Sau nhiều lần chạy thử, Trung Quốc có thể phải đợi một thời gian dài để chính thức triển khai hàng không mẫu hạm đầu tiên của nước này.
Tháng 8.2011, báo giới Trung Quốc hoan hỉ loan tin chiếc hàng không mẫu hạm (HKMH) đầu tiên của nước này - tàu Varyag (mua lại từ Ukraine) - bắt đầu hải trình chạy thử nghiệm đầu tiên, sau hơn 80 năm ấp ủ. Sự hào hứng của Bắc Kinh được tiến sĩ Andrew S.Erickson (Trường Chiến tranh Hải quân - Mỹ) ví von: “Như cặp vợ chồng son mong mỏi có nhà mới, Trung Quốc muốn chiếc HKMH đầu tiên này sẽ là xuất phát điểm khẳng định vị thế siêu cường mới nổi. Giấc mơ HKMH đã thành sự thực và là bước đi đầu tiên trên con đường thiên lý làm thay đổi Hải quân Trung Quốc lẫn vị thế nước này trên trường quốc tế”.
|
Tháng 7.2012, tàu Varyag cập cảng thành phố Đại Liên sau hải trình chạy thử lần thứ 9. Một vài nhà nghiên cứu quân sự Trung Quốc vẫn lạc quan dự báo Varyag sẽ được đưa vào hoạt động trong năm nay. Tuy nhiên, chính lần này, các quan chức cấp cao trong quân đội Trung Quốc đã ra sức hạ nhiệt sự phấn khích đó, khi khẳng định con tàu 60.000 tấn Varyag vẫn còn lâu mới có thể sẵn sàng hoạt động và sẽ còn rất nhiều hải trình chạy thử khác, theo Reuters. Báo chí Trung Quốc cũng dẫn lời đại tá Lâm Bạch, thuộc Tổng cục Vũ trang của nước này, nói: “Vạn Lý Trường Thành đâu thể được xây dựng trong một ngày”.
Trao đổi với PV Thanh Niên, các chuyên gia quốc tế đều có chung nhận định: Varyag còn thiếu rất nhiều điều kiện tiên quyết để trở thành tàu chiến thực thụ: máy bay tiêm kích, vũ khí, thiết bị điện tử cũng như những hỗ trợ huấn luyện và hậu cần.
Phải mất nhiều năm
Các chuyên gia nhận định: Trung Quốc sẽ phải mất “nhiều năm” để có thể hoàn thiện HKMH Varyag. Theo đó, Varyag chỉ có thể đi vào hoạt động với một hệ thống được vận hành tối đa, các chiến đấu cơ được thử nghiệm hoàn chỉnh cũng như hệ thống trực thăng đầy đủ khả năng cảnh báo trên không kết hợp chống tàu ngầm. Đó là chưa kể bộ máy nhân sự còn quá nhiều điều phải học về kỹ năng vận hành: từ những kỹ năng tổng quát cho đến cụ thể nhất như bay, bảo trì, huấn luyện…
Câu hỏi đặt ra ở đây là: Trung Quốc cần cụ thể bao nhiêu năm để có thể hoàn tất hết những phần việc dở dang đó?
TS Carlo Kopp, nhà đồng sáng lập nhóm tư vấn quân sự độc lập Air Power Australia (Úc), nói với PV Thanh Niên: “Rất khó để có thể đưa ra con số dự báo chính xác cụ thể về mốc thời gian Trung Quốc sẽ hoàn tất những nhiệm vụ trên đối với tàu Varyag. Giới chức quân đội nước này vốn rất kín kẽ với báo chí. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy, trong những năm 1980, các nước Xô Viết mất khoảng 10 năm cho những phần việc trên”. Đồng quan điểm, ông Sam Roggeveen, nghiên cứu sinh Viện Chính sách quốc tế Lowy (Úc), nhận định: “Bắc Kinh có quá nhiều thứ để bắt đầu từ con số 0, từ việc xây dựng lực lượng chiến đấu cơ cho đến việc cất cánh chúng từ tàu sân bay, chuyển đổi công năng của con tàu Varyag hoàn toàn thành một HKMH thực thụ…, tất cả đều hoàn toàn không dễ dàng. Mỹ, Anh hay Pháp phải mất nhiều thế hệ để hoàn tất hết những phần việc này; trong khi Trung Quốc đang mò mẫm từ đầu. Dù Bắc Kinh có thể trang bị cho Varyag một số công năng bước đầu, nhưng để hoàn thiện công năng như các HKMH đã ra đời trước thì có lẽ phải mất thêm một thập niên hay thậm chí là hơn thế nữa”.
Vì vậy, theo các chuyên gia, với việc Trung Quốc dự tính đưa tàu Varyag vào vận hành trong năm 2015, có thể thấy công năng của nó sẽ bị giới hạn trong nhiệm vụ huấn luyện và nghiệm thu. Reuters cũng dẫn nguồn các trang web không chính thức của Trung Quốc nói rằng Bắc Kinh dự định đóng chiếc HKMH nội địa đầu tiên tại căn cứ đóng tàu Trường Hưng, thuộc xưởng đóng tàu Giang Nam, nằm gần Thượng Hải. Tuy nhiên, giới phân tích nghiên cứu các hình ảnh vệ tinh các xưởng đóng tàu Trung Quốc đều không tìm thấy bất cứ bằng chứng nào cho thấy công việc đóng tàu nói trên sắp diễn ra.
