Cọ xát Trung – Nhật hiện được cho là gắn với các đòi hỏi chính trị nội bộ bên trong mỗi nước. Dù sao mặc lòng, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã vội vã đến khu vực, thăm cả Tokyo lẫn Bắc Kinh. Chuyện gì sẽ xảy ra sau đó?
Ngày 15.9, hàng chục ngàn người Trung Quốc (TQ) đã bao vây, ném đá, trứng và chai lọ vào toà Ðại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh, trong khi nhiều cuộc biểu tình khác chống Nhật diễn ra khắp TQ liên quan đến tranh chấp lãnh hải giữa hai nước. Những ngày cuối tuần, nhiều nhà hàng, xe hơi và cơ sở doanh nghiệp của người Nhật ở TQ bị tấn công. Ðây là những cuộc biểu tình chống Nhật lớn nhất tại TQ kể từ khi hai nước bình thường hoá quan hệ năm 1972. Ðài NHK nói người biểu tình tiếp tục đột nhập vào hàng chục nhà máy phía Ðông Qingdao, kể cả các xưởng sản xuất của hãng Panasonic.
Hàng chục ngàn dân Trung Quốc biểu tình chống Nhật. Ảnh: TL internet |
Chưa có tiền lệ…
Làn sóng biểu tình và đập phá được mô tả là “chưa từng có” này lên cao điểm những ngày 14 – 15.9. Ngoại trưởng Koichiro Gemba và bộ trưởng Quốc phòng Satoshi Morimoto đã phải bỏ ngang cuộc viếng thăm Úc, bay về Tokyo. Bộ Ngoại giao ở Tokyo đã triệu đại sứ của TQ đến để phản đối. Tranh chấp quần đảo Senkaku/Ðiếu Ngư rộ lên khi TQ cử sáu tàu hải giám áp sát khu vực này. Hành động của TQ được coi là để phản ứng quyết định trước đó của Tokyo, mua lại các đảo này từ một người Nhật.
Ngày 16.9, giám đốc viện Nghiên cứu TQ đương đại ở Tokyo Dương Trung Mỹ cho rằng phản ứng kịch liệt của TQ xuất phát một phần từ tình hình chính trị nội bộ. Ông nói, Đại hội XVIII của Đảng Cộng sản sắp diễn ra nên các nhà lãnh đạo ở Trung Nam Hải muốn tỏ thái độ cứng rắn với Nhật để lấy lòng dân chúng. Đối lại, một số nhà phân tích khác thì cho rằng, sự cọ xát Trung – Nhật diễn ra trong lúc đảng Dân chủ tự do đối lập ở Nhật đang định giành lại quyền chấp chính với một thủ lĩnh mới, có chủ trương cứng rắn hơn trong vấn đề tranh chấp biển đảo với TQ.
Chủ tịch Văn phòng Nội các Osamu Fujimura nói: “Chúng tôi cho rằng việc gửi một lúc cả sáu tàu tới vùng biển này là chưa từng xảy ra”. Thủ tướng Yoshihiko Noda cho thành lập nhóm công tác đặc biệt để xử lý khủng hoảng. Tờ Global Times, trực thuộc Nhân dân Nhật báo cả quyết: “TQ tự tin về khả năng trấn áp Nhật một cách chiến lược”. Các cuộc biểu tình được cho là có chính phủ đứng đằng sau. Một người biểu tình tên là Uda Chen, nói: “Tôi cho là chính phủ khuyến khích vụ này, nếu chính phủ không muốn, họ có thể chặn chúng tôi”.
Lặp lại kịch bản hải chiến?
Trong bối cảnh căng thẳng khu vực tăng cao, chuyến công du tuần này của bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đến TQ đặt ra nhiều dấu hỏi. Mỹ từng cảnh báo sự va chạm giữa hai nền kinh tế lớn thế giới có thể để lại hậu quả đối với kinh tế toàn cầu. Panetta thăm cả Bắc Kinh lẫn Tokyo. Chưa rõ là ông Panetta có gặp ông Tập Cận Bình, nhân vật hàng đầu trong các tân lãnh đạo sau này hay không. Theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng số cuối tuần, ông Tập đang gặp vấn đề sức khoẻ nghiêm trọng; có thể ông bị ung thư gan giai đoạn đầu, chứ không đơn thuần là đau lưng.
Từ cọ xát đến tránh xung đột là con đường mà lý trí phải đi qua. Ngày 16.9, theo VOA, GS Sato từ đại học Châu Á – Thái Bình Dương cho rằng một trong những cách để tránh xung đột là Mỹ phải tăng cường bảo vệ Nhật. Ông nói: “Nếu Mỹ không răn đe TQ đừng dùng sức mạnh để thay đổi hiện trạng, Mỹ sẽ phải đối mặt với vấn đề là có dùng vũ lực để lấy lại những hòn đảo này không. Mỹ không có chọn lựa khác vì nó sẽ định đoạt chữ tín trong quan hệ đồng minh của Mỹ, không chỉ riêng với Nhật mà còn với nhiều nước khác. Lúc này Mỹ cần gia tăng răn đe bằng cách đưa ra những cam kết mạnh mẽ hơn với Nhật”.
Trong khi đó, cựu chỉ huy đội tàu bảo vệ bờ biển Nhật Yoji Koda lại cho rằng, nếu tình hình quanh chuỗi đảo này bị kéo căng thì nguy cơ bùng nổ chiến tranh là điều khó tránh khỏi. Theo ông Yoji Koda, ngay từ đầu năm 2012, TQ đã tuyên bố “sẽ sớm giành lại quyền kiểm soát” quần đảo Điếu Ngư. TQ sẽ lặp lại kịch bản của trận hải chiến Midway giữa Mỹ và Nhật năm 1942. Yếu tố then chốt là sự bất ngờ và lặp đi lặp lại cho đến khi cắm được cờ TQ lên đỉnh núi để truyền trực tiếp qua vệ tinh về Bắc Kinh. Nếu chậm trễ, Nhật sẽ mất cơ hội phát huy Hiệp ước An ninh Nhật – Mỹ.
Trần Hiếu Chân
Theo SGTT