TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung Quốc sôi sục trước thách thức của Nhật

Nhật Bản hôm qua (2/9) tiếp tục thách thức Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Senkaku/Điếu Ngư bằng việc thực hiện một chuyến đi khảo sát đến quần đảo này. Hành động mới nhất của Nhật Bản đang khiến Trung Quốc sôi sục vì tức giận.
 
Một phái đoàn gồm 25 người do Thị trưởng thành phố Tokyo – ông Shintaro Ishihara phái đi đã rời cảng Ishigaki thuộc Okinawa tối hôm 1/9 và đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư vào sáng sớm ngày hôm qua (2/9). Ông Ishiara chính là người trước đây tuyên bố muốn mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ những chủ sở hữu tư nhân để khẳng định chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo này và để xây dựng một cảng nhỏ cho các tàu đánh bắt cá ở đây.
 
Theo đài truyền hình Nhật Bản, phái đoàn gồm 25 người nói trên đã ở trên tàu của họ để thực hiện các hoạt động khảo sát, thăm dò đường bờ biển cũng như vùng lãnh hải xung quanh các hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Nhóm này đã không đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do không nhận được sự cho phép của chính phủ Nhật Bản.
 
“Ngắm nhìn quần đảo Senkaku trực tiếp bằng mắt của mình khác xa so với nhìn nó trên một chiếc bản đồ”, ông Seiichiro Sakamaki – một quan chức thành phố Tokyo dẫn đầu đoàn khảo sát, đã phát biểu như vậy trên đài truyền hình Nhật Bản.
 
“Chúng tôi có thể đánh giá rõ được quy mô và diện tích của quần đảo Senkaku. Thị trưởng muốn xây dựng một cảng nhỏ ở đây. Chúng tôi muốn khảo sát nó để thực hiện kế hoạch của mình”, ông Sakamaki cho biết.
 
Chuyến đi khảo sát của phái đoàn Nhật Bản nói trên là diễn biến mới nhất trong một loạt những diễn biến căng thẳng gần đây giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông. Chuyến đi này cũng là hành động thách thức mới nhất của Nhật Bản đối với Trung Quốc trong cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.
 
Bắc Kinh phản ứng
 
Chuyến đi khảo sát mới nhất của phái đoàn Nhật Bản không thể không khiến Bắc Kinh nổi điên bởi Tokyo rõ ràng đã thể hiện, họ không ngại đối đầu với nước láng giềng Trung Quốc và vẫn tiếp tục ngạo nghễ thách thức nước này.
 
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua cho biết, họ đã chính thức bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với chuyến đi khảo sát của một số người Nhật Bản đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
"Phía Trung Quốc tái khẳng định rằng, bất kỳ hành động đơn phương nào của phía Nhật Bản trên quần đảo Điếu Ngư đều là bất hợp pháp, vô giá trị và sẽ không thay đổi được thực tế rằng, quần đảo Điếu Ngư và những hòn đảo nhỏ quanh đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố.

Báo chí Trung Quốc cũng lên tiếng chỉ trích chuyến đi khảo sát của phái đoàn Nhật Bản, nói rằng đó là hành động “bất hợp pháp” đồng thời miêu tả động thái của Nhật Bản là “sự khiêu khích mới nhất”. “Để ngăn chặn những hành động khiêu khích như thế và giảm căng thẳng trong khu vực, chính phủ Nhật Bản nên tránh để những người cánh hữu làm ảnh hưởng đến họ và nên xử lý các vấn đề liên quan vì lợi ích toàn cục trong mối quan hệ Trung-Nhật”, một bài báo trên Tân Hoa xã đã viết như vậy.
 
Cả Bắc Kinh và Tokyo đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, còn Nhật Bản thì gọi là Senkaku. Cuộc tranh chấp này là nguyên nhân chính dẫn đến mối quan hệ thường xuyên căng thẳng giữa hai nước láng giềng Trung Quốc và Nhật Bản trong nhiều thập kỷ nay.
 
Cuộc khủng hoảng mới nhất trong quan hệ giữa hai cường quốc Châu Á hàng đầu bắt đầu được khơi mào từ sự kiện hôm 15/8 khi một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc xông lên cắm cờ của họ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với mục đích “khẳng định chủ quyền của Trung Quốc” đối với vùng lãnh thổ này. Ngay lập tức, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã đáp trả bằng cách đâm thủng tàu Trung Quốc và bắn súng vòi rồng vào con tàu này. Nhật Bản còn tiến hành bắt giữ toàn bộ 14 nhà hoạt động Trung Quốc.
 
Tiếp đó, Nhật Bản cũng đáp trả bằng một chuyến đổ bộ và cắm cờ lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku của một số nhà hoạt động và tiến hành tập trận chung với Mỹ.
 
Chuyến đi trên của Nhật Bản vấp phải phản ứng mạnh mẽ của phía Trung Quốc. Trong khi chính phủ Trung Quốc không ngớt lời chỉ trích Nhật Bản thì người dân Trung Quốc cũng đổ ra đường biểu tình, đập phá các xe hơi và nhà hàng Nhật Bản. Tướng diều hâu La Viện của Trung Quốc còn kêu gọi nước này phái 100 tàu đến bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư. Tờ Thời báo Hoàn cầu số ra ngày 20/8 đã cảnh báo: “Nhật Bản sẽ phải trả giá về những hành động của họ... và hậu quả sẽ tồi tệ hơn họ dự đoán rất nhiều”. Mới đây, hồi cuối tháng 8, xe của Đại sứ Nhật Bản tại thủ đô Bắc Kinh còn bị những kẻ quá khích tấn công.
 
Những diễn biến trong thời gian qua trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư khiến nhiều người lo ngại, nghĩ đến viễn cảnh một cuộc chiến tranh sẽ nổ ra. Nhiều nhà phân tích nhận định, nếu một cuộc chiến xảy ra, Trung Quốc chưa chắc đã có lợi thế mà thậm chí còn có thể thất bại trước Nhật Bản.

 

Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo VNMedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te