TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Vì sao Mỹ-Nhật thay đổi kịch bản tập trận chiếm đảo xa?

Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và quân Mỹ đóng tại nước này ngày 5/11 đã bắt đầu cuộc tập trận chung tổng hợp đặt trọng tâm vào việc bảo vệ các đảo xa ở vùng biển gần Okinawa. Tuy nhiên, kịch bản huấn luyện chiếm lại đảo xa, nhằm mục tiêu xử lý những quan ngại về tình hình quần đảo Senkaku, đã bị gác lại do Nhật Bản và Mỹ không muốn chọc giận Trung Quốc.

 

Kế hoạch tập trận giữ Nhật và Mỹ đã thay đổi

Theo Bộ tổng tham mưu liên quân Bộ Quốc phòng Nhật Bản, cuộc tập trận chung này có sự tham gia của 37.400 người thuộc ba lực lượng hải, lục, không quân với khoảng 30 tàu chiến và 240 máy bay. Quân Mỹ đóng tại Nhật Bản điều động khoảng 10.000 người cùng nhiều máy bay và tàu chiến tham gia tập trận kéo dài đến ngày 16/11 tại Kyushyu và Okinawa.

Mục đích của cuộc tập trận nhằm tăng cường bảo vệ quần đảo Nansei và làm sâu sắc thêm khả năng hợp tác phòng vệ cơ động giữa Nhật Bản và Mỹ. Để bảo vệ các đảo xa, Lực lượng phòng vệ sẽ lên tàu vận tải của Mỹ, thực hiện huấn luyện di chuyển từ cảng Yokohama hướng đến quần đảo Nansei. Nhật Bản và Mỹ cũng tính đến việc huấn luyện thả thuyền và người từ máy bay vận tải xuống vùng biển gần Okinawa.

Tuy nhiên, kế hoạch tập trận ban đầu chiếm lại đảo xa sử dụng hòn đảo không người Irisuna thuộc Okinawa đã bị hủy bỏ ngay trước thời gian bắt đầu tập trận. Nhật Bản và Mỹ đã tiến hành huấn luyện đổ bộ ở Guam hồi tháng 9, nhưng việc sử dụng một hòn đảo không người của Nhật Bản để tập trận sẽ là trường hợp đầu tiên và chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý.

Vào thời điểm đầu tháng 10 khi quan hệ Nhật-Trung nóng quá mức xung quanh vấn đề tranh chấp quần đảo Senkaku, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Nhật Bản đều muốn hướng tới tổ chức cuộc tập trận này để thể hiện quan điểm cứng rắn vào những thời điểm như vậy. Tuy nhiên, Văn phòng thủ tướng Nhật đã có dự đoán sai về phản ứng của Trung Quốc sau khi quốc hữu hóa quần đảo Senkaku, nên quan điểm thận trọng cho rằng “sẽ không lường hết phản ứng của Trung Quốc” đang lan rộng trong chính phủ Nhật Bản, mà trọng tâm là Phó Thủ tướng Katsuya Okada.

Về phía Mỹ, Bộ Quốc phòng chủ trương cần thực hiện cuộc tập trận theo kế hoạch ban đầu, coi đó là “một biện pháp kiềm chế Trung Quốc”, nhưng Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao cũng có ý kiến lo ngại phản ứng của Trung Quốc. Vì vậy, cuộc tập trận chiếm lại đảo xa đã thay đổi kịch bản “Nhật-Mỹ chiếm lại đảo bị một nước chiếm”, với giả định chiếm lại quần đảo Senkaku bị Trung Quốc chiếm, thành kịch bản “một tổ chức khủng bố bắt con tin và cố thủ trên đảo”. Tuy nhiên, một nguồn tin về quan hệ Nhật-Mỹ cho biết chính phủ Mỹ không có ý định từ bỏ tập trận chiếm lại đảo xa.

Trong khi đó, theo nhật báo Yomiuri (Nhật) số ra mới đây, Chính phủ Nhật Bản cần tăng cường sức mạnh cho Lực lượng bảo vệ bờ biển (JCG) về cả trung lẫn dài hạn. Theo báo này, các tàu của Chính phủ Trung Quốc thường xuyên xâm phạm lãnh hải Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku trong suốt 50 ngày qua nhằm mục đích đặt sự việc vào thế đã rồi và chứng tỏ Nhật Bản không thể kiểm soát hiệu quả Senkaku.

Theo Yomiuri, JCG cần tuyển dụng trở lại các sĩ quan về hưu nhằm đảm bảo đủ nhân lực hoạt động. Tuy nhiên, điều đáng quan ngại là Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng số lượng các tàu ngư chính và hải giám. Hiện JCG vượt Trung Quốc về số lượng các tàu lớn có trọng tải từ 1.000 tấn trở lên đủ năng lực tuần tra, song Trung Quốc chắc chắn sẽ vượt Nhật Bản ở một giai đoạn nhất định trong tương lai.

Để chuẩn bị cho cái được gọi là giai đoạn căng thẳng kéo dài với Trung Quốc, Tokyo đang nghiên cứu một cách nghiêm túc việc thành lập các nguồn dự trữ đặc biệt cho JCG trong cơ cấu ngân sách và các biện pháp đối phó khác của chính phủ. Theo Yomiuri, việc huấn luyện sĩ quan JCG cũng mất một khoảng thời gian nhất định. Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản cũng đang dự tính thảo luận các biện pháp thực tế nhằm tăng cường số lượng sĩ quan.

Chính phủ Nhật Bản năm nay dự kiến sẽ sửa đổi bổ sung Kế hoạch cơ bản về chính sách hải dương – bao gồm các chủ trương, chính sách của chính phủ về vấn đề biển – lần đầu tiên cho giai đoạn 5 năm tới. Nhật báo Yomiuri bày tỏ hy vọng chính phủ sẽ thể hiện quyết tâm bảo vệ Senkaku thông qua việc xác định rõ các biện pháp tăng cường sức mạnh cho JCG.

Nh.Thạch (Tổng hợp)
Theo Petrotimes

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te