Không chỉ hỗ trợ tiền để ngư dân đánh cá trái phép lâu dài, Trung Quốc còn liên tục mời thầu khai thác dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam.
Tổng công ty dầu khí xa bờ quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đang tìm cách mời các công ty nước ngoài đấu thầu 26 lô dầu khí với tổng diện tích 73.754 km2, trong đó có 22 lô ở biển Đông và lô 65-12 chỉ cách đảo Cây, thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chưa đầy 3 hải lý (gần 6 km). Ngày 31.8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị nhấn mạnh việc Trung Quốc mời thầu quốc tế tại lô dầu khí 65/12 đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa. TTXVN trích lời ông Lương Thanh Nghị yêu cầu Trung Quốc hủy bỏ ngay việc mời thầu quốc tế lô dầu khí này.
Lược đồ một số lô trong 26 lô dầu mà CNOOC đang mời thầu - Đồ họa: Hoàng Đình - Ảnh: CNOOC |
Trong khi đó, Reuters dẫn đánh giá của giới phân tích cho hay đây là đợt mời thầu lớn nhất của CNOOC về số lượng lô dầu khí kể từ thập niên 1990. Điều này chứng minh CNOOC đang muốn đẩy mạnh khai thác do sản lượng dầu tăng chậm. Cách đây khoảng 2 tháng, CNOOC ngang nhiên mời thầu phi pháp 9 lô dầu khí nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Khi đó, Việt Nam cũng đã lên tiếng phản đối và yêu cầu CNOOC hủy mời thầu. Cũng vào thời điểm trên, các chuyên gia quốc tế đã đánh giá Bắc Kinh sẽ còn đẩy mạnh hơn nữa hành động gây lo ngại trên biển Đông.
Mưu đồ lâu dài
Việc mời thầu phi pháp các lô dầu khí thuộc chủ quyền Việt Nam chỉ là một phần trong chiến lược thâu tóm biển Đông mà Trung Quốc đề ra. Ngày 31.8, tờ The Straits Times đưa tin chính phủ Trung Quốc cung cấp tiền trợ giúp các ngư dân nước này để đánh bắt trái phép tại các vùng biển tranh chấp trên biển Đông. Thậm chí, ngư dân Trung Quốc còn đánh bắt trái phép tại khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hành động này nhằm theo đuổi chiến lược “mưa dầm thấm đất” để Bắc Kinh độc chiếm biển Đông, chứ không đơn thuần là hỗ trợ ngư dân mưu sinh. Theo đó, những ngư dân làng chài Đàm Môn, phía đông đảo Hải Nam, cho biết họ nhận được các khoản trợ cấp nhiên liệu hàng năm dựa trên công suất tàu. Cụ thể, vào năm ngoái, ngư dân Trần Nghị Tân nhận được khoảng 400.000 nhân dân tệ (khoảng 63.000 USD) cho chiếc tàu 750 mã lực; ngư dân Phó Minh Khang được khoảng 300.000 nhân dân tệ (khoảng 45.000 USD) cho tàu 600 mã lực. Ngoài ra, mỗi chủ tàu còn nhận được khoảng 5.000 nhân dân tệ (gần 800 USD) cho mỗi chuyến đánh bắt trái phép tại biển Đông. Các quan chức Trung Quốc còn thường xuyên đến thăm làng Đàm Môn để thúc giục ngư dân đánh bắt trái phép tại Trường Sa thuộc Việt Nam.
|
Tờ The Straits Times dẫn lời chuyên gia hàng hải họ Chương tại Singapore nhận định Trung Quốc đang đẩy ngư dân mạo hiểm đến vùng biển tranh chấp. Ông Chương còn cho rằng hành động trên sẽ khiến căng thẳng trong khu vực càng tăng cao.
Đài Loan lại xâm phạm chủ quyền Việt Nam Ngày 31.8, các quan chức đứng đầu Hội đồng an ninh, Cơ quan Nội vụ và Lực lượng tuần duyên Đài Loan ngang nhiên đến thăm đảo Ba Bình, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Đài Bắc chiếm đóng. AFP ngày 1.9 dẫn thông cáo từ Hội đồng an ninh Đài Loan cho hay các quan chức trên đã đến thăm lực lượng đồn trú trái phép ở Ba Bình để “tuyên bố chủ quyền” đối với Trường Sa. Thời gian qua, Đài Loan liên tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền Việt Nam tại Trường Sa. Minh Trung
Ngoại trưởng Mỹ công du nam Thái Bình Dương Hôm qua, AFP dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố Washington sẽ duy trì hoạt động lâu dài tại nam Thái Bình Dương; đồng thời khẳng định khu vực này đủ rộng lớn cho một Trung Quốc đang trỗi dậy. Phát biểu trên được bà Clinton đưa ra khi đến thăm quần đảo Cook và dự Hội nghị thượng đỉnh nam Thái Bình Dương diễn ra tại nước này. Bà Clinton công bố những dự án viện trợ mới với tổng trị giá 32 triệu USD cho khu vực nam Thái Bình Dương. Đây là một phần trong khuôn khổ chuyến công du 6 nước của Ngoại trưởng Clinton từ ngày 31.8 - 9.9. Trước đó, giới chức ngoại giao Mỹ thông báo vấn đề biển Đông sẽ trở thành một phần quan trọng của nghị trình tại các điểm đến. Ngoài ra, giới quan sát nhận định một trong các mục tiêu của chuyến thăm là nhằm kiềm chế sự ảnh hưởng của Bắc Kinh ở nam Thái Bình Dương. Bích Huệ
Lê Loan - Văn Khoa/ Thanh Niên