TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Dàn hòa ca Myanmar tại Mỹ

Hai đại diện tiêu biểu của Myanmar được đón tiếp tại Mỹ, bộc lộ rõ ý đồ phương Tây cố gắng để đưa bà San Suu Kyi lên nắm quyền ở Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi đang thăm nước Mỹ trong chuyến thăm kéo dài 17 ngày, bắt đầu từ ngày 18/9. Bà đã được nước Mỹ trải “thảm đỏ” đón tiếp theo đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Bà được hầu hết các nhà lãnh đạo chính phủ cũng như Quốc hội Mỹ tiếp đón nồng nhiệt. Bà Suu Kyi đã được Tổng thống Barack Obama và được Quốc hội Mỹ trao tặng huy chương vàng.


Bà Aung San Suu Kyi nhận Huân chương Vàng ở Mỹ

Mỹ thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa quân đội Myanmar

Bà Suu Kyi đã yêu cầu các nước phương Tây và trước hết là Mỹ giảm bớt các biện pháp cấm vận đối với Myanmar. Trong một hành động có tính toán, nhằm nâng cao hình ảnh của bà Suu Kyi, một ngày sau khi San Suu Kyi đặt chân đến Mỹ, chính quyền Obama đã tuyên bố hủy lệnh cấm vận đối với Tổng thống Myanmar Thein Sein và một số quan chức cấp cao khác của Myanmar. Việc ông Thein Sein được phép tới Mỹ thể hiện tính thực dụng trong chính sách của Mỹ.

Bình luận về sự kiện này, Đài Tiếng nói nước Nga cho rằng Myanmar rất quan trọng với phương Tây vì trước hết nước này có vị thế chiến lược trong khu vực. Năm 1988, Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt nghiêm khắc với Myanmar. Với việc này, Mỹ đã đánh mất vị trí ảnh hưởng vào tay Trung Quốc. Mỹ tạo điều kiện cho Trung Quốc nắm được con đường thông qua Myanmar tới Ấn Độ Dương. Vì vậy, để giành lại lợi thế, Mỹ đang ve vãn cả phe đối lập lẫn chính phủ Myanmar”. Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Mỹ và Canada Pavel Zolotarev nói: “Mỹ hành động như vậy là vì lợi ích địa chính trị của họ, liên quan đến cuộc đối đầu với Trung Quốc, với những nỗ lực kiềm chế sức mạnh ngày càng tăng của Bắc Kinh. Sự thay đổi thái độ của Mỹ đối với Myanmar là để phục vụ lợi ích địa chính trị của họ, chứ không phải là phần thưởng cho sự tiến bộ dân chủ ở Myanmar”.

Theo nguồn tin từ Thời báo Tài chính (Anh), các quan chức quốc phòng Mỹ và Myanmar đã có nhiều cuộc đàm phán bí mật về triển vọng thiết lập lại các chương trình đào tạo và trao đổi quân sự với Myanmar. Các cuộc đàm phán an ninh có đại diện quân sự cũng như quan chức quốc phòng dân sự của cả hai bên, bao gồm cả các quan chức Mỹ, từ tham mưu trưởng liên quân đến nhân sự trong các văn phòng của trợ lý Bộ Quốc phòng Mỹ.

Động thái trên diễn ra sau khi có sự mở cửa khá nhanh chóng dưới thời chính quyền của Tổng thống Thein Sein và Mỹ lo ngại mối quan hệ gắn bó của Myanmar với Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Các cuộc đàm phán ban đầu giữa Mỹ và Myanmar tập trung vào những đề nghị về đào tạo phi quân sự, ví dụ như tại các viện nghiên cứu, và trao đổi các chuyến viếng thăm ở cấp chỉ huy. Một nguồn tin cho biết cả Mỹ và Myanmar đều muốn thực hiện một số đào tạo song phương trực tiếp. Sau giai đoạn khởi đầu, hai bên sẽ tiến hành các chuyến viếng thăm ở mức cao cấp và toàn diện hơn, có thể theo xu hướng đối tác toàn diện hoặc thậm chí là đối tác chiến lược sau năm 2015, tùy thuộc vào bầu cử năm 2015.

Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) của Mỹ trong một báo cáo mới đây đã thúc giục Mỹ can dự với quân đội Myanmar. Sau các cuộc thảo luận với giới quan chức Myanmar, nhóm làm việc của CSIS cho biết quân đội Myanmar muốn trở thành một lực lượng chuyên nghiệp, từ bỏ vai trò thống trị trong chính trị và tập trung vào vấn đề an ninh quốc gia. Để được như vậy, các nhà lãnh đạo quân sự Myanmar cho rằng việc tăng cường đào tạo là cần thiết, đặc biệt trong số các sỹ quan trẻ. Giới quân sự Myanmar cho biết họ tin tưởng vào tính chuyên nghiệp của quân đội Mỹ và muốn nhận được sự hỗ trợ về đào tạo từ Mỹ càng nhiều càng tốt. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Myanmar, Tướng Hla Min vừa tuyên bố quân đội sẵn sàng cải tổ khi thời điểm thích hợp.

