Tranh chấp lãnh hải tại biển Hoa Đông đang tạo nên một cục diện “tam quốc”. Nhưng khác với kịch bản cổ điển tranh chấp giữa ba nước với nhau, “tam quốc” tại Hoa Đông xoay trục giữa hai bộ ba Nhật-Trung-Mỹ và Nhật-Hàn-Mỹ với Mỹ là quốc gia đóng vai trò chân trong, chân ngoài. Một mặt Mỹ lớn tiếng răn đe, mặt khác xoa dịu tình hình, kiềm chế các bên để tranh chấp không trở thành mâu thuẫn.
Tình hình tranh chấp tại khu vực biển Hoa Đông đã tiếp tục “tăng nhiệt” khi chính phủ Nhật Bản vừa chính thức tuyên bố sẽ quốc hữu hóa ba hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư vào hôm 10-9. Tuyên bố được Tokyo đưa ra sau cuộc họp của các bộ trưởng Nhật Bản. Trước đó, trong cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 9-9 tại Vladivostok nhân hội nghị APEC, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào đã một lần nữa nhắc lại quan điểm cứng rắn của chính quyền Bắc Kinh là phản đối việc Nhật Bản mua quần đảo này.
Khi láng giềng không cùng tiếng nói
Trước đó, vào ngày 7-9, Lực lượng Bảo vệ bờ biển và quân đội Hàn Quốc đã tiến hành cuộc diễn tập gần quần đảo tranh chấp Dokdo mà Nhật Bản gọi là Takeshima. Cuộc diễn tập đã được Hàn Quốc tiến hành bất chấp việc nhiều ngày trước chính phủ Nhật Bản đã kêu gọi Seoul đình chỉ tất cả các cuộc tập trận quân sự. Vào hôm 3-9, Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đã tạm ngừng chương trình trao đổi quân sự trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai nước.
Tổng thống Hàn Quốc thăm quần đảo đang bị tranh chấp Dokdo mà Nhật gọi là Takeshima.
Hiện tại thì việc các tranh chấp này kết thúc với kết quả nào cũng tạo ra nhiều ảnh hưởng lớn đối với tình hình thế giới nói chung cũng như nội tại ba nước nói riêng. Cả ba nước này đều được coi là ba “ông lớn” của khu vực châu Á-Thái Bình Dương, trong đó Nhật Bản và Trung Quốc đóng vai trò là hai đầu tàu kinh tế của khu vực này. Bên cạnh đó, cả ba còn có mối liên kết kinh tế sâu sắc với nhau từ lâu, đặc biệt hơn khi Nhật Bản và Hàn Quốc còn là đồng minh thân cận của Mỹ.
Tuy nhiên, có thể thấy rằng tranh chấp giữa Tokyo và Seoul là “dễ thở” hơn rất nhiều so với tranh chấp Tokyo với Bắc Kinh. Việc giải quyết tranh chấp gần khu vực có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt tiềm năng rất lớn như Senkaku/Điếu Ngư có thể là một bài toán khó đối với Nhật Bản hiện nay, nhất là tại một thời điểm khi Trung Quốc đang chuẩn bị cuộc chuyển giao quyền lực lớn nhất trong thập kỷ qua. Những mâu thuẫn về mặt địa chính trị này đã và sẽ kéo theo một số hậu quả kinh tế, ảnh hưởng xấu tới nhiều thỏa thuận hợp tác thương mại giữa ba bên đã được thông qua từ trước đó, mở rộng ra là gây tác động xấu đến nền kinh tế thế giới.
“Đông hòa Tôn Quyền, bắc cự Tào Tháo”
Mỹ ít nhiều cũng có vai trò trong các tranh chấp này khi Nhật-Hàn cùng là đồng minh thân cận của Mỹ, còn Trung Quốc cũng vừa là “đối tượng” quan tâm lớn nhất trong chính sách xoay trục, vừa là một trong những đối tác kinh tế lớn nhất của nước này. Vì thế, không ngạc nhiên khi Mỹ đã, đang và sẽ có nhiều động thái nhằm “hạ nhiệt” tranh chấp tại khu vực biển Hoa Đông theo hướng có lợi cho mình, cũng như thể hiện được vai trò “anh cả” trong con mắt của dư luận thế giới.
