TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Myanmar: kình đà sắc tộc cản mũi dân chủ

Một vùng đất Hồi giáo trong thành phố cảng Sittwe ở vịnh Bengal của Myanmar giờ đây trở thành khu vực cách ly như nhà tù, thể hiện nguy cơ là sự hồi phục dân chủ gây ấn tượng của Myanmar có thể cùng lúc khơi dậy mối hận thù sắc tộc từ hàng thế kỷ. 

Bạo loạn sắc tộc và tôn giáo

 

Bạo lực tại Myanmar: một người sắc tộc Rakhine phải cầm theo vũ khí tự chế ở Sittwe. 

Người Rohingya ở Sittwe đi lại tự do và thường giao dịch với đa số người dân Rakhine theo Phật giáo cho đến khi xảy ra vụ cưỡng hiếp và giết một phụ nữ Rakhine theo Phật giáo mà thủ phạm được cho là người Hồi giáo ở địa phương. Bạo lực bùng lên…

Xung đột nhanh chóng lan tràn thành bạo loạn, Sittwe bị giới nghiêm từ đó, cùng với một số vùng ở Rakhine, 75.000 người Rohingya phải lánh nạn trong các trại tạm cư.

Từ 22-24.10.12, Mrauk-u, trung tâm du lịch bang Rakhine và thủ đô cũ của vương quốc Arakan, biến thành một chiến trường. Rối ren bắt đầu ở Mrauk-u khi đám đông giết một thương nhân đang bán gạo cho người Hồi giáo.

Các sư sãi Phật giáo dẫn đầu một chiến dịch tẩy chay thương mại. Khayk Marsara, sư trụ trì chùa Dhetkaung, mô tả trách nhiệm tôn giáo là vận động sự phẫn nộ của người dân trước “những nhà buôn tham lam” bán hàng cho người Hồi giáo.

Bên dưới ngôi chùa Shwethaung trên ngon đồi cao nhất của Mrauk-u, một đội quân kiểu Trung cổ với hàng trăm thanh niên chất trên những xe tải, xe máy hay xe ba bánh, tuk-tuk và xe đạp, nhưng phần lớn là đi bộ. Họ mang theo lưỡi lê, kiếm, dao phay, gậy tre, súng cao su, ná và bom xăng. Người Rohingya không được phép rời khỏi các thành phố ở miền Bắc hay các trại tạm cư ở Sittwe.

Hận thù đối với người Rohingya bị thúc đẩy một phần bởi các sư sãi đạo Phật có tư tưởng dân tộc e sợ phần lớn Myanmar bị Hồi giáo hóa.

Ngoài ra, các vị sư dưới sự chỉ huy của Wiseitta Biwuntha tuần hành đòi chính phủ dừng mở một văn phòng liên lạc cho Tổ chức Hội nghị Hồi giáo gồm 57 thành viên có nhiệm vụ giúp đỡ thế giới Hồi giáo viện trợ cho người Rohingya trong các trại tạm cư.

Những người biểu tình thường căng biểu ngữ mô tả Rohingya như là kẻ nhập cư bất hợp pháp và yêu cầu quân đôi không cấm người Rakhine tống khứ người Hồi giáo định cư.

Làn sóng bạo lực cho đến nay làm 89 người chết và thêm 32.000 người khác không nhà. Hình ảnh vệ tinh cho thấy một khu phố Hồi giáo bị phá hủy hoàn toàn trong thành phố biển Kyaukphyu, nơi có đường ống dầu và khí đốt dẫn đến Trung Quốc. 

 

Xung đột sắc tộc Rakhine-Rohingya làm nổi lên làn sóng bạo lực. 

Tranh chấp manh nha từ lâu

Đối với phần lớn người Rakhine, sắc tộc Rohingya không thực sự tồn tại. Họ nói từ Rohingya được dùng từ năm 1951 để chỉ những người Bengali chạy trốn chế độ thực dân Anh. Nhiều người sau đó tiếp bước để tị nạn bất hợp pháp.

