TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật, Trung tiến thoái lưỡng nan về Senkaku

Căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản về Senkau, quần đảo nhỏ không người ở trên biển Hoa Đông, đã bộc lộ thế yếu của chính quyền cả hai nước. Tình hình đó sẽ khiến hai nước khó có thể nhân nhượng về mặt ngoại giao dù cho quan hệ kinh tế song phương lớn đến mức nào.
 

Nhật, Trung tiến thoái lưỡng nan về Senkaku

Nhật Bản và Trung Quốc đang ở thế tiến thoái lưỡng nan về cuộc tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku.

Đối với Trung Quốc, các cuộc biểu tình chống Nhật trong những ngày vừa qua đã phơi bày sự bất mãn của dư luận Trung Quốc đối với thế hệ lãnh đạo hiện tại khi một số người biểu tình cho rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc tỏ ra yếu đuối và không đủ khả năng bảo vệ tuyên bố chủ quyền của nước này trước Nhật Bản.

Các cuộc biểu tình cũng đe dọa vị thế của giới lãnh đạo Trung Quốc sắp ra mắt tại Đại hội Đảng 18, trong đó có Phó chủ tịch Tập Cận Bình, người dự kiến sẽ thay thế đương kim chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Bên cạnh việc củng cố quyền lực của mình, các nhà lãnh đạo như ông Tập sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn về cách đối phó với các cử tri theo chủ nghĩa dân tộc ngày càng tỏ ra lớn tiếng.

Còn tại Nhật Bản, Thủ tướng Yoshihiko Noda – người thứ 6 giữ chức thủ tướng chỉ trong vòng 6 năm – đối mặt với nguy cơ bị đánh bại trong cuộc tổng tuyển cử vào cuối năm nay do tinh thần dân tộc ở Nhật Bản ngày càng dâng cao mạnh mẽ. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đảng cầm quyền của ông Noda chắc chắn sẽ lép vế, có khả năng sẽ đứng thứ ba sau hai đảng đối thủ có các chính trị gia ủng hộ lập trường cứng rắn hơn nữa đối với Trung Quốc.

Tình hình trên khiến chính phủ cả hai nước không có nhiều cơ hội để nhượng bộ về vấn đề chủ quyền quần đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông do lo sợ bị nhìn nhận là nhu nhược. Mặc dù bằng cách tỏ ra cứng rắn, cả hai chính phủ có thể tạo hình ảnh tốt hơn trước dư luận trong nước nhưng căng thẳng vừa qua cũng làm tổn hại mối quan hệ thương mại song phương có vai trò then chốt đối với nền kinh tế toàn cầu.

“Thật đáng tiếc là các chính trị gia đã gây hại đến mối quan hệ song phương mà khối tư nhân của cả hai nước đã mất công xây đắp từ lâu”, Hiromasa Yonekura, chủ tịch cơ quan vận động hành lang cho doanh nghiệp của Nhật Bản, nhận xét.

Các cuộc biểu tình đầy nhiệt huyết nhưng khá hòa bình trong ngày hôm qua tại Trung Quốc cho thấy Bắc Kinh đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan: theo đuổi chính sách ôn hòa trong quan hệ với Nhật Bản có nguy cơ khiến những người Trung Quốc yêu nước và những người bất mãn với chính phủ thêm tức giận; còn nếu tỏ ra “hung hăng” thì sẽ tạo cớ cho Washington dấn sâu hơn về mặt chiến lược và quân sự trong khu vực.

Hôm qua, hàng nghìn người biểu tình tại Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố chính khác của Trung Quốc đã hô vang các khẩu hiệu chống Nhật trong ngày kỉ niệm 81 năm biến cố 1931 mà Nhật Bản tạo cớ xâm chiếm vùng Manchuria (Mãn Châu Lý) của Trung Quốc.

Những người biểu tình đã phản đối tuyên bố của chính phủ Nhật mua lại quần đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Quần đảo này chịu sự kiểm soát của Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nhưng Trung Quốc và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền.

Trong cuộc họp với các nhà lãnh đạo quân sự cấp cao của Trung Quốc, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Leon Panetta kêu gọi hai bên kiềm chế vì hòa bình trong khu vực.

“Chúng tôi kêu gọi các bên kiềm chế và bình tình và chúng tôi khuyến khích các bên duy trì các kênh đối thoại để giải quyết các cuộc tranh chấp này bằng con đường ngoại giao hòa bình”, ông Panetta nói.

Trong khi đó, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt lại để ngỏ khả năng có các động thái cứng rắn hơn đối với Nhật Bản.

“Chúng tôi có quyền tiến hành các hành động xa hơn nữa. Như chúng tôi đã nói, chúng tôi vẫn hi vọng một giải pháp ngoại giao hòa bình cho vấn đề này và chúng tôi mong được hợp tác tốt với chính phủ Nhật Bản để giải quyết vấn đề này một cách hợp lý”.

Có dấu hiệu cho thấy tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc sắp trở lại bình thường sau khi phải đóng cửa do lo ngại các hành động bạo lực của người biểu tình. Tập đoàn Sony và Aeon cho biết họ sẽ mở cửa trở lại còn tập đoàn xe hơi Toyota và các công ty khác cho biết họ sẽ vẫn đóng cửa.

Trong các cuộc biểu tình, nhiều người Trung Quốc đã hát vang các bài hát yêu nước và dâng cao ảnh cố chủ tịch Mao Trạch Đông. Một số người cho rằng sự xuất hiện của các bức chân dung vị lãnh tụ Trung Quốc cho thấy dư luận đang bất mãn với các nhà lãnh đạo hiện nay, những người mà họ cho rằng không nhiệt tình bảo vệ lợi ích của Trung Quốc trên trường quốc tế.

