Bắc Kinh tiếp tục có những động thái khiêu khích ở biển Hoa Đông khi cho 3 tàu hải giám đi vào vùng biển mà Tokyo xem là lãnh hải của mình
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ thúc giục việc thực thi nguyên tắc pháp trị để giải quyết các cuộc tranh chấp lãnh thổ khi ông tham dự kỳ họp thứ 67 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong tuần này.
Nhật giữ nguyên tắc pháp trị
Phát biểu trước các phóng viên trước khi lên đường đến New York (Mỹ) hôm 24-9, Thủ tướng Noda cho biết: “Tôi muốn truyền tải tầm quan trọng của việc ngăn chặn các cuộc xung đột dựa trên cơ sở pháp trị”. Ông Noda dự kiến sẽ có bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong ngày 26-9 giữa lúc quan hệ giữa Nhật với Trung Quốc và Hàn Quốc đang xấu đi vì vấn đề tranh chấp lãnh thổ.
Vì thế, theo hãng tin Kyodo, việc ông Noda nhấn mạnh đến nguyên tắc pháp trị là nhằm nhắc nhở Trung Quốc cần kiềm chế ở các vùng biển, cũng như thúc giục Hàn Quốc đồng ý cùng Nhật Bản đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra Tòa án Công lý Quốc tế. Các nguồn tin ngoại giao cho biết ông Noda không có kế hoạch gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hàn Quốc bên lề cuộc họp.
Trả lời phỏng vấn báo The Wall Street Journal (Mỹ) trước chuyến đi, Thủ tướng Noda nhận định rằng phản ứng bạo lực của người dân Trung Quốc đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ có thể khiến nền kinh tế nước này thêm suy yếu và làm hoảng sợ các nhà đầu tư nước ngoài. Ông Noda nói: “Tôi hy vọng rằng Trung Quốc nên điềm đạm hơn và nhận ra rằng bất kỳ việc gì làm ảnh hưởng tới giới đầu tư nước ngoài cũng sẽ gây hại tới nước này”.
Ông Noda cũng bày tỏ lo ngại trước thông tin các doanh nghiệp Nhật Bản làm ăn ở Trung Quốc đang đối mặt với một dạng “quấy rối kinh tế”, như việc trì hoãn trong thủ tục hải quan và thị thực. Thủ tướng Nhật cho rằng việc gây hại quan hệ song phương vì những hành động như thế sẽ không chỉ có hại cho nền kinh tế hai nước mà còn ảnh hưởng cả kinh tế toàn cầu.
Tàu hải giám Trung Quốc (trước) và tàu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản
đi gần nhau ở gần quần đảo tranh chấp hôm 24-9. Ảnh: REUTERS
Nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn
Lo ngại những tác động xấu nói trên, Tokyo bắt đầu có những bước đi nhằm giảm bớt căng thẳng xung quanh vấn đề quần đảo tranh chấp. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đã đến Bắc Kinh hôm 24-9 và dự kiến hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Trương Chí Quân một ngày sau đó. Ngoài ra, một cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước có thể diễn ra bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong ngày 26-9.
Tuy nhiên, trong lúc Nhật Bản nỗ lực hàn gắn rạn nứt thì Trung Quốc tiếp tục có những động thái khiêu khích ở biển Hoa Đông. Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản hôm 24-9 cho biết 3 tàu hải giám Trung Quốc đã đi vào vùng biển mà Nhật Bản xem là lãnh hải của mình ở gần quần đảo tranh chấp. Tokyo ngay lập tức lên tiếng phản đối mạnh mẽ hành động xâm phạm chủ quyền này. Đây là lần thứ 3 Nhật Bản cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải nước này kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa hầu hết quần đảo Senkaku hôm 11-9.
Trong lúc căng thẳng trong quan hệ Trung - Nhật chưa có dấu hiệu thuyên giảm, hầu hết chuyên gia cho rằng khả năng xảy ra một cuộc xung đột quân sự giữa hai nước là rất thấp, ngay cả khi các nhà bình luận “diều hâu” Trung Quốc thúc giục Bắc Kinh chuẩn bị cho chiến tranh với Tokyo.
Bà Linda Jakobson, Giám đốc chương trình Đông Á tại Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc), nhận định rằng cả Nhật, Trung Quốc và Mỹ (nước có hiệp ước an ninh với Nhật) đều không muốn một cuộc xung đột quân sự về vấn đề tranh chấp lãnh thổ xảy ra vì đây không phải là con đường mà các nước này muốn đi. Thay vào đó, theo hãng tin Reuters, các chuyên gia cảnh báo về một nguy cơ lớn hơn là xảy ra một vụ đụng độ chết chóc ngoài ý muốn trên biển, làm gia tăng sức ép về những hành động trả đũa lẫn nhau.
HOÀNG PHƯƠNG
Theo Người Lao Động