TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Giấc mơ Myanmar của người Myanmar

Trái với những dặn trước mang tính cảnh báo khá chi tiết về thủ tục hải quan, xuất nhập cảnh của công ty du lịch, đón chúng tôi tại sân bay quốc tế mới xây của Myanmar ở Yangon – thành phố thương mại lớn nhất nước này – hôm 28.10.2012 là sự hiện đại và thân thiện, có phần dễ dãi. Tại vị trí làm thủ tục nhập cảnh, camera cố định được sử dụng để tự động chụp hình từng người, còn hiện đại hơn cả Việt Nam, nhưng ở khu vực kiểm tra hành lý, khi người trong đoàn chúng tôi quên đưa hành lý xách tay qua máy quét lại không thấy ai nhắc nhở.

 

Các tăng sĩ Phật giáo ở Yangon phản đối việc tổ chức Hợp tác Hồi giáo mở văn phòng ở Myanmar ngày 15.10.2012. Ảnh: Reuters

Trên đường từ sân bay về khách sạn Yuzana, Yangon như một hình chụp đen trắng cũ kỹ, mới chỉ kịp điểm vài vệt màu sáng theo kiểu của thời chưa có công nghệ ảnh màu. Ngoài vài toà nhà mới mọc, những bảng quảng cáo mới dựng, màu xanh cây lá mới tươi sau cơn mưa, là cơ man những chung cư cũ, ôtô cũ, con người cũ theo nghĩa hầu như phong tục tập quán, tôn giáo của đất nước này vẫn còn được giữ nguyên. Sự thay đổi chỉ mới bắt đầu nhưng với tốc độ nhanh chóng từ năm 2012 này. Việc ban hành các chính sách quan trọng theo hướng tiến bộ đang được tính bằng đơn vị thời gian là tháng chứ không phải bằng những kế hoạch dài hạn tính bằng năm.

Cải cách chính trị,nhìn từ đường phố

Thông tin buộc tôi phải quan tâm là tình hình bạo loạn ở bang Rakhine giữa hai nhóm dân theo đạo Phật truyền thống và đạo Hồi khiến rất nhiều người chết, bị thương, nhà cửa cháy mà chính phủ nước này tuyên bố kiểm soát được tình thế chỉ hai hôm trước. Bởi lẽ, Rakhine mang đến hiệu ứng phụ là các cuộc biểu tình bày tỏ thái độ ủng hộ hay phản đối các bên trên đường phố Yangon. Tất nhiên, ở đất nước có tới khoảng 90% dân số theo đạo Phật, chỉ 4% theo đạo Hồi, tương quan về số lượng, quy mô của các cuộc biểu tình là có thể hình dung. Quyền công dân cơ bản – bày tỏ chính kiến – vừa được chính phủ dân sự, thành lập sau cuộc tổng tuyển cử ngày 7.11.2010, trả lại cho người dân từ 11.10.2011, theo luật “tụ tập và biểu tình hoà bình”.

Trên đường phố trung tâm Yangon, nơi mà người Anh đã khéo quy hoạch một tinh thần tôn giáo đại đồng, đoàn xe cảnh sát chống bạo động với những tấm khiên lớn bao quanh vẫn còn được đặt trong tình trạng sẵn sàng. Điểm khác biệt so với trước đây là cảnh sát chỉ can thiệp nếu có cuộc biểu tình nào đó chuyển chất từ ôn hoà sang bạo động chứ không phải với bất cứ nhóm người bày tỏ nào. Tại Taw win centre – trung tâm thương mại hiện đại bậc nhất Yangon, khách vào mua sắm vẫn phải qua kiểm soát an ninh.

