TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Việt – Nga: quan hệ đối tác chiến lược và đặc biệt

Mới đây, một số lãnh đạo Nga đã tuyên bố như thế và đích thân Tổng thống Nga Putin đã chủ động nâng cấp quan hệ Nga – Việt lên hàng top 5 sau bốn nước trong nhóm BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi).

Còn Thủ tướng Medvedev trước khi sang Hà Nội đã tuyên bố chính thức dành cho Việt Nam những chương trình hợp tác mà nước Nga hầu như chưa cho phép đối tác nước ngoài nào tham gia. Và như vậy, quan hệ Việt – Nga thực sự bao hàm những chất lượng mới, mang tính bền vững.

 

Tổng thống Putin ngồi trên một chiếc máy lượn dạng tam giác có gắn động cơ tại quận Yamalo – Nenets, Siberia, nơi phong phú về tài nguyên. Ảnh: lapatilla.com

Xét về cơ bản, Liên bang Nga hợp tác với CHXHCN Việt Nam nhằm tận dụng những ưu thế cực lớn của hai nước trên Biển Đông chẳng khác gì việc Hoa Kỳ hậu thuẫn cho Philippines. Tuy nhiên, có thể thấy rằng hiện Nga thực sự mới ở giai đoạn đầu của quá trình triển khai các lợi ích của mình ở Đông Nam Á nói riêng và trên tầm toàn cầu nói chung.

Việc Nga đang có nhiều lợi ích chung với Trung Quốc cũng khiến Nga không thể hiện thái độ được nhiều trên Biển Đông. Dưới sự lãnh đạo của Putin và việc Nga đã thành lập bộ Phát triển Viễn Đông, có thể nhận định Moscow sẽ tiếp tục chú trọng phát triển chính sách hướng Đông. Và để chính sách này tiến hành tốt, Nga cần một môi trường ổn định cả trong nước lẫn quốc tế.

Ngoài thúc đẩy giá trị thương mại lên 7 tỉ USD vào năm 2015, Thủ tướng Medvedev nói Nga sẵn sàng mở rộng quy mô và khối lượng hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực kỹ thuật – quân sự và tiếp tục đào tạo chuyên gia cho Việt Nam.

Nga với Biển Đông

Một tờ báo mạng có uy tín tại Nga cũng đã phân tích những căng thẳng đã/đang xảy ra trên Biển Đông, kèm theo lời “cảnh báo” rằng, trong trường hợp Trung Quốc lấn lướt quá, nước này sẽ gặp phản ứng không chỉ từ phía Việt Nam, mà cả từ Nga và Hoa Kỳ.

Qua đó, có thể thấy rằng một mặt, Nga và Trung Quốc hiện vẫn đang là hai đối tác quan trọng của nhau và có sự phối hợp chặt chẽ trên nhiều hồ sơ quốc tế, đặc biệt là trong vấn đề Syria và Iran, nhưng mặt khác, Moscow lại đang nhìn nhận sự trỗi dậy của Bắc Kinh ở châu Á – Thái Bình Dương với một thái độ nghi ngờ và lo ngại về vị thế của mình. Duy trì mối quan hệ đối tác “chiến lược và đặc biệt” mang tính xây dựng đối với Việt Nam tại Biển Đông sẽ là lợi thế cho cả Nga lẫn Việt Nam.

Theo Thủ tướng Medvedev, những năm gần đây, lĩnh vực hợp tác kỹ thuật – quân sự giữa hai nước Nga – Việt có nhiều bước tiến đáng kể. Kỳ này, ông đã thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam về triển vọng cung cấp khí hoá lỏng tự nhiên từ các xí nghiệp miền Đông Siberia và Viễn Đông.

Ông cho biết thêm bên cạnh năng lượng, những lĩnh vực hợp tác triển vọng giữa hai nước là chế tạo máy và hợp tác kỹ thuật – quân sự. Mới đây, trong một phát biểu tại dinh Novo Ogarevo, Tổng thống Putin đã cụ thể hoá khái niệm “nâng cấp quan hệ Nga – Việt”.

Theo tổng thống, đây không chỉ là quan hệ buôn bán đơn thuần mà còn là hợp tác trong các lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D), sản xuất và chế tạo, thành lập các trung tâm dịch vụ và bảo hành các loại vũ khí, thiết bị quân sự, hợp tác với nhau trong việc xuất khẩu các thiết bị này sang các nước thứ ba.

Trần Hiếu Chân
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te