TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đồng minh lẫn đối thủ trông đợi gì ở tân tổng thống Mỹ?

Bất cứ ai trong hai ứng viên Tổng thống Barack Obama hay Mitt Romney giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, các đồng minh và kẻ thù của họ cũng có một số yêu cầu lẫn trông đợi ở nơi tân tổng thống Mỹ.

Chỉ vài giờ nữa, cả thế giới sẽ được biết, ai trong hai người đàn ông Barack Obama (phải) và Mitt Romney (trái) trở thành tân tổng thống Mỹ.

Anh

Theo Telegraph, Thủ tướng David Cameron duy trì quan điểm trung lập trong suốt cuộc đua vào Nhà Trắng. Tuy nhiên, đồng minh của Mỹ thừa nhận, tổng thống Barack Obama tái đắc cử sẽ tốt hơn cho Anh.

Ngoài lợi thế rõ ràng về tính liên tục, có một vài quan ngại nếu Mitt Romney trở thành tân tổng thống Mỹ.

Khi ứng viên đảng Cộng hòa đến thăm London trong chuyến thăm ngoại giao đầu tiên hồi tháng 7, ông Romney rõ ràng đã làm phật lòng không chỉ người đứng đầu nước Anh, Cameron mà còn người dân nước này khi buông lời nhận xét, Thế vận hội London là vô ích. Thủ tướng Cameron không ngần ngại phản đối quan điểm trên ngay lập tức. Dù chỉ là bất đồng quan điểm nhỏ nhưng người đứng đầu nước Anh đã có lý do để "ưu ái" Obama hơn.

Các nguồn từ chính phủ Anh cho biết, tỷ lệ chiến thắng và kết quả của cuộc bầu cử quốc hội Mỹ cũng quan trọng không kém người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.

Đối với chính phủ Anh, kết quả tồi tệ nhất chính là đảng của tân tổng thống Mỹ không giành đủ ghế để kiểm soát quốc hội. Điều này sẽ dẫn đến bế tắc. Đời sống chính trị mà bế tắc, Washington sẽ khó giải quyết các vấn đề về tài chính, làm suy giảm độ tin cậy trong nền kinh tế Mỹ và hệ quả có thể là sự bất ổn của kinh tế toàn cầu.

Châu Âu

 

Châu Âu đã trì hoãn tất cả các quyết định liên quan đến khu vực đồng euro cho đến khi bầu cử Mỹ kết thúc nhằm đảm bảo cuộc đua vào Nhà Trắng diễn ra “xuôi chèo mát mái”.

Các nguồn tin ngoại giao cấp cao xác nhận rằng, Nhà Trắng đã yêu cầu trì hoãn gói cứu trợ 31,5 tỷ euro tiếp theo của Liên minh châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế để bảo lãnh cho Hy Lạp cho đến ngày 12/11.

IMF có trụ sở tại Washington và ngày càng bị hoài nghi về vai trò của họ trong chương trình cứu trợ, xuất phát từ khát vọng bảo vệ đồng euro của châu Âu dù phải rót một khoản tiền kếch xù vào nền kinh tế Hy Lạp.

Các quan chức ở Washington yêu cầu EU ngừng chỉ trích công khai IMF về vai trò của tổ chức này trong các gói cứu trợ tài chính cho khu vực đồng euro, trong đó bao gồm hàng tỷ USD từ người nộp thuế Mỹ nhằm ngăn chặn nguy cơ vấn đề này thống trị các cuộc tranh luận tổng thống. Chiến lược này đã có hiệu quả, khi cả Obama và Romney không bị đặt vào tình huống phải quyết định xem liệu có nên tiếp tục lấy tiền của người Mỹ và IMF ủng hộ cho Hy Lạp trong bối cảnh thâm hụt ngân sách và khủng hoảng kinh tế hay không.

Do đó, dù kết quả bầu cử thế nào, EU vẫn kỳ vọng, chính quyền Mỹ sẽ nhớ và “biết ơn” đồng thời, đền đáp việc họ trì hoãn các quyết định nhằm giúp ngăn chặn việc ủng hộ khu vực euro trở thành vấn đề tranh cãi đối với cả hai ứng viên tổng thống Mỹ.

Nga

 

Tất cả những gì Tổng thống Vladimir Putin trông đợi ở Mỹ là Washington công nhận địa vị cường quốc thế giới của Nga.

Lý tưởng nhất, điện Kremlin mong muốn Mỹ từ bỏ hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu; Ngừng viện trợ và ủng hộ quân nổi dậy Syria lật đổ Tổng thống Assad; Rút lại các cáo buộc Nga về nhân quyền và để Nga “tự do thống trị” sân sau của Liên Xô. Moscow cũng sẽ tìm kiếm sự đảm bảo sẽ không có bất cứ cuộc xung đột lớn nào xảy ra ở các biên giới phía Nam của họ một khi Mỹ rút khỏi Afghanistan.  

Ngoài ra, một số nguồn tin cho rằng, Nga có thể thực sự thích một nước Mỹ đối địch với mình hơn - Mitt Romney từng gọi Nga là “đối thủ địa chính trị lớn nhất” của Mỹ.

Lý do là, khả năng này phù hợp với các lập trường cứng rắn trong “quỹ đạo" của Tổng thống Putin. Đồng thời, nó cũng tạo ra “một mối đe dọa bên ngoại có ích” nhằm nâng cao sự tín nhiệm của người dân với chính phủ của Tổng thống Putin và hạ bệ phe đối lập Nga giữa bối cảnh các vấn đề nội địa đang nổi lên và làm phức tạp thêm đời sống chính trị nước này.

