TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Hồ sơ cụm tàu sân bay chiến đấu Trung Quốc

Trung Quốc có lẽ đã hoàn thành những bước chuẩn bị cơ bản và đầy đủ nhất cho việc hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay.

 "Cuộc cách mạng" trong lòng đại dương

Trong biên chế của nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ, lúc nào cũng có sự hiển diện đi đầu của ít nhất một tàu ngầm hạt nhân chiến lược lớp Ohio. Nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc cũng không phải là một ngoại lệ.

Tàu ngầm hạt nhân chiến lược, vừa là vũ khí răn đe hạt nhân vừa là “con mắt” bao quát và bảo vệ phía trước cho tàu sân bay.

Cuối những năm 1980, Trung Quốc đã phát triển thành công tàu ngầm hạt nhân đầu tiên Type-091. Tuy nhiên loại tàu ngầm này không có khả năng  trang bị tên lửa đạn đạo liên lục địa.

Tiếp nối thành công, Trung Quốc tiếp tục phát triển thành công tàu ngầm hạt nhân tiến công Type-093. Tàu ngầm này được trang bị hệ thống tên lửa chống tàu và ngư lôi hạng nặng cho nhiệm vụ tấn công và bảo vệ tàu sân bay.

Như vậy, Trung Quốc đã hoàn thành về cơ bản việc hình thành lực lượng “con mắt” dưới nước cho nhóm tác chiến tàu sân bay.

Mở rộng và hoàn thiện khả năng phòng không hạm đội

Việc bảo vệ tàu sân bay cũng như  nhóm tác chiến tàu sân bay trước các cuộc tấn công từ trên không có ý nghĩa sống còn đối với nhóm tác chiến này. 

Đội ngũ tàu khu trục có nhiệm vụ tác chiến và bảo vệ tàu sân bay trước cuộc tấn công của đối phương. Thông thường có từ 3-4 tàu khu trục đi xung quanh để bảo vệ tàu sân bay. Các tàu khu trục là những người lính gác cho tàu sân bay.

Vào những năm 1990, Trung Quốc đã phát triển thành công tàu khu trục nhỏ Type-051B trên cơ sở của tàu khu trục Type-052. Loại tàu khu trục mới này được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm thấp HQ-7, sao chép từ hệ thống tên lửa đối không Crotale của Pháp.

Đây được coi là sự hình thành đầu tiên cho lực lượng phòng không hạm đội của Trung Quốc. Năm 2003, Trung Quốc chính thức tạo ra sự đột phá trong phòng không hạm đội với sự ra đời của tàu khu  trục phòng không đầu tiên Type-052C. Đây là tàu khu trục đầu tiên của Trung Quốc có được khả năng phòng không hạm đội thực sự.

 

Tàu khu trục Type-052C là sự hoàn thiện cho khả năng phòng không hạm đội, bảo vệ cho nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai.

Tàu khu trục Type-052C được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa HHQ-9, một biến thể hải quân của loại tên lửa đối không HQ-9 mà Trung Quốc sao chép lại từ hệ thống tên lửa đối không tầm xa S-300 của Nga.

Nối tiếp thành công đó, Trung Quốc tiếp tục cho ra đời tàu khu trục Type-051C được biên chế hoạt động vào năm 2006, tàu khu trục này cũng được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm xa HHQ-9 trong các ống phóng thẳng đứng.

Tiếp đến vào năm 2005, Trung Quốc tiếp tục cho ra đời tàu khu trục Type-054A đây có thể coi là bước hoàn thiện cho phòng không tầm trung.

Tàu khu trục Type-054A được trang bị hệ thống tên lửa đối không tầm trung HQ-16, được cho là sao chép từ hệ thống tên lửa đối không tầm trung đa kênh Shtill của Nga.

Như vậy từ thế hệ tàu khu trục Type-051B đến Type-054A và cuối cùng là Type-052C Trung Quốc đã hoàn thiện việc xây dựng mạng lưới phòng không hạm đội từ tầm thấp đến tầm trung và tầm xa.

Đặc biệt, tàu khu trục Type-052C và gần đây nhất là Type-052D đã đạt được các khả năng gần tương tự hệ thống chiến đấu Aegis của Hải quân Mỹ. Đội ngũ lính gác bầu trời của nhóm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc coi như đã hình thành xong.
---------------------------------
 

 

Xây dựng hạt nhân của nhóm tác chiến

Với nhóm tác chiến tàu sân bay, tàu sân bay chính là hạt nhân của nhóm quan trọng. Tàu sân bay vừa là nơi cất hạ cánh vừa là nhà chứa bảo quản và sửa chửa cho máy bay, cũng là nơi tiếp tế nhiên liệu, đạn dược cho các máy bay. Sau cùng, là khu nghỉ ngơi cho các phi công sau những giờ bay căng thẳng. 

