TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Xung đột Trung – Nhật sẽ leo thang đến mức nào?

Căng thẳng Trung-Nhật đang bị đẩy lên đến đỉnh điểm nhưng Bắc Kinh, Tokyo quyết sẽ không để bị đẩy vào một cuộc chiến tranh nóng. Ngoài ra, còn phải kể đến nhân tố Mỹ.

Các diễn biến mới nhất trong quan hệ Trung - Nhật những ngày này đang khiến không ít người lo ngại một “cuộc chiến” sẽ xảy ra. Có thể nói, đây là thời kỳ đỉnh điểm căng thẳng trong mối quan hệ 40 năm qua giữa hai cường quốc châu Á. Bằng cả khẩu chiến và hành động, Trung Quốc và Nhật Bản liên tục cảnh báo và đe dọa lẫn nhau, liên quan đến căng thẳng tranh chấp lãnh hải quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.


Người biểu tình đụng độ cảnh sát

Từ khẩu chiến, răn đe

Kể từ khi Chính phủ Nhật Bản tuyên bố mua lại 3/5 hòn đảo thuộc quần đảo tranh chấp, truyền thông, các học giả và cả chính giới Trung Quốc liên tục có các tuyên bố mang tính răn đe. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo tuyên bố Bắc Kinh sẽ "không lùi một tấc nào" còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi thì nói: "Trung Quốc sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết và sẽ kiên quyết bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia". Giới học giả diều hâu, cứng rắn thì cảnh báo, “Nhật Bản đang đùa với lửa” và sẽ “nhận lại hậu quả thích đáng”.  Tựu chung, những tuyên bố đó đều khẳng định rằng Trung Quốc sẽ "không bao giờ chấp nhận sự chiếm đóng bất hợp pháp hay cái gọi là 'quyền kiểm soát trên thực tế' của Nhật Bản đối với quần đảo Điếu Ngư".

Ngoài tuyên bố, Trung Quốc còn thực hiện các hành động răn đe. Thông tin về các cuộc tập trận tràn ngập trên các phương tiện truyền thô kể từ khi Nhật tuyên bố mua lại 3 đảo.

Trong diễn biến mới nhất, là cuộc tập trận đổ bộ lên đảo của Quân khu Nam Kinh và cuộc tập trận bắn đạn thật của Hạm đội biển Hoa Đông thuộc Quân Giải phóng Nhân dân trung Quốc.Trước đó, hôm cuối tuần, Trung Quốc còn điều 6 tàu hải giám đến vùng biển tranh chấp. Bắc Kinh khẳng định rõ ràng, việc này là nhằm tuần tra và thực thi luật pháp, chứng tỏ quyền tài phán của Trung Quốc với các đảo này. Và rằng, “các tàu hải giám Trung Quốc sẽ có hành động cần thiết không để tình hình leo thang”.

Trong một động thái mới nhất nhằm khẳng định chủ quyền, Cục Hải Dương Trung Quốc đã công bố tọa độ đảo Senkaku/Điếu Ngư và một số đảo lân cận. Trước đó, đại diện thường trực của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Lý Bảo Đông đã gặp Tổng thư ký Liên Hợp quốc Ban ki-moon và chuyển giao bản tọa độ này.

Động thái này cũng có nghĩa Trung Quốc đang gửi đi thông điệp rằng, Bắc Kinh không còn muốn khai thác tài nguyên chung với Nhật Bản thông qua đàm phán như thời gian vừa qua, mà muốn có sự phân ranh giới lãnh hải rõ ràng.

Chưa hết, đài truyền hình trung ương Trung Quốc ngày 17/9 cho biết khoảng 1.000 tàu đánh cá đang rầm rập tiến đến vùng biển đảo Senkaku/Điếu ngư dưới sự bảo vệ của chính quyền nước này.