Israel

Khi ứng viên đảng Cộng hòa tuyên bố khẩu hiệu: “Thế giới cần sức mạnh Mỹ chứ không phải những lời xin lỗi”, Thủ tướng Benjamin Netanyahu của Israel đã xóa bỏ mọi hoài nghi rằng ông ủng hộ cho Mitt Romney. Hai người đàn ông có nhiều điểm chung, không chỉ ở ít nhất 19 nhà tài trợ lớn nhất của ông Netanyahu cũng góp tiền của cho ứng viên đảng Cộng hòa.

Nhiều người tin rằng, ông Romney chiến thắng và bước vào Nhà Trắng, Israel sẽ có lợi hơn. Phe cánh hữu của Israel không muốn một mối quan hệ chỉ ở mức “bình thường” với Mỹ, họ muốn “một mối quan hệ đặc biệt”. Chung quy lại, ông Netanyahu mong chờ nhất là Mỹ ủng hộ họ hết lòng trong cuôc chiến chống Iran, ngay cả khi ông Mitt Romney không đề cập đến điều đó. Tuy nhiên, trái với Netanyahu và những người cánh hữu, Phó Thủ tướng Ehud Barak lại ủng hộ Tổng thống Barack Obama.

Pakistan

Pakistan đang rất mong chờ một sự thay đổi đột phá trong quan hệ của họ với Mỹ. Đó là lý do tại sao họ là quốc gia duy nhất trong 21 quốc gia trong cuộc thăm dò dư luận mới đây của BBC ủng hộ Mitt Romney trở thành tổng thống Mỹ.

Sự thay đổi đầu tiên sẽ là Mỹ ngừng triển khai các cuộc tấn công bí mật bằng máy bay không người lái bên trong lãnh thổ Pakistan.

Nhưng quan trọng hơn, Pakistan muốn được đối xử một cách tôn trọng như một đồng minh, một người bạn hơn là “một khẩu súng được thuê” và chuyện xâm phạm lãnh thổ nước này như vụ đột kích tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden sẽ không lặp lại.

Afghanistan

 

Afghanistan từng được Tổng thống Obama đề cập đến như là cuộc chiến tranh cần thiết  trong chiến dịch bầu cử năm 2008. Tuy nhiên, trong chiến dịch tranh cử của ông năm 2012, Afghanisstan lại ít được nhắc đến.

Hầu hết người Mỹ cảm thấy cuộc chiến tranh ấy ít cần thiết hơn nhiều sau 4 năm chinh chiến với nhiều thương vong, mất mát, tình trạng tham nhũng cũng như cái số tiền kếch xù mà Mỹ phải bỏ ra để duy trì nó.

Do đó, tất cả những gì mà giới chức Kabul lúc này đang băn khoăn là liệu Mỹ có tiếp tục duy trì và thực hiện các cam kết lâu dài với Afghanistan như họ vẫn hứa hẹn hay không. Theo đó, bị tước viện trợ và ủng hộ từ Mỹ cùng khả năng rơi vào nội chiến là những gì mà người Afghanistan đang lo sợ nhất. Do đó, điều cuối cùng mà chính phủ Hamid Karzai thực sự mong đợi ở một tân tổng thống Mỹ là quân đội nước này cuốn gói khỏi Afghanstan và Washington vẫn tiếp tục viện trợ cho họ. Bất cứ ai trong hai ông, Obama và Romney trở thành tân tổng thống, Afghanistan đều mong sẽ không bị bỏ rơi.

Trung Quốc

Những kỳ vọng lớn nhất của giới lãnh đạo Trung Quốc đối với tân tổng thống Mỹ là: gỡ bỏ các rào cản thương mại, chấm dứt chiến lược “trục châu Á”và ngừng chỉ trích Bắc Kinh trong vấn đề nhân quyền. Thực tế, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể miễn cưỡng chấp nhận quan hệ Trung – Mỹ trở về nguyên trạng sau nhiều tháng bị mang ra làm chủ đề tranh cãi giữa hai ứng viên tổng thống Mỹ khi cả Obama và Romney đều cố chứng tỏ trước các cử tri rằng ai sẽ là người cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là các cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ, ăn cắp công nghệ và công ăn việc làm của người Mỹ, phá hoại nền kinh tế nước này cũng như các chính sách của Bắc Kinh ở Tây Tạng sẽ không được bàn cãi thêm nữa. Bắc Kinh cho rằng, một khi bầu cử Mỹ qua đi, một trật tự bình thường, thậm chí, trật tự căng thẳng bình thường sẽ được thiết lập lại.

“Thay vì quan trọng hóa những gì các ứng viên tổng thống tuyên bố về Trung Quốc trong thời gian tranh cử, chúng tôi quan đến đến việc họ sẽ giải quyết các quan hệ Trung – Mỹ thế nào trong thời hậu bầu cử hơn. Không quan trọng ai giành chiến thắng trong cuộc bầu cử, mọi tổng thống Mỹ đều nhận thức không khác biệt nhiều về tầm quan trọng của quan hệ Trung – Mỹ ”, cơ quan ngôn luận chính thức của Lực lượng vũ trang Trung Quốc nhấn mạnh.

 

Phương Đăng
Theo Infonet, Zing

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te