“Chính phủ hiện nay khá là yếu”, một thanh niên Trung Quốc 23 tuổi không tham gia biểu tình nhận xét khi quan sát người biểu tình tụ tập trước cổng Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh.

Nam thanh niên này đã gọi Bộ Ngoại giao Trung Quốc là “Bộ phản đối”, ám chỉ việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường xuyên nhắc đi nhắc lại các bài phát biểu rằng họ cực lực phản đối các động thái của Nhật Bản đối với quần đảo này cũng như các vấn đề khác.

Chính phủ Trung Quốc lại càng có vẻ yếu ớt hơn do đây là thời điểm đặc biệt nhạy cảm. Các quan chức Trung Quốc đang chuẩn bị cho sự kiện chuyển giao quyền lực 10 năm một lần, dự kiến sẽ diễn ra vào vài tuần tới. Kinh tế Trung Quốc thì đang tăng trưởng chậm lại và các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản đang cân nhắc về tương lai của cựu bí thư thành ủy Trùng Khánh, cựu ủy viên không thường trực Bộ chính trị, Bạc Hy Lai.

“Sự bất mãn với người Nhật Bản thì quá rõ rồi. Nhưng người biểu tình cũng có một số biểu hiện bất mãn với chính phủ và xã hội Trung Quốc”, Mao Shoulong, một chuyên gia về chính sách công của trường Đại học nhân dân ở Bắc Kinh, bình luận.

Nhật, Trung tiến thoái lưỡng nan về Senkaku

Các nhà phân tích cho rằng biểu tình chống Nhật ở Trung Quốc còn thể hiện sự bất mãn của người dân Trung Quốc với chính quyền nước này.

Bên cạnh đó, các cuộc biểu tình cùng luận điệu chống Nhật trên các phương tiện truyền thông đã giúp chính phủ Trung Quốc đánh lạc hướng dư luận trước thềm Đại hội Đảng 18.

Các nhà phân tích cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc đang để những người dân bất mãn có cơ hội xả sự tức giận của mình đồng thời dùng lực lượng cảnh sát để các cuộc biểu tình nằm trong tầm kiểm soát.

“Xã hội Trung Quốc đã tích tụ quá nhiều sự bất mãn. Họ muốn tìm cách để giải tỏa cảm xúc bất mãn đó”, Liu Junning, một nhà phân tích chính trị nổi tiếng Trung Quốc, nhận xét.

Còn tại Nhật Bản, hôm qua giới chức nước này cho biết 11 tàu tuần tra Trung Quốc xuất hiện ở gần vùng biển quanh quần đảo Senkaku. Tuy nhiên, chánh văn phòng nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết lực lượng canh gác bờ biển nước này chưa nhìn thấy hàng nghìn tàu đánh cá Trung Quốc như các phương tiện truyền thông đưa tin từ hôm 17/9.

Hôm qua ở Tokyo, các quan chức hàng đầu chính phủ Nhật Bản đã mở một cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về cách ứng phó với tình hình căng thẳng leo thang ở các thành phố Trung Quốc và tại vùng biển tranh chấp.

“Chúng ta sẽ tăng cường canh gác và sẽ sử dụng mọi biện pháp cần thiết”, Thủ tướng Noda ra lệnh.

Hôm 17/9, tờ Mainichi Shimbun đưa tin đảng Dân chủ tự do (LDP), đảng đối lập chính, đã nhận được sự ủng hộ của 19% cử tri và đảng Khôi phục Nhật Bản mới thành lập thu hút được 11% ủng hộ. Trong khi đó, đảng Dân chủ cầm quyền của ông Noda đang nhận được 13% sự ủng hộ và có dấu hiệu sự ủng hộ sẽ còn suy giảm.

Đảng LDP đang tổ chức bầu cử nội bộ để bầu ra người thay mặt đảng chạy đua chức tổng thống và 5 ứng cử viên đảng này đua nhau về quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc.

“Chính phủ Nhật Bản nên gửi công hàm phản đối mạnh mẽ Trung Quốc”, cựu thủ tướng Shinzo Abe nói.

“Nhật Bản nên theo đuổi chính sách ngoại giao cứng rắn đối với Trung Quốc”, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Nobutaka Machimura hưởng ứng quan điểm của ông Abe.

Lãnh đạo đảng Khôi phục Nhật Bản non trẻ đồng thời là thị trưởng thành phố Osaka Toru Hashimoto cũng công khai chỉ trích Trung Quốc.

Thực ra, tình trạng đối đầu Nhật – Trung hiện nay là do nhà yêu nước hàng đầu Nhật Bản, thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara khơi mào. Hồi đầu năm nay, ông Ishihara đã tổ chức quyên góp tiền để mua lại quần đảo Senkaku từ một người chủ tư nhân. Ông Ishihara tuyên bố quyết tăng cường quyền kiểm soát của Nhật đối với quần đảo, một hành động mà ông biết chắc rằng sẽ khiến Bắc Kinh nổi giận.

Ban đầu, Thủ tướng Noda phớt lờ đề xuất của ông Ishiara nhưng sau khi cuộc quyên góp của thị trưởng Tokyo nhận được nhiều sự ủng hộ của dư luận nên chính phủ của ông Noda phải ra quyết định quốc hữu hóa quần đảo này.

Ông Noda và các trợ lý của ông không ngừng khẳng định rằng để Senkaku chịu sự kiểm soát của chính phủ trung ương Nhật sẽ tốt hơn là chính quyền thành phố Tokyo của ông Ishiara, người có nhiều kế hoạch khai thác định đưa phái đoàn ra khảo sát quần đảo này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn không công nhận quan điểm đó của Nhật và coi đây là động thái khuấy động tình hình không thể chấp nhận được.


Tùng Lâm
Theo InfoNet
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te