Washington cũng đã rất “tinh tế” khi bày tỏ thái độ khác nhau đối với từng tranh chấp khác nhau ở khu vực này. Với Nhật-Trung thì Mỹ đã tuyên bố sẽ không can thiệp vào vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông kể từ sau vụ Nhật Bản bắt giữ 14 nhà hoạt động Trung Quốc. Nếu có bất cứ biến cố nào xảy ra thì Mỹ sẽ không đứng về bên nào. Nhưng Mỹ cũng đã nhấn mạnh rằng “mọi động thái khiêu khích sẽ là vô ích” vì những điều này chỉ càng khiến quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc diễn biến theo chiều hướng tiêu cực. Còn đối với hai nước đồng minh Nhật-Hàn thì Mỹ đã trực tiếp đứng ra kêu gọi chính phủ hai bên cùng hợp tác với nhau nhằm giải quyết dứt điểm các xung đột.
Trong tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư thì Mỹ đã tỏ ra thái độ thận trọng hơn hẳn so khi tuyên bố không can thiệp mà chỉ hy vọng các bên tự giải quyết bằng hòa bình. Có thể giải thích thái độ này của Mỹ bằng hai lý do chính:
1. Vì vị trí ưu tiên của Bắc Kinh và Seoul trong các chính sách ngoại giao của Washington ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương là khác nhau;
2. Mỹ còn có mối quan hệ kinh tế ràng buộc lẫn nhau với Trung Quốc, bên cạnh đó thì Mỹ cũng không muốn gây ảnh hưởng xấu đến quan hệ hai bên khi liên tục trong thời gian qua hai bên đã có nhiều mâu thuẫn gay gắt về quan điểm xoay quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền ở biển Đông - khu vực mà Mỹ tuyên bố là “lợi ích của quốc gia”.
Nỗ lực hàn gắn hai đồng minh
Nhân hội nghị Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương tại Vladivostok, miền viễn đông của Nga, ngoại trưởng Hillary Clinton đã có nhiều nỗ lực kêu gọi hàn gắn hai đồng minh. Trong đó, bà Hillary Clinton đã kêu gọi các nước châu Á đừng để tranh chấp lãnh thổ làm gián đoạn hợp tác ở một khu vực mà bà gọi “động lực” của kinh tế thế giới. Bà cũng đã hối thúc Nhật Bản, Trung Quốc và các nước láng giềng hãy ra sức giải quyết các căng thẳng về tranh chấp tại vùng biển Hoa Đông.
Có chuyên gia đánh giá rằng tại thời điểm này Washington không nên can thiệp vào các cuộc tranh chấp mang tính lịch sử giữa Nhật Bản và các nước láng giềng, mặc dù Nhật là đồng minh thân cận lâu đời của Mỹ ở châu Á. Lý do để ông đưa ra nhận định như thế là vì ông đánh giá rằng Nhật Bản hoàn toàn đủ sức để đối phó với các vấn đề tranh chấp của chính mình. Dù vậy nhưng nhiều nhà phân tích vẫn cho rằng Mỹ cuối cùng cũng sẽ ra mặt để giúp Nhật giải quyết các tranh chấp với Trung Quốc trên vùng biển Hoa Đông vào lúc thích hợp nhất. Cùng với đó là có nhiều động thái tích cực hơn trong việc hàn gắn hai đồng minh Nhật-Hàn.
Chiến lược vừa hòa hoãn vừa đấu tranh trong lựa chọn chính sách “tái cân bằng chiến lược” của Mỹ sẽ được hình thành như thế nào? Thế cờ tại biển Hoa Đông trong những ngày tới có thể là một đáp số.
Tranh chấp căng thẳng làm xấu hình ảnh của các nước Cả ba nước Trung-Nhật-Hàn đều muốn giải quyết nhanh các vấn đề tranh chấp. Những nước này đều đang được dư luận thế giới coi là những điểm thu hút đầu tư kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp này đã bị ảnh hưởng rất nhiều kể từ khi những tranh chấp trở nên căng thẳng hơn, tạo nên nhiều bất lợi cho ba nước. Đây là điều mà chẳng có quốc gia nào muốn. Có thể những tranh chấp này sẽ sớm được giải quyết sau đợt chuyển giao quyền lực chính trị ở cả ba nước diễn ra vào cuối năm nay. Tuy nhiên, từ đây đến đó, khi chiêu bài chủ quyền biển đảo vẫn tỏ ra ăn khách, một động thái kích động chủ nghĩa dân tộc có thể đem lại thêm ủng hộ từ quần chúng. Tình hình Hoa Đông vì vậy trở nên khó đoán. |
NGHĨA HUỲNH
Theo PLTPHCM