Ba tàu Trung Quốc lại xâm nhập sâu vào vùng biển tranh chấp với Nhật Bản, trong khi Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda cảnh báo không chỉ kinh tế hai nước mà cả kinh tế toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng.
Hai tàu của lực lượng tuần duyên Nhật “kè” tàu hải giám 66 của Trung Quốc (giữa) trên vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - Ảnh: Reuters |
Theo AFP, lực lượng tuần duyên Nhật (JCG) cho biết vào rạng sáng 24-9, hai tàu hải giám và một tàu ngư chính Trung Quốc xâm nhập lãnh hải của Nhật Bản, chỉ cách hai đảo Kubashima và Uotsurijima thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 20km. Sáu tàu khác của Trung Quốc cũng đang tuần tra ở phía ngoài cách xa khoảng 22km sát gần đường lãnh hải của Nhật Bản. Cục Hải dương quốc gia Trung Quốc (SOA), như Tân Hoa xã đưa tin, cũng xác nhận hai tàu hải giám 46 và hải giám 66 đang có mặt tại vùng biển này.
Ngoài ra, khoảng 100 tàu cá của Đài Loan do mười tàu tuần duyên Đài Loan hộ tống cũng đang trên đường tới khu vực tranh chấp. Theo lịch trình, ngày 25-9 các tàu này sẽ đến vùng biển gần Senkaku/Điếu Ngư và dự định tiến sâu vào vùng 12 hải lý quanh quần đảo này. Hơn 1.000 người đã biểu tình ngày 23-9 tại Đài Bắc kêu gọi tẩy chay hàng Nhật.
Cần nhìn thấy lợi ích hai nước và toàn cầu
"Chúng ta mang một bầu máu nóng, nhưng đừng chạy theo bạo lực mù quáng" Một cư dân mạng Trung Quốc |
Tokyo đã tức thời có “phản ứng mạnh mẽ” thông qua các kênh ngoại giao. Người phát ngôn Chính phủ Nhật Osamu Fujimura yêu cầu các tàu Trung Quốc “rời khỏi lãnh hải Nhật Bản ngay lập tức”.
Đề cập việc Trung Quốc dời lại lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Trung - Nhật, ông Fujimura cho rằng quyết định này là “đáng tiếc”. “Điều quan trọng là cần tăng cường mối quan hệ qua lại có lợi giữa Nhật và Trung Quốc, chứ không được để nó bị tác động bởi một sự kiện riêng lẻ” - ông Fujimura nhấn mạnh.
Hậu quả trước mắt của quyết định này là 175 lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật thuộc Hiệp hội Kinh tế Nhật - Trung, vốn thường đến Trung Quốc suốt 37 năm qua để gặp các nhà lãnh đạo Trung Quốc, đã hủy chuyến đi Trung Quốc trong năm nay.
Tuy nhiên theo AFP, nhằm làm giảm căng thẳng, cùng ngày Nhật Bản đã gửi Thứ trưởng ngoại giao Chikao Kawai đến Bắc Kinh để “thảo luận rộng rãi các vấn đề song phương trong tình hình hiện nay”. Theo báo Wall Street Journal, tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York (Mỹ) ngày 26-9, Thủ tướng Nhật Noda sẽ nêu vấn đề “quy tắc luật pháp” trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Ông Noda cho rằng ngoại trưởng hai nước nên gặp nhau bên lề cuộc họp ở New York nhằm làm giảm bớt căng thẳng trên biển Hoa Đông.
Trước đó, ngày 23-9, trả lời phỏng vấn tờ Wall Street Journal, Thủ tướng Nhật Yoshihito Noda đã cảnh báo phản ứng thái quá của Trung Quốc về tranh chấp lãnh thổ, từ biểu tình bạo lực cho đến làm khó công ty Nhật, có thể làm suy yếu chính nền kinh tế của Trung Quốc và của Nhật cũng như nền kinh tế toàn cầu.
“Đừng để giận quá mà mất khôn”
Chính quyền Trung Quốc cuối cùng đã thổi còi ngăn chặn các cuộc biểu tình chống Nhật trên đường phố vốn đang có nguy cơ vượt khỏi tầm kiểm soát dù vẫn giữ thái độ cứng rắn trong tranh chấp đảo với Nhật Bản. Báo chí Trung Quốc và các trang mạng xã hội đang kêu gọi người dân hãy bày tỏ lòng yêu nước một cách sáng suốt hơn.
Báo Thanh Niên Trung Quốc ngày 21-9 đưa tin ông Lý Kiến Lập đã bị tấn công chỉ vì ông đang chạy một chiếc xe hơi do Nhật Bản sản xuất trên đường phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây. “Khi đọc tin này tôi đã phát khóc, mong mọi người hãy yêu nước một cách sáng suốt và bảo vệ chính công dân của mình” - một công dân mạng viết trên Sina Weibo. Trên Weibo hoặc blog.sina.com.cn, nhiều cư dân mạng cũng kêu gọi: “Chúng ta giận dữ nhưng đừng để giận mà mất khôn”. Tại Quảng Đông, cảnh sát đã kêu gọi yêu nước một cách sáng suốt qua hình ảnh một trái tim mang màu cờ Trung Quốc.
Quyên Tử trên Weibo đã kể câu chuyện mấy ngày trước, một người bạn của cô đã đến Nhật công tác. Đêm cuối cùng anh và đồng nghiệp đã đến một quán bar của Nhật ăn tối. Sau khi phát hiện họ là người Trung Quốc, nhà hàng này đã bê ra một chiếc đĩa, trên đó có viết bốn chữ “cảm ơn Trung Quốc”, ngay sau đó người chủ nhà hàng xuất hiện và nói rằng: “Cảm ơn vì đã sẵn sàng đến Nhật Bản, tôi hi vọng sẽ có hòa bình và tình hữu nghị”. Quyên Tử viết rằng cô đã bị bất ngờ với thái độ quá “hòa bình” của người Nhật bởi Quyên Tử luôn lo lắng bạn cô đến Nhật Bản trong bối cảnh căng thẳng chính trị giữa hai nước đang leo thang. Quyên Tử kết luận bằng câu hỏi: “Lòng yêu nước, lẽ nào chúng ta phải sử dụng thái độ bài ngoại và lòng căm thù để thể hiện nó?”.
Trên blog.sina.com.cn, Hàn Hàn, một blogger nổi tiếng khác của Trung Quốc, cũng đã kêu gọi báo chí Trung Quốc không nên kích động lòng yêu nước mù quáng: “Trên thế giới này có quốc gia khiến người ta phải tôn kính, có quốc gia khiến người ta phải sợ hãi, song trong những vụ biểu tình như vừa qua, e rằng đất nước chúng ta chỉ có thể khiến người ta cười vào mặt”.
Tuy nhiên, những lời kêu gọi này như lạc lõng khi mà “lý trí” đã bị đè bẹp bằng những cuộc biểu tình, đập phá, hôi của và tẩy chay hàng Nhật, thậm chí tấn công làm bị thương và hủy hoại tài sản của chính người Trung Quốc. Trước sự phản đối, các blogger này đã phải rút lại lời bình luận của mình trên diễn đàn Internet công cộng, vì lo sợ bị xem là “những kẻ phản bội”!
VIỆT PHƯƠNG - MỸ LOAN
Theo Tuổi Trẻ