TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đám cháy Điếu Ngư/Senkakub đang được đổ thêm dầu

Quan hệ giữa hai quốc gia Đông Á Trung Quốc và Nhật Bản đang ở vào thời kỳ tồi tệ nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1972 với vụ tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và những hệ lụy xung quanh.
 

Tàu tuần duyên Nhật kè đuổi tàu hải giám Trung Quốc tại Điếu Ngư/Senkaku ngày 14-9
Tàu tuần duyên Nhật kè đuổi tàu hải giám Trung Quốc tại Điếu Ngư/Senkaku ngày 14-9.

Ngày 11-9-2012, sau khi chính phủ Nhật Bản tuyên bố quốc hữu hóa quần đảo này bằng cách bỏ tiền mua lại quyền sở hữu từ dòng họ Akihara, ngày 13-9, phía Trung Quốc đã đáp lại bằng cách đưa 6 chiếc tàu hải giám tiến vào bên trong vùng biển 12 hải lý của quần đảo này để “thể hiện chủ quyền” của Trung Quốc đối với quần đảo.

Cùng ngày, ông Lý Bảo Đông, đại sứ Trung Quốc tại Liên hợp quốc đã trình lên Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon văn kiện và bản đồ về đường cơ bản lãnh hải Trung Quốc cùng các đảo ở khu vực Điếu Ngư/Senkaku, chính thức đưa vấn đề yêu cầu về chủ quyền đối với quần đảo này ra LHQ.

 

Ủy ban bảo vệ Điếu Ngư ở Hongkong ngày 15-9 đã tuyên bố tàu “Khải Phong 2” ngày 18-9 tới đây sẽ quay trở lại Điếu Ngư/Senkaku với một số người tình nguyện lên đảo cùng quan tài để thể hiện quyết tâm của họ.

Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Nhạc Ngọc Thành khi tham dự một cuộc hội thảo về vấn đề Điếu Ngư/Senkaku cũng đã có bài phát biểu dài, trong đó có câu được coi là “rất quan trọng”, là: “Trung Quốc áp dụng một loạt biện pháp nhằm đánh vào ý đồ hung hăng của phía Nhật định xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc; phía Trung Quốc sẽ căn cứ vào diễn biến cụ thể của tình hình để sử dụng những biện pháp thích ứng để bảo vệ chủ quyền của mình”.

Hành động của chính phủ Trung Quốc đưa 6 tàu hải giám vào bên trong vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku dù chỉ mấy tiếng đồng hồ được coi là hành động cứng rắn nhằm gửi đến phía Nhật Bản tín hiệu: nếu các vị kiên trì những quyết định đó, Trung Quốc sẽ tiếp tục áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để đáp lại.

Thiếu tướng quân đội Trung Quốc Bành Quang Khiêm tuyên bố: quân đội Trung Quốc đã sẵn sàng ra tay tiến công đánh chiếm các đảo thuộc quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, giới hạn cuối cùng để hành động là khi Nhật Bản triển khai lực lượng phòng vệ (quân đội) đến quần đảo này.

Một loạt các hành động trả đũa việc Nhật quốc hữu hóa Điếu Ngư/Senkaku đã và đang được những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc tiến hành: các cuộc biểu tình chống Nhật Bản nổ ra trước sứ quán, các lãnh sự quán Nhật và trên đường phố nhiều thành phố trên khắp Trung Quốc với nhiều khẩu hiệu, biểu ngữ mang nội dung quá khích, cực đoan; nhiều hành động quá khích, bạo lực đã xảy ra như tấn công người Nhật (4 người Nhật bị đánh trọng thương ở Thượng Hải, trong đó có cả 1 tuyển thủ đội tuyển bi-a Nhật đang thi đấu một giải mời ở đây); hô hào tẩy chay, đập phá sản phẩm hàng hóa của Nhật.

Nhiều lời kêu gọi trả đũa được đưa ra như trừng phạt kinh tế, giáng cấp ngoại giao, tẩy chay hàng hóa, không đi du lịch Nhật Bản... Một hành động quá khích điển hình là vụ việc trưa ngày 13-9, một người đàn ông lái chiếc xe Honda Civic mới cáu cạnh ông ta mới mua tới trước cửa hàng chuyên doanh xe Honda ở đường Giang Dương Bắc (Thượng Hải), trương các biểu ngữ chống Nhật ra rồi tự châm lửa đốt xe, gây tắc nghẽn cả đường phố...

“Ủy ban bảo vệ Điếu Ngư” ở Hongkong ngày 15-9 đã tuyên bố tàu “Khải Phong 2” ngày 18-9 tới đây sẽ quay trở lại Điếu Ngư/Senkaku với một số người tình nguyện lên đảo cùng quan tài để thể hiện quyết tâm của họ.

 

Biểu tình trước sứ quán Nhật ở Bắc Kinh ngày 15-9
Biểu tình trước sứ quán Nhật ở Bắc Kinh ngày 15-9.

Về mặt ngoại giao, một loạt hoạt động giao lưu ngoại giao cấp cục, cấp tỉnh bị phía Trung Quốc đơn phương hủy bỏ hoặc “hoãn”; các hãng du lịch lớn như Xuân Thu, Thượng Hải, Thanh niên...đều hủy tour.

