Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ AK Antony đã có chuyến công du đến xứ sở vạn đảo nhằm thiết lập mối quan hệ chiến lược giữa đôi bên.
Trong cuộc gặp với người đồng cấp Purnomo Yusgiantoro tại Jakarta, hai bên đã thảo luận các biện pháp tăng cường hợp tác quân sự, liên kết đào tạo và hợp tác sản xuất chung và xuất khẩu các trang thiết bị quân sự.
Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K Antony gọi cuộc gặp gỡ ở Jakarta là “bước ngoặt”, “một sự khởi đầu tuyệt vời”.
Nguồn tin Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết, hai bên đã đồng ý về hợp tác liên kết đào tạo quân đội và trao đổi quân sự.
Ngoài ra, hai nước sẽ xúc tiến một lộ trình hợp tác và sản xuất thiết bị quân sự.
Indonesia đã bày tỏ sự quan tâm sâu sắc đến hệ thống tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos và hy vọng Ấn Độ sẽ bán cho Jakarta hệ thống tên lửa chống hạm siêu hạng này. Vấn đề này đã được hai bên thảo thuận nhưng chi tiết không được tiết lộ.
Ngoài việc thảo luận các vấn đề về hợp tác mua bán, sản xuất vũ khí, hai bên đã nhất trí tiến hành tuần tra chung giữa hải quân hai nước tại eo biển Malacca, một trong những tuyến đường biển rất quan trọng, con đường xuất khẩu dầu mỏ chiến lược từ vịnh Arab.
Món quà của Ấn Độ trao cho Indonesia
Rõ ràng Indonesia có thể coi là trọng tâm trong mối quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ.
Xứ vạn đảo án ngự biển Đông và eo Malacca, tuyến vận tải biển chiến lược từ Đông Nam Á , Đông Á sang Ấn Độ Dương đến Nam Á, Trung Đông, châu Phi, châu Âu.
Cả hai cường quốc châu Á đều muốn đặt ảnh hưởng của mình lên xứ vạn đảo. Ai có quan hệ thân mật với Indonesia hơn sẽ có được cơ hội giám sát eo biển Malacca qua đó kiềm tỏa, giám sát hoạt động của hải quân đối phương.
Ấn Độ có nhiều cái để Indonesia thèm khát, BrahMos là một điển hình. |
Trong cuộc đua giành ảnh hưởng đối với xứ sở vạn đảo, Ấn Độ có phần chậm chân hơn Trung Quốc.
Indonesia và Trung Quốc đang xúc tiến nhiều chương trình hợp tác, trong đó có kế hoạch sản xuất tên lửa chống hạm cận âm C-705 trang bị cho các tàu chiến của Hải quân Indonesia.
Ngoài ra, Bắc Kinh đang xúc tiến rất nhiều chương trình hợp tác quân sự với xứ sở vạn đảo để chứng minh tầm ảnh hưởng của mình đối với khu vực.
Ấn Độ là cường quốc quân sự hàng đầu khu vực châu Á, tuy nhiên, nền công nghiệp quốc phòng của Ấn Độ tuy có nền tảng nhưng hầu như chưa đạt được nhiều bước tiến đáng kể.
Nói vậy không có nghĩa là Ấn Độ không có gì để cho Indonesia, điểm mạnh của Ấn Độ là họ được hợp tác với các quốc gia có nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới như Nga, Israel, ngay như Mỹ cũng không hạn chế bán các sản phẩm quốc phòng cho New Delhi.
Tên lửa chống hạm siêu âm BrahMos có thể coi là sản phẩm tiêu biểu cho sự hợp tác giữa Ấn Độ với Nga. BrahMos có thể làm thay đổi cán cân quân sự trong khu vực nó xuất hiện.
Một điều rất quan trọng khác là Ấn Độ đầu tư khá nhiều tiền bạc cho con đường phát triển công nghiệp quốc phòng chậm nhưng chắc.
Dù Ấn Độ khởi động chậm hơn Trung Quốc trong việc đặt ảnh hưởng của mình lên xứ sở vạn đảo nhưng cơ hội cho Ấn Độ không hề thua kém Trung Quốc thậm chí còn sáng sủa hơn. Điểm mạnh của Ấn Độ mà Trung Quốc không có được là các sản phẩm công nghệ cao và ổn định.
Công nghệ tên lửa của Ấn Độ có nhiều điều để Indonesia học hỏi hơn công nghệ tên lửa của Trung Quốc, trong ảnh thử nghiệm tên lửa đánh chặn ngoài không gian AAD. |
Ngoài ra, Ấn Độ đang sở hữu những sản phẩm quốc phòng mà Trung Quốc thèm muốn như hệ thống cảnh báo sớm EL/M-2075 Phalcon, máy bay tuần tra hàng hải P-8 Poseidon... Ấn Độ có sự hợp tác với Israel trong việc phát triển các hệ thống tên lửa phòng không, radar, hệ thống điều khiển hỏa lực.
Bên cạnh đó, Ấn Độ là quốc gia thứ 4 sau Mỹ, Israel và Nga phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa, chương trình phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo AAD có thể coi là mô hình có 1 không 2 tại châu Á.
Ấn Độ là quốc gia có nền công nghệ tin học phát triển hàng đầu châu lục, họ là quốc gia gia công phần mềm lớn nhất châu Á. Các vũ khí do Ấn Độ phát triển có độ chính xác rất cao nhất là các loại tên lửa có điều khiển.
Như vậy, qua Ấn Độ, Indonesia có thể tiếp cận được các công nghệ cao của phương Tây nhất là công nghệ điện tử mà tự bản thân họ không thể mua được và sự hợp tác với Trung Quốc cũng không có được (chính bản thân Trung Quốc còn mơ ước nói chi là chia sẻ cho Indonesia).