1000 tàu cá Trung Quốc hướng ra Senkaku/Điếu Ngư

… đến các cuộc biểu tình biến thành bạo động…

Tờ Japan Times của Nhật Bản ngày 17/9 đưa tin, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản ở Trung Quốc đã lan rộng ra ít nhất 85 thành phố, đã có những báo cáo cho thấy tình trạng bạo lực và hủy hoại tài sản vẫn đang tiếp diễn.

Ngoài Bắc Kinh và Thượng Hải, các cuộc biểu tình còn lan sang nhiều thành phố lớn khác, trong đó có Quảng Châu và Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông, Thành Đô ở Tứ Xuyên. Cuộc biểu tình ở Quảng Châu đã thu hút hơn 10.000 người tham gia.

Ở một số thành phố, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản đã biến thành tuần hành phản đối chính phủ, phản đối nạn tham nhũng, khoảng cách giàu nghèo và tình trạng thất nghiệp của sinh viên mới ra trường.

Theo đài TVB của Hồng Kông, người biểu tình ở Quảng Châuđã ném đá vào một tòa nhà ngoại giao Nhật Bản, trong khi khoảng 10.000 người biểu tình ở Thâm Quyến đụng độ với cảnh sát chống bạo động.

Cảnh sát đã bắn hơi cay vào đám đông giơ biểu ngữ “yêu nước không phải là tội” nhưng không giải tán được họ. Đám đông yêu cầu thả những người tổ chức cuộc biểu tình hôm Chủ nhật. Một số người biểu tình trèo lên nóc xe thiết giáp của cảnh sát trong khi trực thăng cảnh sát quần đảo phía trên.

Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc Uichiro Niwa đã yêu cầu chính phủ Trung Quốc thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ công dân và các công ty Nhật.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc chỉ đưa rất ít thông tin về thiệt hại của các cơ sở kinh doanh Nhật Bản. Một bản tin của Tân Hoa xã nói rằng nhà chức trách ở các thành phố lớn đã tăng cường an ninh để ngăn chặn tình trạng đập phá tài sản và kêu gọi “biểu hiện lòng yêu nước hợp lý”.

…và một cuộc chiến thương mại

Nhiều công ty Nhật Bản tại Trung Quốc đã phải ngừng hoạt động. Trong hai ngày 17, 18/9, Canon sẽ tạm ngưng 3 trong 4 nhà máy, gồm hai nhà máy sản xuất máy in và máy camera kỹ thuật số ở Quảng Đông, cùng nhà máy sản xuất máy photocopy ở Giang Tô.


Toyota Nhật Bản ở Trung Quốc bị đốt, phá

Bên cạnh đó, Toyota đang tính toán thiệt hại do các cơ sở của họ bị người biều tình phá rối ở tỉnh Sơn Đông. Honda cũng lên tiếng là các cuộc tấn công đã phá hỏng các cửa hàng của hãng tại thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Một nguồn tin cho rằng, một trong các nhà máy của Panasonic vẫn đóng cửa trong ngày mai (18/9), do bị người biểu tình quậy phá. Hãng hàng không Nippon phải hủy nhiều chuyến bay từ Trung Quốc đến Nhật.

Tờ Nhân dân Nhật báo, phiên bản tiếng Anh, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã cảnh cáo Nhật Bản về những hậu quả kinh tế của “một thập kỷ bị đánh mất” nữa.

Bắc Kinh, Tokyo rơi vào thế lưỡng nan

Rõ ràng, cơn giận dữ của Trung Quốc đối với việc quốc hữu hóa đảo tranh chấp của Nhật Bản đang ngày càng tăng nhiệt và đẩy xung đột hai bên đi đến đỉnh điểm. Nhưng liệu chính phủ hai nước có thực sự muốn bị cuốn vào một cuộc chiến tranh nóng?

Câu trả lời tất nhiên là không, nhưng họ đang trong thế tiến thoái lưỡng nan: dừng thì không thể mà tiến them nữa sẽ chỉ có hại cho cả hai bên.