Ngày 12-9, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) công bố kết quả điều tra qua mạng đối với hơn 20 ngàn người, cho thấy hơn 80% bày tỏ “giảm bớt tình cảm với Nhật”, hơn 90% cho biết sẽ không tiếp tục mua hàng Nhật nữa” để bày tỏ phản đối chính phủ Nhật Bản.

Cục Ngư Chính tuyên bố đã chuẩn bị sẵn sàng đưa các tàu Ngư Chính tới vùng biển Điếu Ngư/Senkaku để bảo vệ các ngư dân tới đây đánh cá kể từ ngày 16-9.

Theo hãng Tin tức Trung Quốc (CNS) ngày 14-9, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết các hàng hóa Nhật tiêu thụ ở Trung Quốc giảm mạnh trong tháng 8 vừa qua, trong đó lượng xe bán ra của 3 hãng Honda, Toyota, Mazda giảm 2%, đồ điện gia dụng của hãng Toshiba giảm 40,31%, Sanyo giảm 44,32%, Panasonic giảm 23,41%, Sharp giảm 21,06%.

Ngày 12-9, Đặng Hoa Kim, CEO của mạng bán hàng Tề Gia tuyên bố: không mua hàng Nhật, không đi du lịch Nhật cho đến khi vấn đề Điếu Ngư/Senkaku được giải quyết.

Lãnh đạo công ty truyền thông mạng nổi tiếng Sudu ra quy định: trong toàn hệ thống không được có hàng Nhật, nếu phát hiện có phải tiêu hủy ngay; nếu mua hàng Nhật sẽ không được thanh toán hóa đơn, bị hủy bỏ thành tích”. Một số mạng lưới bán hàng qua mạng đã tuyên bố “gỡ hàng Nhật khỏi quầy kể từ 14-9”.

Tuy nhiên, những hành động bài Nhật cực đoan kiểu trên không được đông đảo dư luận Trung Quốc đồng tình.

Bình luận viên Trịnh Hạo của đài truyền hình Phượng Hoàng (Hongkong) cho rằng: thứ nhất, các biện pháp như trừng phạt kinh tế, cắt giảm du lịch khó có thể duy trì mãi vì cũng gây thiệt hại cho phía Trung Quốc; thứ hai là hiệu quả hạn chế, không đủ để khiến Nhật Bản thay đổi quyết tâm và ý chí của họ; thứ ba là những biện pháp đó không thể thay đổi vấn đề chủ quyền lãnh thổ được.

Về phía Nhật Bản, ông Ishiba, cựu Cục trưởng Phòng vệ, người mới tuyên bố sẽ ra tranh cử chức Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ - đã lên tiếng đề nghị đổi tên “lực lượng phòng vệ” thành “quân đội quốc phòng” để thay đổi tính chất, chức năng của quân đội Nhật từ “duy trì trị an, cứu hộ cứu nạn” thành “tiến hành chiến tranh”, thậm chí được đưa quân ra nước ngoài và sử dụng vũ lực.

Phía Nhật cũng tuyên bố hủy bỏ chuyến thăm Trung Quốc và tham gia hoạt động kỉ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ Nhật-Trung của Đoàn các nghị sĩ dự tính bắt đầu từ 26-9.

Đài CCTV dẫn tin của báo “Yumiuri Shimbun” cho biết: chính phủ Nhật Bản đã đề ra 8 phương án thực thi cho quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đánh ký hiệu từ A đến H: A là duy trì hiện trạng, B: thực thi bảo vệ môi trường, C: xây dựng tháp hải đăng, D: xây dựng cơ sở lánh nạn trên đảo, E: tiến hành điều tra tài nguyên biển. Cứng rắn nhất là H: đưa lực lượng phòng vệ đến thường trú trên đảo.

Thủ tướng Yoshihiko Noda vốn dự định thực hiện phương án C (xây dựng tháp hải đăng), nhưng các quan chức khác khuyên can nên cuối cùng đã chấp nhận thực thi phương án A (duy trì nguyên trạng).

Về diễn biến tới, vụ Trung Quốc đưa 6 tàu hải giám vào vùng biển quần đảo Điếu Ngư/Senkaku đã kết thúc hôm 14-9 với tuyên bố thắng lợi của cả hai phía: Trung Quốc nói đã thực thi được pháp luật ở vùng biển của mình, Nhật Bản thì nói đã xua đuổi được các tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của mình.

Tình hình trên vùng biển này đã tạm lắng, nhưng quan hệ hai nước thì vẫn đang căng thẳng hơn bao giờ hết. Tới đây, nếu Trung Quốc đưa hàng ngàn tàu cá với sự yểm trợ của các tàu Hải giám và Ngư chính tới vùng biển Điếu Ngư/Senkaku đánh bắt như lời của một quan chức Bộ Nông nghiệp, tất phía Nhật Bản sẽ không ngồi nhìn và khi đó rất có thể đụng độ sẽ xảy ra...

 Thu thủy
Tổng hợp

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te