TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Myanmar: Bạo động có cản trở dân chủ?

Chỉ trong tuần lễ qua ít nhất 67 người đã thiệt mạng và 95 người bị thương trong các cuộc bạo động tôn giáo vừa xảy ra ở bốn thị trấn thuộc bang Rakhine phía tây của Myanmar. Trong các cuộc xung đột này, hơn 2.800 ngôi nhà bị đốt và 18 công trình tôn giáo đã bị phá hủy ở các thị trấn Myaebon, Mrauk U, Kyauk Phyu và Minbya.

 

Chính phủ và chính quyền địa phương đã nỗ lực kiểm soát tình hình ở Rakhine bằng cách tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành lệnh giới nghiêm. Các đài phát thanh và truyền hình Myanmar trích dẫn một thông báo của Văn phòng Chính phủ Myanmar cảnh báo rằng họ sẽ tìm ra và trừng trị thích đáng những kẻ đứng đằng sau cuộc bạo động.

Các vụ xung đột lần này được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong một loạt các cuộc tấn công tàn bạo giữa những người Rakhine theo Phật giáo là khối thiểu số lớn nhất tại bang Rakhine và người Rohingya theo Hồi giáo vốn không được Myanmar cho nhập tịch.

Tiểu bang Rakhine so với nhiều địa phương khác là địa phương không lớn về dân số, diện tích lẫn tài nguyên. Thế nhưng vị trí của Rakhine quan trọng ở chỗ có biên giới với nước láng giềng Bangladesh đất chật người đông với dân số 150 triệu người, phần lớn theo Hồi giáo. Thủ phủ của Rakhine là thành phố Sittwe, một hải cảng quan trọng nhìn ra vịnh Bengale và xa hơn là Ấn Độ Dương. Gần Sittwe có đường ống dẫn dầu để đưa dầu từ Trung Đông đi ngang qua Myanmar về Vân Nam của Trung Quốc. Đây là một trong những hợp đồng lớn của Trung Quốc ở Myanmar.

Xung đột bắt nguồn từ kỳ thị

Người bị thương được đưa đi cứu chữa

Người Rakhine, còn gọi là người Arakan, là một tộc người chủ yếu sinh sống ở Myanmar, Bangladesh và Ấn Độ. Trong quá khứ, người Rakhine từng có quốc gia riêng và vương quốc Mrauk U của họ từng thống trị một miền rộng lớn ở phía tây Myanmar và đông Bangladesh. Hiện nay người Rakhine là khối dân tộc thiểu số lớn nhất ở bang mang cùng tên và hầu hết theo đạo Phật. Người Rakhine nói tiếng Rakhine, được xem là tiếng Myanmar cổ.

Cộng đồng Phật giáo từ Rakhine từ xưa nay không mấy có cảm tình với dân tộc Rohingya mà họ cho là những kẻ di dân bất hợp pháp từ nước láng giềng Bangladesh.

Còn cộng đồng Rohingya là người du mục với dân số khoảng 800.000 người, không ít trong số đó đã sinh sống ở Myanmar từ nhiều thế hệ. Tuy nhiên, Luật quốc tịch năm 1982 của Myanmar không thừa nhận người Rohingya là một trong số 135 sắc dân thiểu số, khiến họ không được hưởng quy chế công dân hợp pháp.

Các tổ chức nhân quyền quốc tế nhận định người sắc tộc Rohingya từ lâu đã bị kỳ thị một cách có hệ thống và bị tước bỏ quyền trở thành công dân, đến mức Liên Hiệp Quốc đã mô tả người Rohingya là một trong các nhóm sắc tộc bị loại ra ngoài lề xã hội và bị đàn áp nhiều nhất trên thế giới.

Trên thực tế, xung đột giữa cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo ở bang Rakhine hiện nay thực sự đã bắt nguồn từ những hiềm khích kéo dài hàng thập niên qua giữa hai cộng đồng có nhiều khác biệt lớn về văn hóa, tôn giáo và ngôn ngữ.

Ông Nicholas Farelly, một chuyên gia về Myanmar tại Ðại học Quốc gia Australia, nhận định người Rohingya rơi vào tình thế bấp bênh ở vùng đất biên giới giữa hai thể chế chính trị khác nhau, không có nơi nào gọi là quê hương và làm cho họ dễ bị bóc lột. Kết quả là thỉnh thoảng lại xảy ra những vụ xung đột dữ dội như vừa xảy ra.

Căng thẳng tại Rakhine bùng phát hồi tháng 6-2012 sau khi một phụ nữ tộc Rakhine bị ba người đàn ông thuộc sắc tộc Rohingya tấn công tình dục và sát hại. Tuy tòa án ở bang Rakhine đã tuyên án tử hình đối với hai trong số này và người thứ ba tự sát khi đang ở tù, nhưng tin tức về tội ác đã là lý do thúc đẩy vài trăm người Rakhine tụ tập và tấn công một xe buýt khiến 10 người Hồi giáo trên xe thiệt mạng.

Bạo lực sau đó lan rộng ở vùng phía bắc tiểu bang làm ít nhất 90 người thiệt mạng và hơn 2.000 ngôi nhà bị phá hủy, khiến chính quyền phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ở một số thị trấn. Đợt bạo động hồi tháng 6 đã khiến 75.000 dân cư trong vùng phải di dời chỗ ở, đa số là người tộc Rohingya.