Có thể nói, tàu sân bay chính là một căn cứ không quân di động với đầy đủ trang thiết bị và hạ tầng cơ sở kỹ thuật cần thiết. Điều quan trọng hơn cả, không thể gọi một nhóm tác chiến là nhóm tác chiến tàu sân bay nếu thiếu vắng sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm.

 

Hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc chưa thể thử nghiệm vì những lý do không rõ ràng.

Để hiện thực hóa cho tham vọng sở hữu nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc đã mua lại một tàu sân bay hạng nhẹ bị loại khỏi biên chế của Hải quân Hoàng gia Australia trong những năm 1980 để nghiên cứu.

Đến những năm đầu của thế kỷ 21, Trung Quốc đàm phàn và mua lại tàu sân bay đóng dở dưới thời Liên Xô là chiếc tàu sân bay Varyag, thuộc sở hữu của Ukraine.

Năm 2004, Trung Quốc chính thức kéo tàu sân bay đóng dở này về cảng Đại Liên và hồi sinh. Trước khi được bán cho Trung Quốc tàu sân bay Varyag đã hoàn thành cơ bản phần khung, chỉ thiếu vũ khí, động cơ và hệ thống điện tử.

Công việc cải tạo tàu sân bay này có vẽ như đang diễn ra một cách hết sức thuận lợi, khi Trung Quốc đã phát triển một hệ thống radar mảng pha đa chức năng mới cho tàu sân bay này.

Cùng với đó, Trung Quốc đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống vũ khí cho tàu sân bay Varyag. Tàu sân bay này đã khoác lên mình một tấm áo mới cùng với một cái tên đầy ẩn ý là Thi Lang, tên 1 nhân vật lịch sử giúp vua triều Thanh của Trung Quốc chiếm Đài Loan.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển và hình thành nhóm tác chiến tàu sân bay, Trung Quốc đã gặp phải một bài toán hết sức nan giải. Để đóng động cơ cho tàu sân bay, nền công nghiệp quốc phòng Trung Quốc thiếu những công nghệ cần thiết, nhất là bài toán chế tạo động cơ tuabin khí và tuabin hơi nước, và động cơ diesel đủ mạnh.

Bởi hệ thống động lực có thể đẩy được chiến hạm có lượng giãn nước hàng chục ngàn tấn hoàn toàn khác với hệ thống tương tự ở các tàu cỡ nhỏ. Nếu không có được động cơ đẩy đủ mạnh, tàu sân bay Thi Lang sẽ không đạt được tốc độ cần thiết để có thể hoạt động một cách hiệu quả.

Bất chấp những khó khăn chưa thể giải quyết, Trung Quốc đã chính thức công bố việc đóng tiếp 1 tàu sân bay nội địa. Điều đó cho thấy, tham vọng của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở việc xây dựng 1 nhóm tác chiến tàu sân bay, dù theo tuyên bố của giới lãnh đạo Quân đội Trung Quốc, Thi Lang chỉ để luyện tập.

Phát triển tiêm kích trên hạm

Nếu tàu sân bay là hạt nhân của nhóm tác chiến tàu sân bay, tiêm kích trên hạm sẽ là quân xung kích của nhóm này.

Tiêm kích trên hạm, cùng với nhóm tác chiến tàu sân bay cho phép chiếm ưu thế trên không trong các cuộc giao tranh, tiến hành các cuộc tiến công phủ đầu chớp nhoáng ở những vùng biển xa xôi và vào sâu bên trong đất liền.

Đây là bài học rất thành công của Hải quân Mỹ. Lực lượng này luôn chú trọng phát triển và đưa năng lực tinh vi nhất cho các tiêm kích trên hạm của mình.

 

Khả năng hoạt động trên hạm của J-15 vẫn là một ẩn số quá lớn.

Sau khi mua lại tàu sân bay Varyag, Trung Quốc đã tiến hành đàm phán với Nga để mua tiêm kích trên hạm Su-33, một trong những tiêm kích trên hạm tốt nhất thế giới hiện nay.

Tuy nhiên, công tác đàm phán mua tiêm kích này gặp nhiều khó khăn, giới giới quân sự Nga đã phản đối sự hợp tác này do những lo lắng Trung Quốc sẽ sao chép Su-33 như trường hợp của Su-27.

