Rudd đã đăng đàn Sina Weibo và hứa sẽ điều tra rõ vụ việc. Căng thẳng dịu đi nhanh chóng.
Một số ý kiến cho rằng truyền thông xã hội cải thiện quá trình chuẩn bị trong hoạt động ngoại giao. Bộ Ngoại giao Mỹ đã giám sát mạng xã hội ở năm nhóm ngôn ngữ và năm quốc gia khác nhau, chẳng hạn như mạng xã hội của những nhân vật có ảnh hưởng tại một quốc gia mà các đại sứ Mỹ nên kết thân. Với những thông tin từ mạng xã hội, các nhà ngoại giao sẽ biết tiên đoán sự việc và phản ứng trước tình huống. “Liệu chúng ta có chuẩn bị cách giải quyết sự kiện mùa xuân Ả rập tốt hơn nếu sớm phát hiện ra cụm từ khóa #tahrir trên Twitter sớm hơn”, ông Tom Feltcher - đại sứ Anh tại Lebanon nói.
Ngoại giao điện tử vẫn có những khiếm khuyết. Nhiều ý kiến nói truyền thông xã hội không tái tạo lại các hoạt động ngoại giao, những lãnh đạo thế giới và các quan chức của họ vẫn phải gặp mặt đối diện. Và việc sử dụng công cụ có sức lan tỏa rộng rãi như mạng xã hội cần phải thận trọng để tránh các sự cố. Như hồi tháng 6-2012, khi phản ứng trước một bài báo của Paul Krugman - nhà kinh tế chính sách người Estonia từng đoạt giải Nobel, Tổng thống nước này Toomas Hendril Ilves đã chỉ trích ông Krugman trên Twitter là “tự mãn, hống hách và trịch thượng”.
C.T. (Economist)
Theo SGTT