Các cuộc xung đột bắt đầu bùng phát trở lại từ ngày 22-10 vừa qua tại thành phố Minbya và nhanh chóng lan sang Mrauk U khiến chính quyền địa phương phải ban bố lệnh giới nghiêm từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau và lực lượng an ninh đã phải can thiệp để kiểm soát tình hình. Tính từ khi bạo động diễn ra đến nay, hơn 150 người đã thiệt mạng, hàng ngàn người khác đang di tản về phía các trại tị nạn gần thủ phủ Sittwe của bang Rakhine.

Trong bối cảnh đó, hồi cuối tháng 10 Bangladesh đã tăng cường tuần tra dọc sông giáp giới với Myanmar trước thông tin hàng chục thuyền chở người Hồi giáo chạy khỏi khu vực đang bùng phát bạo lực. Các đội tuần tra đường sông của Bangladesh đã không cho phép thuyền chở người tị nạn Rohingya cập vào lãnh thổ của mình và buộc họ phải quay về. Bangladesh nói hiện đã có quá nhiều người Rohingya tị nạn sang đây, ước tính lên tới 300.000 người.

Một diễn biến khác đã làm cho tình hình phía tây Myanmar trở nên phức tạp hơn khi hàng ngàn người theo đạo Phật cũng như các tu sĩ Phật giáo tại Myanmar xuống đường biểu tình phản đối việc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) yêu cầu hỗ trợ các tín đồ Hồi giáo là nạn nhân trong vụ xung đột tại Rakhine.

Mới tháng trước, OIC đã ký một thỏa thuận với Bộ trưởng các vấn đề biên giới Myanmar để mở một văn phòng tại thành phố Yangoon và một ở thủ phủ Sittwe của bang Rakhine.

Tuy vậy, các cuộc biểu tình kéo dài nói trên đã buộc nhà cầm quyền phải đổi hướng và Chính phủ Myanmar hôm 15-10 chính thức loan báo rằng OIC sẽ không được phép mở văn phòng tại nước này.

Sự kiện trên dẫn tới nguy cơ các quan hệ vốn đã căng thẳng với các tín đồ Hồi giáo trong vùng sẽ bị tác động thêm.

Thử thách trên con đường cải cách chính trị

Khủng hoảng tôn giáo là một thử thách với những nỗ lực của chính quyền Tổng thống Thein Sein trong việc xây dựng mối quan hệ hòa hợp giữa các nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau trên con đường cải cách chính trị.

Một ngôi làng bị thiêu trụi

Các nhà quan sát nhận định Tổng thống Thein Sein khó có thể nhanh chóng giải quyết vấn đề này khi mà đại đa số người dân Myanmar công khai bày tỏ việc không thiện cảm với sắc tộc thiểu số Rohingya.

Ngày 25-10, Hãng tin Pháp AFP dẫn một tuyên bố của Liên Hiệp Quốc nói cơ quan này quan ngại sâu sắc trước tình trạng bạo lực tôn giáo tái bùng phát ở miền tây Myanmar đã gây ra nhiều thương vong và buộc hàng nghìn người, trong đó có phụ nữ và trẻ em, phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, bình tĩnh để sớm lặp lại trật tự tại khu vực này.

Mới đây nhất vào ngày 21-10, Chính phủ Myanmar đã cho phép các tổ chức nhân đạo quốc tế thực hiện chương trình cứu trợ với những nạn nhân là tín đồ Hồi giáo tại Rakhine.

Lên tiếng trước người dân cả nước, ông Then Sein cảnh báo rằng bạo động có thể lan sang các khu vực khác trong nước và nếu xảy ra tình trạng đó thì sự ổn định, hòa bình và tiến trình dân chủ hóa của đất nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Mặc dù các quan chức chính phủ đang xúc tiến các cuộc hòa đàm với nhiều nhóm sắc tộc khác nhau, nhưng không có cuộc thảo luận nào như thế với cộng đồng Rohingya. Bất chấp những quan tâm của quốc tế về tình trạng kỳ thị sắc tộc, phe đối lập chính trị ở Myanmar dường như đoàn kết sau lưng Tổng thống Thein Sein về vấn đề người Rohingya, trong khi lãnh tụ đối lập Aung San Suu Kyi đến nay vẫn chưa đưa ra lập trường về vấn đề này.

Hôm 25-10, một đặc sứ nhân quyền Liên Hiệp Quốc kêu gọi Myanmar xem xét lại luật lệ về quốc tịch để giải quyết nguyên do chính yếu đưa tới căng thẳng và thiên kiến.

Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban
Ki-moon thì bày tỏ lo ngại bạo động giữa hai cộng đồng tôn giáo nói trên "đe dọa đến tiến trình cải tổ và mở cửa" của Myanmar. Liên Hiệp Quốc cũng không loại trừ khả năng các hiềm khích ngày càng lớn giữa hai cộng đồng tôn giáo có nguy cơ "dễ bị các phần tử tội ác lợi dụng".

Tình trạng xung đột tôn giáo tại Rakhine không mới, nhưng điều khiến dư luận quốc tế lo ngại là các hành động không tuân thủ luật pháp tràn lan trong khu vực có khả năng đe dọa đến tiến trình dân chủ vừa được bắt đầu ở đây.

Sớm khôi phục hòa bình và ổn định tại bang Rakhine không chỉ góp phần ổn định tình hình đất nước mà còn là bước đi quan trọng của chính phủ dân sự non trẻ của Myanmar để xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư trên toàn thế giới đang hướng về đất nước chùa vàng.

  • Theo Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te