“Còn nhiều việc phải làm”
TS Kopp cũng cho rằng đến nay có quá ít thông tin về việc có bao nhiêu hệ thống điện tử, bao gồm radar, các thiết bị liên lạc cũng như những công cụ hỗ trợ điều khiển đã được lắp đặt và thử nghiệm trên tàu Varyag. Đồng thời, rất khó biết được tiến độ thử nghiệm hệ thống tương thích điện từ trên tàu, vốn có công năng thẩm tra không xảy ra nhiễu sóng điện tử giữa các hệ thống trên tàu với nhau. “Rõ ràng là Trung Quốc còn nhiều việc phải làm”, TS Kopp kết luận.
Tàu Varyag thiếu bệ phóng để giúp các chiến đấu cơ cất cánh. Và theo các chuyên gia, điều này sẽ giới hạn các loại máy bay được sử dụng. Ngoài ra, tàu Varyag chưa sở hữu lực lượng chiến đấu cơ và trực thăng hiệu quả trong cảnh báo và chống tàu ngầm. Đồng thời, Trung Quốc chưa hoàn thiện chiến đấu cơ J-15, phiên bản của dòng Sukhoi Su-33 do Nga sản xuất, dùng cho HKMH. Bắc Kinh đã nhập khẩu và sản xuất các phiên bản chiến đấu cơ của Moscow, nhưng theo giới chuyên gia thì quá trình chuyển đổi phần mềm không lưu, điện tử, vũ khí, radar và sườn máy bay rất phức tạp và tốn kém.
Trao đổi với PV Thanh Niên, Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc, cho rằng Trung Quốc có thể sẽ đồn trú tàu Varyag ở căn cứ hải quân trên đảo Hải Nam để tăng cường kiểm soát biển Đông. “Nhưng động thái này sẽ đặt con tàu vào vị trí rất dễ bị tấn công bởi tàu ngầm và hỏa tiễn”, GS Thayer nói. Về khả năng chống tàu ngầm của HKMH Varyag, TS Kopp cho rằng loại trực thăng hạng nặng thích hợp nhất cho Varyag có thể là chiếc Z-8 Super Frelon, phiên bản của một dòng trực thăng mà hải quân Pháp từng sử dụng suốt nhiều năm qua. Theo TS Kopp, Z-8 Super Frelon đủ lớn để mang theo nhiều năng lượng, thiết bị cảm biến (sensors), phao âm nhằm phát hiện tàu ngầm và ngư lôi. Ngoài ra, tàu Varyag sẽ được bảo vệ bởi các hộ tống hạm chống tàu ngầm.
TS Kopp kết luận: “Việc tiên đoán chính xác thời điểm hoạt động cụ thể của tàu Varyag có thể sẽ rõ hơn khi chiến đấu cơ J-15 được vận hành thử. Tuy nhiên, cần nhớ là để đối trọng tương xứng với Trung Quốc về mặt chiến thuật, chỉ có Mỹ mới đủ tầm có những trang thiết bị hiện đại tương ứng”.
Giấc mơ 80 năm Sở hữu một chiếc HKMH cho riêng mình đã trở thành nỗi ám ảnh của Bắc Kinh từ năm 1928, khi tướng hải quân Quốc dân đảng Trần Thiệu Khoan đã đề nghị mua HKMH nhưng bị Tưởng Giới Thạch khước từ. Năm 1945, họ Trần lại đề cập vấn đề trên nhưng bị gác bởi tình hình chiến tranh. Vào thập niên 1980, Bắc Kinh đặt mục tiêu bằng mọi giá phải có được một chiếc HKMH. Năm 1998, một doanh nhân Trung Quốc mua lại tàu Varyag từ Ukraine với mục đích “chỉ để mở sòng bài”, nhưng sau đó nó lại được cải biến thành HKMH. Lúc sinh thời, đô đốc Lưu Hoa Thanh, cha đẻ của hải quân Trung Quốc thời hiện đại, nói: “Tôi sẽ chết mà không thể nhắm mắt nếu chưa tận mắt chứng kiến một chiếc HKMH trước mắt mình”. Ông Lưu mất hồi cuối năm 2010, trong khi việc đặt tên cho HKMH trên vẫn chưa được thống nhất. Trước đây, từng có ý kiến đề nghị chiếc Varyag sẽ mang tên Thi Lang, một tướng hải quân đời nhà Thanh. Mới nhất, khi Bắc Kinh và Tokyo hồi tháng trước căng thẳng quanh tranh chấp nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư, tướng về hưu của hải quân Trung Quốc là ông La Viện kêu gọi HKMH đầu tiên của nước này nên được đặt tên là Điếu Ngư, theo Reuters. |
An Điền
Theo Thanh Niên