Thứ nhất, nếu dừng lại các động thái uy hiếp, răn đe và nhượng bộ nhau thì cả Bắc Kinh và Tokyo sẽ bị cho là “yếu thế” trước đối phương. Điều này dẫn tới các làn sóng biểu tình, phản đối của người dân hai nước tất yếu sẽ bùng phát, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự trong nước. Đặc biệt trong bối cảnh cả hai nước đều đang trong giai đoạn chuyển giao nhân sự quan trọng và nhạy cảm.

Còn nếu như một trong hai bên cố tình đẩy căng hơn nữa những mâu thuẫn hiện nay, rõ ràng, cả Bắc Kinh và Tokyo đều không muốn phải dành sự bận tâm quá lớn vào các vấn đề đối ngoại trong khi nội bộ cũng đang bộn bề công việc cần giải quyết.

Bên cạnh đó, điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến những lĩnh vực quan hệ song phương có lợi cho cả Trung Quốc và Nhật Bản, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế.

Về phía Nhật Bản, rất có thể, Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Nhật Bản sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế chính thức với Nhật Bản.

Có nghĩa là sự cứng rắn của Trung Quốc sẽ không chỉ đơn giản là ngừng sản xuất đất hiếm sang Nhật Bản như hồi năm 2010.

Còn về phía Trung Quốc, lợi ích kinh tế không phải là sẽ kém thiệt hại hơn. Bởi gần đây, rất nhiều các công ty Nhật Bản đang tăng cường đầu tư vào Trung Quốc, nếu Bắc Kinh làm căng sẽ khiến các công ty này nản lòng do sợ rủi ro cao.

Như thế, cả Trung Quốc và Nhật Bản đang ở trong tình thế khó xử, đòi hỏi sự khéo léo xử trí của cả hai bên, để làm sao sợi dây quan hệ “có căng nhưng không đứt”.

Nhân tố Mỹ

Trong căng thẳng giữa hai cường quốc châu Á này không thể bỏ qua vai trò quan trọng của nhân tố Mỹ. Chẳng thể mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Panetta hiện đang có chuyến công cán tới cả Nhật Bản và Trung Quốc với một trong những mục tiêu quan trọng là hạ nhiệt căng thẳng Nhật-Trung đang sục sôi do tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư.

Mỹ đã nêu rõ sẽ không đứng về phía bên nào trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ nhưng vẫn chưa rõ Washington sẽ đóng vai trò gì trong căng thẳng, do lịch sử phức tạp giữa Nhật và Trung, cũng như mối quan hệ cơm không lành giữa Washington với Bắc Kinh.

Trước khi đặt chân tới Tokyo vào tối chủ nhật, ông Panetta cảnh báo khiêu khích trong bất kỳ cuộc tranh chấp lãnh thổ nào tại Hoa Đông cũng như Biển Đông cũng có thể bị thổi bùng thành một cuộc chiến, và kêu gọi các chính phủ kiềm chế thêm.

Tại Nhật Bản, ông Panetta một lần nữa khẳng định Senkaku nằm trong phạm vị hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật, ám chỉ, Washington sẽ bảo vệ Tokyo trong trường hợp xảy ra xung đột tại quần đảo tranh chấp. Đồng thời, hai bên nhất trí việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa thứ hai ở Nhật. Tuy rằng, hệ thống tên lửa này nhằm đối phó với những nguy cơ từ CHDCND Triều Tiên nhưng chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc bất an.

Tại Trung Quốc, ông Panetta dự kiến hội đàm với người đồng cấp Lương Quang Liệt thăm cơ sở hải quân ở thành phố Thanh Đảo và sẽ có bài phát biểu tại Học viện kỹ thuật vũ trang ở Bắc Kinh. Đặc biệt, có tin cho biết, chuyến thăm của ông Panetta sẽ được kéo dài thêm 1 ngày để sắp xếp thời gian gặp Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, người được cho là sẽ trở thành Chủ tịch Trung Quốc sau kỳ đại hội 18 sắp tới./.

Khánh An
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te