Không "bó tay chịu trói", Trung Quốc tìm đến Ukraine và sở hữu T-10, mẫu nghiên cứu của Su-33. Trung Quốc nghiên cứu T-10 và sao chép thành J-15. 

Hiện nay, sau khi Nga phát triển thành công tiêm kích trên hạm Mig-29K với những công nghệ tối tân hơn, nước này ngỏ ý bán Su-33 cho Trung Quốc.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ muốn mua số lượng rất hạn chế, chủ yếu là để nghiên cứu công nghệ, trong khi Nga chỉ muốn bán với số lượng lớn, do đó, cuộc đàm phán vẫn chưa có hồi kết.

Tuy nhiên, Trung Quốc tiếp tục gặp phải một bài toán hóc khác, động cơ phản lực cho tiêm kích. Dù, Trung Quốc đã sao chép động cơ phản lực AL-31F của Nga thành mẫu WS-10A và WS-10G, tuy nhiên những động cơ này đều không đạt được độ tin cậy và tạo được lực đẩy cần thiết.

Động cơ cho tiêm kích trên hạm tuy nhỏ nhưng có đòi hỏi tiêu chuẩn khắt khe hơn nhiều so với động cơ cho tàu sân bay, bởi động cơ này phải tạo lực đẩy đủ mạnh để máy bay cất cánh trên đoạn đường băng rất ngắn.

Vấn đề này càng trở nên bức thiết với riêng trường hợp tàu sân bay Trung Quốc, kể cả Thi Lang và tàu sân bay nội địa sắp tới (được cho là sao chép mẫu thiết kế của Siêu tàu sân bay Lênin) cùng sử dụng đường băng kiểu “nhảy cầu” không có sự hỗ trợ của máy phóng. 

Như vậy, sự hình thành của nhóm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc đang gặp phải 2 “nút thắt”, đều liên quan đến vấn đề động cơ. Trung Quốc sẽ mở những nút thắt này như thế nào vẫn là câu chuyện dài nhưng họ sẽ không dừng lại cho đến khi đạt được mục tiêu.
-----------------------

Trong biên chế hoạt động một nhóm tác chiến tàu sân bay, không thể thiếu vai trò của trinh sát, tác chiến điện tử và công tác hậu cần.

 

Trinh sát và tác chiến điện tử

Trong bối cảnh bùng nỗ của khoa học công nghệ, tác chiến công nghệ cao đang trở thành một phương hướng chủ đạo của chiến tranh hiện đại. Ưu thế luôn nghiêng về bên nào sở hữu được nhiều công nghệ cao hơn.

Ngày nay, vũ khí công nghệ cao luôn được các cường quốc sử dụng làm đòn đánh đầu tiên trong tác chiến hiện đại, để phát huy tối đa năng lực của vũ khí. Trong đó, bộ phận tác chiến điện tử có một vai trò cực kỳ quan trọng và luôn là lực lượng đi tiên phong.

 

Cụm tác chiến tàu sân bay Trung Quốc thiếu vai trò của một máy bay tác chiến điện tử chuyên dụng như E/A-18G của Hải quân Mỹ.

Khi bộ phận tác chiến điện tử "ra đòn" có thể làm “mù” các hệ thống trinh sát điện tử của đối phương, vừa tăng cường năng lực phòng thủ, phát hiện, ngăn chặn sớm sự xuất hiện, cũng như chống trả những đòn phản công điện tử của đối phương. Làm suy yếu và mất tính chính xác của các hệ thống vũ khí có dẫn đường của đối phương.

Trong biên chế nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ luôn có một phi đội chuyên đảm đương nhiệm vụ trinh sát và tác chiến điện tử, bao gồm các máy bay trinh sát P-3C Orion, máy bay chỉ huy và cảnh báo sớm AEW&C E-2C/D Harkeyes, máy bay tác chiến điện tử E/A-6B và E/A-18G.

Việc không thể triển khai hoạt động máy bay AWACS KJ-2000 là một bất lợi lớn của tàu sân bay Thi Lang và cụm tác chiến của nó.

Cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc sẽ không nằm ngoài ngoại lệ này. Do đó, Trung Quốc cũng đã có những bước chuẩn bị tích cực cho việc xây dựng và hình thành lực lượng trinh sát và tác chiến điện tử.

Điển hình là Trung Quốc đã phát triển thành công máy bay chỉ huy và cảnh báo trên không KJ-2000 . Đây là loại máy bay AWACS được phát triển trên cở sở bộ khung của máy bay vận tải IL-76 của Nga.

