Mấy hòn đảo nhỏ không người ở Thái Bình Dương đã châm ngòi một cuộc chiến tranh thương mại giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Vì sao lại như vậy? Một tấm bản đồ về tài nguyên dưới đáy biển có thể giải thích nguyên do.
Những cảnh rượt đuổi ở vùng biển Senkaku/Điếu Ngư như thế này sẽ xảy ra thường xuyên trong tương lai. Ảnh AP/Kyodo |
Những hòn đảo nhỏ, khủng hoảng lớn… Xung đột Trung-Nhật liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông ngày càng gay gắt, quyết liệt. Chính phủ Trung Quốc đe dọa trừng phạt thương mại Nhật Bản. Trung Quốc có thể đình chỉ xuất khẩu sang Nhật Bản nhiều loại nguyên vật liệu quan trọng, trong khi các phần tử cực đoan kêu gọi Bắc Kinh đối đầu quân sự với Tokyo.
Hàng nghìn tàu cá Trung Quốc tiến đến vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Hàng chục tàu Hải giám Trung Quốc tiến hành tuần tiễu vùng biển này, nơi đáy biển chứa nhiều tìa nguyên khoáng sản. Trung Quốc và Nhật Bản đang tranh chấp quyền sở hữu mấy hòn đảo đá không người ở nhưng lại vô cùng quan trọng này.
Trong trường hợp này, Trung Quốc lại dựa vào UNCLOS để đòi thềm lục địa. |
Một tấm bản đồ tài nguyên đáy biển, do một nhóm các nhà nghiên cứu địa chất quốc tế lập ra, đã giải thích vì sao mấy hòn đảo nhỏ này lại dẫn đến cuộc chiến đụng chạm đến kim ngạch thương mại song phương hơn 300 tỷ USD. Đây là một vùng biển nông và thềm lục địa ở đây trải dài hàng trăm cây số, trong khi ở một số nơi khác thềm lục địa chỉ trải dài khoảng 70 km.
Khác với cách hành xử ở Biển Đông, trong trường hợp này Trung Quốc lại dựa vào Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) vốn cho phép một quốc gia có thể có thềm lục địa 350 hải lý (648km) – đôi khi còn nhiều hơn. Trong khi đó, Nhật Bản muốn chia đôi vùng biển giàu tài nguyên này.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên đường ranh giới này. Ảnh AP |
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trên đường ranh giới này và chính là cột mốc đánh dấu chủ quyền của Nhật Bản. Chỉ có điều ngay cả khi ranh giới biển đã được hai bên phân định, người Nhật vẫn lo ngại người Trung Quốc “hút” dầu khí từ đáy biển của họ bằng…kỹ thuật khoan ngang.
Khu vực biển nông này chính là tiền đề tạo ra các nguồn tài nguyên năng lượng. Từ hàng triệu năm qua, các dòng sông lớn đã đẩy củi mục, bùn đất ra biển Hoa Đông và hình thành dầu khí. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), biển Hoa Đông chiếm 10% tổng trữ lượng dầu lửa của thế giới (ước tính khoảng 16 tỷ tấn dầu), trong khi trưc lượng khí đốt qui ra dầu ước tính còn cao gấp đôi.
Tàu lặn Giao Long: Một công cụ quan trọng của Trung Quốc để thăm dò và khai thác tài nguyên dưới đáy biển. Ảnh DPA |
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm ở phía Tây Nam mỏ khí đốt Xuân Hiểu khổng lồ. Không những thế ở những vùng sâu hơn như rãnh Okinawa (sâu 2.700m), người ta cũng đã phát hiện ra 6 mỏ dầu khí lớn.
Trước đó, Nhật Bản đã có tàu lặn Shinkai, có thể lặn sâu tới 6.500m. Ảnh DAPD |
Ngoài ra, đáy biển Hoa Đông còn chứa đựng nhiều mỏ khoáng sản quan trọng như đồng, bạc và vàng. Năm ngoái, tàu lặn Giao Long của Trung Quốc lần đầu tiên lặn sâu hơn 5.000m và tìm cách phá kỷ lục của tàu lặn Shinkai của Nhật Bản. Trên cương vị các nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 thế giới, Trung Quốc và Nhật Bản hiện đang lao vào một cuộc chạy đua quyết liệt để khai thác các nguồn tài nguyên dưới đáy biển và cuộc chạy marathon này chỉ mới rời vạch xuất phát./.