TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung, Mỹ đang rơi vào một cuộc chiến mới

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (17/9) đã kiện Trung Quốc lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc nước này đã trợ cấp bất hợp pháp 1 tỉ USD cho tập đoàn sản xuất ô tô lớn nhất của họ để hỗ trợ các hoạt động xuất khẩu. Đáp lại, Bắc Kinh cũng kiện Mỹ về các biện pháp chống bán phá giá mà nước này áp dụng đối với những mặt hàng đồ gia dụng, giấy và nhiều hàng hóa khác của Trung Quốc.
 
Mỹ kiện Trung Quốc
 
Nói về hành động kiện Trung Quốc, Tổng thống Obama cho biết: “Những biện pháp trợ cấp kiểu đó đã làm hại trực tiếp đến những người đàn ông và phụ nữ đang làm việc tại một loạt nhà máy lắp ráp ô tô ở Ohio và Michigan cũng như khắp Midwest. Điếu đó không đúng đắn. Nó đi ngược lại các luật lệ, quy định và chúng ta sẽ không thể ngồi yên để việc này xảy ra".
 
Phát biểu cứng rắn trên được ông Obama đưa ra tại Ohio – một bang rất quan trọng với các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới và là một trong những nơi có nghành công nghiệp ô tô lớn nhất nước Mỹ.
 
Trước đó, Tổng thống Obama liên tục bị đối thủ của Đảng Cộng hòa Mitt Romney cáo buộc là quá mềm mỏng với Trung Quốc trong vấn đề thương mại. Trong khi đó, ông Obama cáo buộc đối thủ Romney đã chuyển việc làm của người Mỹ ra nước ngoài khi ông này điều hành tập đoàn Bain Capital.
 
"Bạn không thể chống Trung Quốc khi tất cả những gì bạn làm là chuyển công việc của chúng ta cho họ. Bạn có thể nói rất hay nhưng tôi muốn hành động chứ không nói”, ông Obama phát biểu.
 
Ứng cử viên Romney đáp trả bằng cáo buộc, Tổng thống Obama đã chờ đợi quá lâu mới hành động. “Tôi sẽ không chờ đợi cho đến những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ để đứng lên chống Trung Quốc, bởi như thế sẽ khiến quyền lợi của các cử tri của chúng ta bị ảnh hưởng”.
 
Trong khi vấn đề thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc chỉ được nêu lên chưa đầy 2 tháng trước cuộc bầu cử thì nó cũng là một dấu hiệu cho thấy các chính phủ phương Tây đã sẵn sàng đối đầu với Trung Quốc nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại.
 
Theo ông Scott Paul, Giám đốc điều hành của Liên minh Sản xuất Ô tô Mỹ (AAM) ở Washington, DC, vụ kiện mà Mỹ vừa tiến hành là đỉnh điểm sau những thông tin kéo dài hơn 2 năm qua về việc ô tô nhập khẩu giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Mỹ.
 
“Từ năm 2009 và 2011, chúng ta đã chứng kiến, ô tô nhập khẩu của Trung Quốc vào Mỹ tăng 25% nhưng không phải vì họ sản xuất ô tô tốt hơn chúng ta”, ông Paul cho biết. “Sự việc đó đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến 1,5 triệu công nhân Mỹ đang làm việc trong nền công nghiệp ô tô của chúng ta”, ông Paul nói thêm.
 
Dựa vào nghiên cứu do AAM tiến hành, Mỹ đã mất hơn 400.000 việc làm trong ngành công nghiệp ô tô kể từ năm 2000. AAM đổ lỗi một phần cho việc Trung Quốc liên tục vi phạm các luật lệ, quy định của WTO.
 
Mặc dù WTO phải mất hơn 1 năm để đưa ra phán quyết về vụ kiện của Mỹ nhưng theo ông Paul, nó vẫn có tác dụng là một lời cảnh báo đối với Trung Quốc. “Hành động của chúng tôi khiến họ phải chú ý và phải nhận ra rằng, cộng đồng quốc tế đang theo dõi họ. Và tôi không nghĩ đây là vụ việc duy nhất chống lại họ. Tôi tin, đó mới chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”.
 
Trung Quốc kiện ngược lại Mỹ
 
Ngay sau khi ông Obama kiện Trung Quốc về việc trợ cấp bất hợp pháp cho ngành ô tô, Trung Quốc hôm qua cũng đã kiện lên WTO về việc Mỹ áp đặt các biện pháp chống bán phá giá đối với hàng tỉ USD đồ dân dụng, giấy và nhiều mặt hàng khác... của họ.
 
Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết, đơn kiện mới nhất của họ lên WTO tập trung vào việc Quốc hội Mỹ trong năm nay đã thông qua một dự luật, trong đó cho phép Bộ Thương mại được quyền áp đặp các biện pháp chống phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc.
 
"Hành động của Mỹ đã đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc vào một môi trường pháp lý bất ổn, vi phạm các luật lệ liên quan đến sự minh bạch và các tiến trình hợp lý của WTO”, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.
 
Theo Trung Quốc, Mỹ đang áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với 24 sản phẩm trị giá 7,2 tỉ USD. Trung Quốc không nêu rõ mặt hàng nào nhưng một tuyên bố của WTO từ Geneva cho biết, các mặt hàng đó bao gồm giấy, thép, lốp xe, các chất hóa học, đồ gia dụng...
 
Đơn kiện của Trung Quốc ngày hôm qua yêu cầu sự tham vấn trong việc giải quyết cuộc tranh chấp. Đây là giai đoạn đầu tiên trong quá trình giải quyết đơn kiện của WTO. Nếu không biện pháp nào được đưa ra sau 60 ngày, Bắc Kinh có thể đề nghị được đưa vụ án ra xét xử tại một hội đồng của WTO. Dựa vào kết quả, Trung Quốc có thể được phép yêu cầu biện pháp trừng phạt.
 
Chính phủ Mỹ, Trung Quốc cùng với các thành viên khác của nhóm G20 đã cam kết sẽ tránh những bước đi gây ảnh hưởng đến thương mại và sự phát triển toàn cầu. Bất chấp cam kết này, các bên vẫn không ngừng cáo buộc lẫn nhau về việc áp dụng những biện pháp thương mại không công bằng.

 

Kiệt Linh - (tổng hợp)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te