Sau các sứ quán Mỹ, Đức, Anh, Israel, “cơn sóng thần” với tâm chấn tại châu Phi, đã lan sang cả Đông Nam Á. Giới phân tích nhắc đến một sự khiêu khích có chỉ đạo. Rõ ràng một số kẻ đang đổ dầu vào lửa.
Làn sóng biểu tình chống Mỹ và phương Tây do bộ phim ra đời tại Mỹ mang tên "Sự vô tội của Người Hồi giáo" lăng mạ Nhà tiên tri Mohammed, đã và đang biến thành "cơn sóng thần" trên toàn cầu. Sau các sứ quán Mỹ và các phái đoàn ngoại giao của Đức, Anh và sứ quán Israel, ngày 17/9, “cơn sóng thần” này đã lan sang một số nước Đông Nam Á.
Tại Indonesia, nước đông tín đồ Hồi giáo nhất thế giới, các cuộc biểu tình trong ngày 17/9 đã biến thành bạo lực khi khoảng 700 người biểu bình ném bom xăng và xung đột với lực lượng cảnh sát bảo vệ bên ngoài Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Jakarta. Cảnh sát chống bạo động đã sử dụng vòi phun nước, đạn hơi cay và bắn chỉ thiên để trấn áp. Cảnh sát Trưởng khu vực trung tâm Jakarta, ông Angesta Romano Yoyol xác nhận đã có cảnh sát bị thương, đồng thời cho biết hàng trăm cảnh sát chống bạo động, hai xe bọc thép và hai xe vòi rồng đã được huy động tới khu vực Đại sứ quán Mỹ. Nguồn tin cảnh sát cũng cho biết đã bắt giữ một số kẻ gây rối.
Biểu tình ở Pakistan
Sáng cùng ngày, một nhóm sinh viên đã dẫm đạp lên cờ Mỹ và ném trứng vào phái bộ ngoại giao của Mỹ tại thành phố Medan, tỉnh Bắc Sumatra của Indonesia.
Tại thành phố Marawi miền Nam Philippines, khoảng 3000 người Hồi giáo tập trung tại quảng trường ở trung tâm thành phố để biểu tình phản đối bộ phim trên. Những người biểu tình đã dẫm đạp và đốt cờ Mỹ và cờ Israel. Giới chức cảnh sát Philippines cho biết an ninh đã được tăng cường tại các đại sứ quán nước ngoài, thậm chí tại các khu nhà ở dành cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại miền Nam Philippines, để đề phòng xảy ra các vụ tấn công.
Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Thái Lan thông báo sẽ đóng cửa vào trưa ngày 18/9 nhằm đối phó với kế hoạch biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi tại đây. Theo người phát ngôn đại sứ quán, cuộc biểu tình có thể sẽ gây tắc nghẽn giao thông tại khu vực, đồng thời bày tỏ lo ngại cuộc biểu tình hòa bình ban đầu có thể sẽ biến thành biểu tình bạo lực. Mặc dù cho biết chưa nhận thấy mối đe dọa đặc biệt nào đối với công dân Mỹ tại Thái Lan, song nhà chức trách Mỹ vẫn kêu gọi công dân Mỹ tại Thái Lan "hết sức thận trọng".
Tại Afghanistan, hơn 40 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ giữa lực lượng an ninh với những người biểu tình ở thủ đô Kabul sáng 17/9. Theo Cảnh sát Trưởng thủ đô Kabul Mohammad Ayub Salangi, ngay từ sáng, khoảng 2.000 người đã tập trung tại các tuyến phố phía Đông Kabul. Cuộc biểu tình hòa bình sau đó đã trở thành bạo lực khi người biểu tình ném đá, đốt và đập phá xe cảnh sát, các cửa hàng và một khu doanh trại của Lực lượng Hỗ trợ An ninh quốc tế (ISAF) gần đó. Cảnh sát Kabul đã phải tăng cường lực lượng, đặt rào cản trên những con phố dẫn tới Đại sứ quán Mỹ.
Kể từ ngày 11/9 đến nay, các cuộc biểu tình phản đối bộ phim phỉ báng đạo Hồi đã lan rộng tại 20 nước, làm hàng chục người thiệt mạng và bị thương.
