Các nguồn tin Trung Quốc nói rằng, nước này đang có kế hoạch phát triển một loại UCAV tương tự như X-47B của Hải quân Mỹ để trang bị cho tàu sân bay.
Tạp chí quốc phòng Jane’s Defence Weekly mới đây trích dẫn nguồn tin Trung Quốc nói rằng, lực lượng hải quân nước này (PLAN) có thể phát triển một loại phương tiện bay không người lái tấn công tầm xa (UCAV) có đặc điểm tàng hình để hoạt động trên mặt đất và cả trên tàu sân bay trong vòng 10 năm tới.
Một UCAV như vậy, có lẽ sẽ có kích thước và cấu hình giống như loại Phantom Ray mà công ty Boeing của Mỹ phát triển. Jane đánh giá rằng, kế hoạch này cho thấy kế hoạch của Hải quân Trung Quốc để đối đầu với Hải quân Mỹ trên Thái Bình Dương trong một thập kỷ tới.
UCAV tương tự Phantom Ray mà Viện 601 Thẩm Dương của Trung Quốc thiết kế |
Trong tháng 6/2011, tạp chí Không quân Hải quân Trung Quốc đã đăng tải bài viết ’Infrared Stealth Characteristics of the Typical Flying Wing UAV’, tạm dịch là "Những đặc điểm tàng hình hồng ngoại của UAV cánh bay điển hình".
Bài viết được tác giả minh họa bằng một hình ảnh của một phương tiện bay không người lái (UAV) tương tự như thiết kế do Viện Thiết kế Hàng không Thẩm Dương (SADI), hay còn gọi là Viện 601 của Hiệp hội Hàng không Thẩm Dương, phối hợp với Viện Hàng không Không gian Thẩm Dương giới thiệu trong cuộc thi tháng 9/2011.
Phiên bản đầy đủ của UAV sẽ có sải cánh 14 mét, và chiều dài 10 mét, tức là hơi nhỏ hơn so với Phantom Ray của Boeing có sải cánh 15 mét và dài 11 mét.
Cả hai loại máy bay không người lái của Boeing và Thẩm Dương đều được thiết kế để tàng hình. Tuy nhiên, điểm khác biệt lớn là UCAV của Thẩm Dương được thiết kế cánh lướt và phần mũi cánh hai bên được gấp lên. Thiết kế này cho thấy một nó sẽ thực hiện vai trò hoạt động tầm xa đa năng.
Các nguồn tin Trung Quốc nói rằng, UCAV của Thẩm Dương có thể bắt đầu thực hiện các chuyến bay thử nghiệm trong năm nay và chương trình này sẽ được dành riêng cho Hải quân Trung Quốc, ngụ ý nó sẽ được phát triển để trang bị trên tàu sân bay.
UCAV Phantom Ray của Boeing |
Khả năng bay tầm xa trong thời gian dài của UCAV mà Thẩm Dương thiết kế có ý nghĩa quan trọng cho PLAN. Khi đó họ có thể thực hiện các phi vụ giám sát mục tiêu và kết hợp tấn công máy bay, các tên lửa đạn đạo chống tàu trên mặt đất và các tên lửa hành trình chống tàu được phóng từ tàu ngầm, trên không, dưới đất.
Từ lâu, Hải quân Trung Quốc đã đặt mục tiêu phải có được một UCAV như một bộ phân của tàu sân bay tương lai. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn còn phải đợi tới khoảng đầu thập kỷ tới, khi họ có một cấu trúc tàu sân bay với máy phóng - hỗ trợ cho việc cất cánh và hạ cánh thông thường (CTOL).
Yến Phạm (Theo Jane’s Defence Weekly, BeeNet)