Cũng như đối với người Rakhine, cuộc tranh chấp là “do sự xâm lược của người Bengali chiếm đoạt đất đai”. Phía Bắc bang Rakhine, gần biên giới Bangladesh, hết 90% là Hồi giáo, cho dù một qui định của chính phủ hạn chế người Hồi giáo chỉ có 2 con.

Nhiều người Rakhine cũng tức giận chính phủ trung ương, vốn đa số là sắc tộc Burman. Người Rakhine xem mình là nạn nhân của chuỗi xâm lược: bởi người Burman vào năm 1784, người Anh trong thập niên 1820 và người Bengali (ở vùng Bengal, giữa Bangladesh và Ấn Độ) từ đó đến nay.

Phần lớn người Bengali nhập cư là Hồi giáo, điều này làm tăng thêm căng thẳng tôn giáo. Ở Sittwe, nhà văn Augh Kyaw Zan nói rằng, Rakhine “bị kẹp giữa Burman hóa và Hồi giáo hóa”.

Cả hai bên đều phóng đại. Một số người Rakhine khẳng định là không người Rohingya nào đáng là công dân; người Rohingya thì khăng khăng là không có người Bengali nhập cư bất hợp pháp.

Đối với quốc tế, người Rohingya được thông cảm nhưng ít được ủng hộ. Trong quốc gia, lập luận Rakhine thắng thế. Khi độc lập, những người cai trị mới lúc đó là người Myanmar cố gắng hạn chế quyền công dân của những ai ở đất nước này trước năm 1823 và chế độ cai trị của Anh.

Luật Công dân năm 1982 không công nhận người Rohingya như là một nhóm sắc tộc, cho dù những người ở Myanmar ba thế hệ có thể trở thành công dân.

Mùa mưa đã kết thúc nhưng nhiều người Rohingya bị đe dọa tính mạng khi vượt biển. Tuần này hàng chục người chết khi tàu của họ chìm ở Vịnh Bengal. Những người khác cố gắng vượt biên sang Bangladesh.

Những ai còn ở lại trong các thành phố và chưa bị ảnh hưởng bởi bạo lực ở Rakhine nhưng có thể thấy mình bị bạn bè và bà con theo Phật giáo lánh xa. Điều mà cả hai phía đều tin là nhiều rối ren nữa sẽ đến, vào bất cứ lúc nào. 

Đe dọa thành quả kinh tế và dân chủ

Kinh tế Sittwe bắt đầu chập choạng. Sản lượng cá đang giảm do nhiều ngư dân e ngại bạo lực cả ngoài khơi. Hoạt động thương mại qua biên giới với Bangladesh và các bang miền Đông Bắc Ấn Độ cũng xuống do các thương nhân ngừng đi buôn.

Một số tầng lớp trung lưu Rohingya đã rời bỏ những ngành kinh doanh từng một thời phát đạt ở Sittwe. Xung đột cũng đe dọa đầu tư nước ngoài. Cảng Kyaukpyu, nơi mà nhiều người Rohingya trốn tránh những cuộc tấn công bằng tàu thuyền, cũng là điểm khởi đầu một đường ống dầu khí từ Vịnh Bengal sang Trung Quốc.

Phát ngôn viên Hồng Lỗi của Bộ Ngoại giao Trung Quốc tháng rồi cho biết, Trung Quốc hy vọng Myanmar có thể ổn định trở lại.

Tập đoàn Essar của Ấn Độ mô tả tình hình ở bang Rakhine là “trầm trọng”. Essar đang xây dựng dự án một cảng nước sâu ở Sittwe và nạo vét 225 km ở thượng lưu đến thành phố Paletwa, nơi hàng hóa sẽ được chuyển sang xe tải. Từ đây, một dự án xa lộ 140 km chạy đến biên giới Ấn Độ. Trên lý thuyết, các dự án mở ra con đường đến phần còn lại của Ấn Độ và băng qua khu vực giữa Bhutan và Bangladesh.

Võ Phương (THE ECONOMIST, WSJ)
Sài Gòn Tiếp Thị

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te