Sau khi nhà quản lý Internet ở Malaysia có kiến nghị chính thức, trang tìm kiếm thông tin Google đã bắt đầu cấm truy cập tại Malaysia bộ phim vốn được xem là mồi lửa cho làn sóng phẫn nộ trên khắp thế giới Hồi giáo này. Người phát ngôn trang chia sẻ hình ảnh Youtube, thuộc sở hữu của Google, cho biết đã bắt đầu hạn chế truy cập các clip của bộ phim tư nhân này kể từ 16/9. Trước đó, Google cũng đã phong tỏa video này tại Indonesia, Lybia, Ai Cập và Ấn Độ.
Trước tình hình đó, Bộ Ngoại giao Mỹ ra lệnh đóng cửa các cơ quan đại diện ngoại giao tại Niger, Nigeria và thậm chí tại một số nước Tây Âu. Để bảo đảm an toàn cho các nhà ngoại giao Mỹ, Lầu Năm Góc triển khai các đơn vị lính thủy đánh bộ tại Lybia, phái một tàu khu trục đến gần bờ biển nước này.
“Sự khiêu khích có chỉ đạo”
Nhà khoa học chính trị Stanislav Tarasov dự đoán, sớm hay muộn trận sóng thần "chống Mỹ" sẽ lan tràn khắp thế giới Hồi giáo. Ông cho rằng việc Đại sứ Mỹ bị giết hại tại Benghazi là một thảm họa và là hậu quả của chính sách của Mỹ ở thế giới Hồi giáo. Ai cũng biết cái giá của việc thay đổi chế độ tại Lybia là gì, song phương Tây không phát biểu nửa lời. Phong trào chống Mỹ trong thế giới Hồi giáo rất mạnh và lan rộng. Ông Tarasov tin rằng tất cả các cuộc biểu tình và tàn sát ở các nước Hồi giáo là sự khiêu khích có chỉ đạo. Rõ ràng một số kẻ đang đổ dầu vào lửa.
Từ lâu các chuyên gia vẫn cảnh báo không nên đụng vào các thần tượng, nếu không sẽ xảy ra chiến tranh. "Vụ bê bối phim hoạt hình" tại Tây Âu cách đây vài năm là ví dụ đầu tiên. Theo Gumer Isaev, nhà phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông đương đại tại St. Petersbug, bộ phim "Sự vô tội của Người Hồi giáo" là một mắt xích mới trong chuỗi sự kiện này.
Ông lưu ý các cuộc tấn công mạnh mẽ chống phương Tây được tiến hành tại những nước mới thay đổi chế độ. Bộ phim là sự kích động, các nhà chức trách cần ngăn chặn công dân của họ tung các bộ phim kiểu như vậy lên Internet. Chính quyền Mỹ đã đề nghị Google gỡ bộ phim này xuống, song đề nghị này đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, Google cũng đã hạn chế truy cập bộ phim này ở các nước như Ấn Độ, Indonesia và không cho truy cập tại Ai Cập và Lybia - nơi các cuộc biểu tình đang dâng cao. Theo một quan chức của Google, việc đặt ra các hạn chế để phù hợp với luật pháp của các nước chứ không phải vì lý do chính trị. Hiện nay, "sóng thần" đã chuyển sang châu Á.
Sau sự kiện này, Mỹ sẽ xây dựng quan hệ với thế giới Hồi giáo ra sao? Ông Andrei Volodin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương Đông của Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga, nhận định các sự kiện đang diễn ra là sự trở lại của các "cuộc cách mạng Arập". Mỹ từng tuyên bố kiểm soát được tiến trình của các cuộc "cách mạng Arập" song thực tế cho thấy Mỹ phải điều chỉnh cho phù hợp các tiến trình đó. Ông Volodin khẳng định các cuộc biểu tình chống Mỹ tại Lybia, Ai Cập và nhiều nước khác cho thấy sự yếu kém của Mỹ trong việc phát triển một chiến lược lâu dài đối với các nước Arập. Rõ ràng hiện nay, Chính quyền Mỹ rất lo ngại và sẽ buộc phải nhượng bộ một lần nữa./.
V.V// Theo Tổ Quốc