Tổng thống Thein Sein với chuyến thăm lịch sử tới Mỹ

Chuyến thăm Mỹ của bà San Suu Kyi đã mở đường cho Tổng thống Thein Sein thăm Mỹ trôi chảy hơn, bắt đầu ngày 24/9. Ông Thein Sein mong muốn thúc đẩy việc Mỹ chấm dứt các lệnh trừng phạt đối với Myanmar và mở ra một chương mới trong quan hệ giữa Oasinhtơn và Nâypiđô – một động thái địa-chính trị/kinh tế chiến lược cho cả hai bên.

Ông Thein Sein sẽ tham dự khóa họp Đại Hội đồng Liên hợp quốc và được cho là sẽ phác thảo các kế hoạch cho tương lai của Myanmar. Chuyến thăm được coi là có thể làm tan băng đáng kể mối quan hệ Myanmar-Mỹ. Cái đích ông Thein Sein nhắm tới là sự hợp tác và giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.

Tại Mỹ, Tướng Thein Sein đã làm hai việc khác thường. Thứ nhất, trong bài phát biểu của mình tại Đại Hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Thein Sein đã chúc mừng bà Suu Kyi nhận Huân chương Vàng của Quốc hội Mỹ: “Với tư cách là một công dân Myanmar, tôi xin chúc mừng bà về những kính trọng mà bà ấy đã nhận được cho các nỗ lực vì dân chủ”... Đây được cho là những lời lẽ nồng nhiệt nhất của một nhà lãnh đạo chính trị có nguồn gốc quân sự.

Thứ hai, trong cuộc trả lời phỏng vấn với chương trình Hardtalk của BBC, ông Thein Sein khẳng định sẽ chấp nhận bà Aung San Suu Kyi làm tổng thống nếu người dân bỏ phiếu cho bà. Ông nói: “Việc bà ấy trở thành nhà lãnh đạo đất nước phụ thuộc vào ý chí của người dân. Nếu người dân chấp nhận bà, thì tôi cũng sẽ phải chấp nhận bà”. Tuy nhiên, ông Thein Sein nói thêm rằng quân đội, vốn vẫn nắm giữ nhiều ghế trong Quốc hội, sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong nền chính trị đất nước.

Vấn đề quan trọng nhất đối với ông Thein Sein trong chuyến công du lần này là thuyết phục Mỹ xóa bỏ lệnh cấm vận đối với hoạt động nhập khẩu của Myanmar, điều có thể mở đường cho hoạt động đầu tư nhiều hơn nữa của nước ngoài vào Myanmar. Đa số các lệnh trừng phạt đã được đình chỉ hoặc dỡ bỏ, nổi bật nhất là việc Mỹ ngày 26/9 đã quyết định nới lỏng lệnh cấm nhập khẩu hàng hóa từ Myanmar, chấm dứt lệnh cấm vận thương mại quan trọng cuối cùng. Tháng 4, EU đã đình chỉ tất cả các lệnh trừng phạt của mình, song, cũng như Mỹ, chưa xóa bỏ hoàn toàn bởi còn muốn duy trì áp lực đối với chính quyền dân sự chịu ảnh hưởng lớn của phái quân sự.

Nước Mỹ và phương Tây đang dọn đường cho bà San Suu Kyi lên cầm quyền vào năm 2015. Một chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga nhận xét: “Phương Tây sẽ làm bất cứ điều gì để thúc đẩy bà trở thành nhà lãnh đạo quốc gia tiềm năng này. Chưa thể nói phe đối lập đã giành được quyền lực, nhưng trong tương lai, tất nhiên, đây sẽ là quân át chủ bài của Mỹ. Họ sẽ cố gắng để đưa bà ta lên nắm quyền. Vì vậy, đây sẽ là một đòn nữa giáng vào Trung Quốc”.

Ông Thein Sein đã tung ra quả bóng “ủng hộ” bà Suu Kyi lên ngôi cao quyền lực “nếu dân chúng ủng hộ”, có thể nhằm dọn đường cho dư luận trong nước, tranh thủ sự ủng hộ của các lực lượng đối lập, nhưng trước hết là thực hiện “ngoại giao tâm công” (đánh vào lòng người) đối với phương Tây. Chỉ còn hơn hai năm, thời gian quá ít, với nhiều nước chảy qua cầu. Quá trình chuẩn bị cũng khó mà đốt cháy giai đoạn. Trong khi tuổi tác và sức khỏe đang là hai kẻ đối lập tuyệt đối của bà “San Suu Kyi” cũng như của cả Mỹ và phương Tây nữa./.

Nguyễn Nguyên
Theo Tổ Quốc


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te