Bất chấp những biểu hiện của việc mất an ninh trong mắt du khách, người dân nước này tỏ ra không lo lắng, có lẽ vì họ đã từng sống trong cảnh an ninh còn đáng ngại hơn thế dưới chính quyền quân sự độc tài cũ. Dù nhiều người đang nắm giữ quyền lực trong chính quyền dân sự mới này là những gương mặt cũ từ thời chính quyền quân sự, cũng như có không ít cáo buộc về tính chất thực sự tự do của cuộc tổng tuyển cử 2010, nhưng luật chơi mới đặt nền tảng cho sự thay đổi. Không chỉ có chuyện người dân được phép biểu tình trong hoà bình, phần lớn tù nhân chính trị, chủ yếu do bất đồng chính kiến, đã được thả. Báo chí được bỏ chế độ kiểm duyệt, không còn bị bắt phải nói theo ý chính quyền nữa mà đã có thể chỉ trích chính sách của nhà nước. Báo chí tư nhân được bộ Thông tin nước này hứa hẹn có thể hoạt động vào năm 2013, còn hiện tại, đề tài trên báo chí nhà nước đã gần gũi với mối quan tâm của người dân hơn. Tuần báo Myanmar Times, bản tiếng Anh, số ra ngày 29.10 – 4.11 đăng kèm một bảng khảo sát nhu cầu bạn đọc với rất nhiều câu hỏi kèm quà tặng hấp dẫn, trong đó có những câu hỏi như “nếu báo chí nhà nước được tư nhân hoá… bạn có sẵn lòng đọc nó?”, “Myanmar Times đang có kế hoạch mở rộng và cải tiến bản online, bạn muốn nội dung của nó như thế nào?”

Không chỉ có báo chí

 

Bán báo dạo trên đường phố Yangon. Người dân sẽ được đọc cả báo chí tư nhân thay vì chỉ là báo chí của nhà nước vào năm 2013.

Tại Myanmar nói chung và thành phố lớn như Yangon nói riêng, nhờ tiếp quản hệ thống giáo dục của Anh thời thuộc địa, đa số người dân biết tiếng Anh. Nhưng không chỉ vì biết tiếng Anh, người dân bản xứ đọc tuần báo mang tính chất đối ngoại này còn vì họ quan tâm đến tình hình chính trị – kinh tế của nước mình. Như cách bắt chuyện của một ông chủ tiệm thuốc tây tại Yangon mà tôi đến mua sáng hôm 29.10, rằng ông biết Chính phủ Việt Nam vừa nhận lỗi trước Quốc hội vì chuyện điều hành kinh tế. Số báo Myanmar Times này có bài tường thuật và bình luận về kỳ họp Quốc hội đang diễn ra ở nước ta. Các sạp báo ở Yangon bán tương đối đa dạng các đầu báo tiếng bản địa nhưng tựa được viết bằng tiếng Anh.

Sự xuất hiện của bà Aung San Suu Kyi, người được trao giải Nobel Hoà bình năm 1991 vì sự nghiệp đấu tranh cho dân chủ trong khi đang bị chính quyền độc tài giam giữ, hiện lãnh đạo đảng đối lập NLD – đảng đã chịu ra tranh cử và giành được 44/45 ghế quốc hội trong cuộc bầu cử bổ sung hồi 1.4.2012, trong đó có ghế hạ viện của mình, đã trở nên bình thường trên các mặt báo, như trên tờ The Nation News Journal, trang nhất, số ra ngày 28.10. Tờ này cũng đăng hình nhà cửa ở bang Rakhine đang cháy vì bạo động với lời chú thích dẫn nguồn từ… Facebook.

Buổi sáng tại các ngã tư, cảnh bán báo dạo cho các tài xế ôtô rất phổ biến và sức mua tương đối tốt dù giá không phải rẻ, khoảng 1.200 kyat (30.000 VND) cho tờ Myanmar Times. Trên đường phố, phổ biến hình ảnh những người bán dạo đạp xe đạp với chồng báo lút đầu phía sau và báo rời bán liền để trong rổ xe phía trước. Kênh thông tin từ internet cũng đã được mở. Tuy có không ít phàn nàn về tình trạng ngăn chặn một số trang nhưng với Facebook – mạng xã hội lớn nhất hành tinh – thì không có vấn đề gì. Du khách nước ngoài có vẻ được ưu ái, trong số các điểm cho phép truy cập wifi miễn phí mà tôi gặp, như tại chùa Shwedagon (chùa Vàng) trung tâm Yangon, có cả chỗ dành riêng cho họ.


Tháng 11.2012
bài và ảnh: Nguyên Lê
Theo SGTT.VN

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te