Trung Quốc tỏ ra cứng rắn ở biển Đông là nhờ có căn cứ tàu ngầm Tam Á, điều này cũng tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho quân Mỹ tại khu vực.
Hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc ngày càng khiến Mỹ “trằn trọc khó ngủ” - báo TQ tuyên bố. Ngày 10/9, tờ “Thời báo Canberra” Australia cho rằng, Trung Quốc sở dĩ có lập trường cứng rắn ở biển Đông là có liên quan chặt chẽ đến căn cứ tàu ngầm được Hải quân nước này xây dựng ở đảo Hải Nam, tàu ngầm hạt nhân kiểu mới xuất phát từ đây tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các căn cứ của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.
Cũng ngày 10/9, tờ “Tin tức Quốc phòng” Mỹ tiết lộ, để kiềm chế lực lượng tàu ngầm ngày càng mạnh của Trung Quốc, Cục Kế hoạch Nghiên cứu cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ đang cố gắng phát triển tàu chiến không người lái chuyên dùng để dò tìm tàu ngầm. Nó có thể tuần tra trên biển tự chủ, liên tục trong vài tháng, không cần bất cứ sự can thiệp nào của con người.
Tờ “Tin tức Quốc phòng” cho biết, tàu chiến không người lái được thiết kế này áp dụng hình thức tàu tam thể, có thể dẫn đường tự chủ, có thể tránh được các trở ngại như chỗ nước cạn, đá ngầm và tàu thuyền khác, sử dụng hệ thống sonar để dò tìm và bám theo tàu ngầm mục tiêu.
Sau khi nghiệm chứng đầy đủ tính khả thi của ý tưởng, ngày 16/8, Cục Kế hoạch Nghiên cứu cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ đã ký kết với Công ty Quốc tế Ứng dụng Khoa học Mỹ một thỏa thuận trị giá 58 triệu USD, trao quyền cho công ty này thử nghiệm và chế tạo loại tàu chiến săn ngầm tự chủ không người lái này.
Tàu ngầm thông thường lớp Tổng, Hải quân Trung Quốc |
Bài báo cho biết, độ khó công nghệ lớn nhất hiện nay là làm thế nào để tàu không người lái tự chủ hoạt động trên biển trong thời gian dài tới 3 tháng, đồng thời còn có thể tự tránh các tàu thuyền khác và những vật cản khi bám theo tàu ngầm có mức độ tiếng ồn rất thấp. Các nhân viên thiết kế gọi khả năng này là “khả năng tự chủ thông minh”.
Siemon, sĩ quan nghỉ hưu, giám đốc điều hành Công ty Hệ thống tổng hợp không gian phụ trách phát triển hệ thống dẫn đường tàu không người lái, cho biết: “Chế tạo một chiếc tàu nhỏ rất dễ dàng, nhưng để nó có thể tự chạy trên biển một cách thông minh trong thời gian 90 ngày, hoàn thành nhiệm vụ đã xác định, hơn nữa không cần bất cứ sự chi viện hậu cần nào, lại là một công việc gian nan”.
Bài báo tuyên bố, nếu những vấn đề này được giải quyết, Hải quân Mỹ chẳng khác nào đã tìm được phương pháp giá rẻ đối phó với tàu ngầm tiềm năng của đối thủ.
“Hiện nay, các nước CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc, Iran đều trang bị tàu ngầm thông thường có tiếng ồn thấp, đã trở thành mối đe dọa hàng đầu của Hải quân Mỹ”.
Ngày 16/8, tại một cuộc họp báo, Littlefield, giám đốc điều hành chương trình của Cục Kế hoạch Nghiên cứu cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi chính là giúp Hải quân giành lại quyền chủ động trên chiến trường, chương trình này sẽ có thể tạo được trạng thái bất đối xứng có lợi cho chúng tôi, chỉ cần chi phí chế tạo tương đương 1/10 của tàu ngầm để triệt tiêu mối đe dọa của nó”.
Tàu ngầm kiểu mới của Hải quân Trung Quốc |
Mặc dù đã sở hữu một lực lượng hải quân mạnh nhất thế giới, nhưng Mỹ vẫn “làm to chuyện” như vậy đối với các mối đe dọa dưới biển sâu. Tờ “Thời báo Canberra” giải thích, đây là do Hải quân Mỹ cho rằng, mối đe dọa lớn nhất trong tương lai đến từ dưới biển sâu.
Bài báo viết, năm 2008, vệ tinh trinh sát của Mỹ đã lần đầu tiên phát hiện ra tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới của Quân đội Trung Quốc ở căn cứ Tam Á, đảo Hải Nam, Trung Quốc.