Ngày 7/6/2006, một chiếc KJ-2000 đã bị rơi trong khi đang thử nghiệm làm toàn bộ phi hành đoàn 40 người thiệt mạng, vụ tại nạn này đã làm gián đoạn nỗ lực xây dựng lực lượng AWACS của Trung Quốc.

Hiện tại, Trung Quốc gặp phải nhiều khó khăn trong việc xây dựng năng lực trinh sát và tác chiến điện tử cho cụm tác chiến tàu sân bay tương lai.

Trung Quốc chưa có máy bay nào được thiết kế cho nhiệm vụ tác chiến điện tử chuyên dụng như E/A-6B hay E/A-18G của Hải quân Mỹ và thiếu máy bay trinh sát điện tử chuyên dụng như P-3C Orion của Mỹ.

Một khó khăn nữa là tàu sân bay đang được cải tạo Thi Lang với đường băng kiểu nhảy cầu không cho phép triển khai hoạt động các máy bay cánh cố định tải  trọng lớn.

Do đó, tàu sân bay này không có khả năng triển khai hoạt động các máy bay trinh sát, chỉ huy và cảnh báo trên không như Y-8X hay KJ-2000.

Để bù lại khuyết điểm này, Trung Quốc đã phát triển một trực thăng đảm đương nhiệm vụ chỉ huy và cảnh báo sớm trên không cho tàu sân bay Thi Lang là Z-8AEW , tương tự như trực thăng Ka-31 của Nga.

Tuy nhiên sự hạn chế về trần bay, tầm bay năng lực của radar so với các máy bay AEW&C cánh cố định là điều không phải bàn cãi. Loại trực thăng này phát huy vai trò cảnh báo sớm đường biển và dẫn đường cho tên lửa chống hạm hiệu quả hơn là cảnh báo sớm và chỉ huy tác chiến đường không. Như vậy, trong tương lai gần, cụm tàu sân bay chiến đấu của Trung Quốc sẽ đối mặt với vấn đề vừa thiếu, vừa yếu về năng lực trinh sát và  tác chiến điện tử.

Trong bối cảnh tại châu Á xuất hiện ngày càng nhiều hệ thống tên lửa chống hạm hiện đại của Nga và một số nước khác, nếu không có một hệ thống tác chiến điện tử đủ mạnh. Cụm tác chiến tàu sân bay tương lai của Trung Quốc sẽ gặp nhiều bất lợi nếu có một cuộc đụng độ xảy ra.

Dịch vụ hậu cần

Để đảm đương công tác hậu cần phục vụ nhu yếu phẩm, tiếp tế nhiên liệu, vũ khí đạn được cho cụm tác chiến tàu sân bay này là một vấn đề hoàn toàn không đơn giản. Đặc biệt, trong trường hợp tác chiến xa bờ ở những nơi không có các căn cứ thường trực.

Tuy nhiên có vẻ đây không phải là vấn đề quá  lớn, công nghiệp hàng hải Trung Quốc đủ khả năng để phát triển một đội tàu hậu cần hùng hậu cho cụm tác chiến này. Nhưng có một khó khăn khác, hiện nay Trung Quốc gần như không có căn cứ hoặc cơ sở hải quân nào ở nước  ngoài.

Nếu nhìn vào những vấn đề hiện tại của tàu sân bay Thi Lang, cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc chỉ có thể "lởn vởn" ở các vùng biển gần Trung Quốc. Chừng nào vấn đề động cơ cho tàu sân bay Thi Lang chưa được giải quyết, con tàu này sẽ khó lòng mà thực hiện được những chuyến công du xa bờ.

Tóm lại với 3 trở ngại lớn đang gặp phải về hệ thống động lực cho tàu sân bay, tiêm kích trên hạm, năng lực trinh sát và tác chiến điện tử, cụm tàu sân bay chiến đấu tương lai của Trung Quốc còn quá nhiều điểm yếu cần phải khắc phục.

Chẳng vậy mà Tham mưu trưởng liên quân Mỹ, Đô đốc Mike Mullen tỏ ý nghi ngờ khả năng triển khai hoạt động một cách hiệu quả của tàu sân bay Thi Lang cùng với cụm tác chiến của nó.

Tuy rằng, cụm chiến đấu tàu sân bay của Trung Quốc chỉ yếu khi đem so sánh với cụm chiến đấu tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
 

 

 

Theo Quốc Việt/ ĐVO

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te