Các nhà phân tích tình báo Mỹ cho rằng, tàu ngầm này đang tiến hành làm tiêu tan từ tính (tiêu từ) trong các thiết bị làm tiêu từ, cường độ từ trường vốn có của kim loại của tàu ngầm được tiêu từ sẽ giảm mạnh, làm cho tàu ngầm khó bị tàu ngầm, tàu nổi và máy bay săn ngầm phát hiện hơn.
Mỹ cho rằng, tàu ngầm hạt nhân kiểu mới của Trung Quốc cùng với tên lửa được trang bị của nó tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng cho các căn cứ của quân Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Theo bài báo, do biển Đông là con đường phải đi qua của tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc nếu muốn đi từ căn cứ này ra đại dương, vì vậy đây cũng là nguyên nhân Trung Quốc giữ lập trường cứng rắn trong tranh chấp biển Đông.
Được biết, trong Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ thường “xếp hàng ngang” tàu ngầm hạt nhân ở cự ly 25 dặm Anh (1 dặm bằng 1,6093 km), tạo thành mạng lưới dò tìm để theo dõi tàu ngầm Liên Xô.
khi Nga trang bị tàu ngầm thông thường có tiếng ồn thấp vào đầu thập niên 1990, Mỹ phát hiện phương thức tìm kiếm tầm xa kiểu kéo lưới này không còn có hiệu quả.
Sát thủ săn ngầm P-8A Poseidon của Hải quân Mỹ. |
Đến nay, cùng với việc Trung Quốc cũng bắt đầu trang bị tàu ngầm thông thường có tiếng ồn nhỏ, lực lượng tàu ngầm của Quân đội Trung Quốc đã không còn dễ bị dò tìm, Mỹ buộc phải đầu tư nhiều sức lực và thiết bị hơn để dò tìm và theo dõi tàu ngầm Trung Quốc.
Nhìn về mặt công nghệ, thủ đoạn dò tìm tàu ngầm của Mỹ hầu như đã rất toàn diện, nhưng hiệu quả dò tìm thực tế lại rất dễ bị tác động bởi các yếu tố như thời tiết, thủy văn, địa hình đáy biển và các thủ đoạn chống dò tìm của đối phương.
Mỹ luôn muốn có thể sử dụng phương thức rẻ tiền tiến hành dò tìm và theo dõi tầm xa trong thời gian dài đối với tàu ngầm của các nước thù địch tiềm tàng, để nắm chắc các động thái “âm hồn” dưới biển sâu này bất cứ lúc nào, giành được quyền chủ động của các hành động trên biển.
Ngoài loại tàu tự chủ không người lái này, Hải quân Mỹ còn đưa ra máy bay trinh sát không người lái Global Hawk phiên bản cải tiến “giám sát trên biển ở khu vực rộng”, sử dụng đặc điểm thời gian tuần tra dài, phạm vi dò tìm rộng để liên tục tìm kiếm tàu ngầm của Trung Quốc có thể hoạt động trên đại dương. Nhưng, một máy bay thử nghiệm Global Hawk của Hải quân Mỹ đã rơi vỡ vào tháng 6, phủ bóng đen lên kế hoạch này.
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C Orion Mỹ |
Tờ “Tin tức Quốc phòng” cho biết, Cục Kế hoạch Nghiên cứu cấp cao Bộ Quốc phòng Mỹ hy vọng có thể bắt đầu tiến hành công tác chạy thử trên biển của tàu săn ngầm tự chủ không người lái vào năm 2015, công nghệ và kinh nghiệm có được từ sự nghiên cứu phát triển con tàu này cũng sẽ có lợi cho sự phát triển trên các phương diện khác của Hải quân Mỹ.
Nhưng, từ ý tưởng đến thực tế rõ ràng sẽ không hoàn toàn bằng phẳng. Trong nội bộ giới quân sự Mỹ cũng có người hoài nghi cho rằng, việc định vị khái niệm của thiết kế này chưa đủ rõ ràng, thiếu tính thực dụng (dùng vào thực tế). Một chỉ huy tàu ngầm nghỉ hưu của Hải quân Mỹ giấu tên cho rằng: “Khả năng săn ngầm này là nhằm vào thời bình hay thời chiến?”.
Ông nhấn mạnh, tàu săn ngầm không người lái này rất dễ bị tấn công trong môi trường chiến tranh, đặc biệt là khi nhằm vào Hải quân Trung Quốc. “Nếu con tàu này ra biển thực hiện nhiệm vụ, liên tục sử dụng sonar chủ động từ bên trên để tiến hành dò tìm tàu ngầm ở dưới nước, thì tại sao Trung Quốc không trực tiếp tiêu diệt nó?”. - báo TQ viết.
Tàu ngầm hạt nhân Mỹ |
Việt Dũng (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
Báo Giáo dục Việt Nam