TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tìm hiểu lực lượng đổ bộ của Trung Quốc

Trong thời gian qua Trung Quốc liên tục đầu tư mạnh cho lực lượng quan trọng trong hải quân nước này.

 

 

Quân đội các nước trên thế giới liên tục trau dồi khả năng tác chiến đổ bộ và chống đổ bộ. Trong khi các quốc gia có lực lượng quân sự hùng mạnh chú trọng nhiều vào năng lực đổ bộ, thì các quốc gia còn lại chú trọng vào năng lực chống đổ bộ.

Là quốc gia có tham vọng trở thành thế lực trên biển Thái Bình Dương, việc phát triển năng lực tác chiến đổ bộ là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược vươn ra biển lớn của Trung Quốc.

Lính thủy đánh bộ Mỹ được đánh giá là lực lượng có năng lực đổ bộ mạnh nhất thế giới hiện nay và Trung Quốc chắc chắn không muốn lép vế trước Mỹ.

 

Type-071 là biểu tượng sức mạnh của thủy quân lục chiến Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, hải quân đánh bộ Trung Quốc được chú trọng cả về trang bị và huấn luyện.

Lực lượng này liên tục được trang bị các loại phương tiện mới, thực hiện các bài tập đổ bộ với nhiều tình huống khác nhau.

 

 

 

 

Lịch sử hình thành

Hải quân đánh bộ Trung Quốc được thành lập vào năm 1950 nhằm tiến hành các hoạt động đổ bộ vào các đảo còn bị Quốc dân Đảng kiểm soát sau 1949. Tuy nhiên, lực lượng này bị giải tán vào năm 1957 khi Hải quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLAN) từ bỏ kế hoạch tấn công Đài Loan.

Đến năm 1979, Quân ủy Trung ương Trung Quốc thông qua quyết định thành lập Hải quân đánh bộ (PLAMC), đặt dưới sự chỉ huy của PLAN.

Đến tháng 5/1980, lữ đoàn hải quân đánh bộ đầu tiên được thành lập, (giai đoạn 1950, lực lượng này chưa được tổ chức tới cấp lữ đoàn).

 

 

 

 

Quân số

Hải quân đánh bộ Trung Quốc hiện tại có khoảng 6.000 binh lính ưu tú được tuyển chọn từ nhiều đơn vị khác nhau được biên chế thành 2 lữ đoàn.

Thành phần của 2 lữ đoàn này gồm 1 trung đoàn thiết giáp, 1 tiểu đoàn đặc nhiệm, 1 tiểu đoàn tác chiến điện tử, 1 tiểu đoàn tên lửa chống tăng, 1 tiểu đoàn hổn hợp, 3 tiểu đoàn bộ binh.

Hai lữ đoàn này đều có trụ sở tại Trạm Giang (bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc). Theo một số nguồn tin chưa được xác nhận, Trung Quốc đã điều động một lữ đoàn thủy quân lục chiến đồn trú trên đảo Hải Nam. Tuy quân số hiện tại của thủy quân lục chiến Trung Quốc chỉ có 6000 nhưng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, quân số lực lượng này có thể lên đến 28.000 người.

 

 

 

 

Trang bị

Trang bị cá nhân tiêu chuẩn là súng trường tiến công QBZ-95 hay Type-95, một mẫu súng bullpup kết hợp từ nhiều trường phái khác nhau.

Thời gian gần đây, Hải quân đánh bộ Trung Quốc được trang bị rất nhiều phương tiện đổ bộ chuyên dụng.

Đặc biệt, Trung Quốc đã cho phát triển chương trình tàu đổ bộ cỡ  lớn Type-071.

Tàu có khả năng mang theo 15-20 xe bọc thép, 500-800 binh lính, 4 tàu đổ bộ khí đệm, 2 tàu đổ bộ thông thường.

 

Tàu đổ bộ khí đệm hiện đại nhất thủy quân lục chiến Trung Quốc lại không có vũ khí để chế áp hỏa lực đối phương khi đổ bộ lên bờ.

 

 

Type-071 sẽ là lực lượng nòng cốt cho khả năng tác chiến đổ bộ của Trung Quốc.

Ngoài ra, lực lượng đổ bộ thủy quân lục chiến Trung Quốc còn có các loại tàu đổ bộ Type-072 có thể chở xe tăng. Đây là loại tàu đổ bộ được đưa vào sử dụng từ những năm 1980.

Type-072 có tải trọng tối đa là 4.170 tấn, có khả năng mang theo 200 quân, 5-10 xe tăng hoặc 450 tấn hàng hóa. Hiện tại còn 7 chiếc loại này trong biên chế.

Tàu đổ bộ loại Type-072II là biến thể nâng cấp của Type-072. 11 chiếc loại này đang phục vụ trong PLAN, có khả năng mang theo 280 quân, 10 xe tăng, hoặc 500 tấn hàng hóa, tải trọng đầy tải 4.800 tấn.

Biến thể nâng cấp mới nhất của loại này là Type-072III. Tàu được đưa vào vận hành vào năm 2004. Đến thời điểm hiện tại, có khoảng 7 chiếc loại này đang phục vụ. Các loại tàu đổ bộ thủ công các loại có trên 300 chiếc.

Ngoại trừ Type-071, các tàu đổ bộ còn lại của Trung Quốc đều thuộc thế hệ cũ khả năng đáp ứng các yêu cầu của chiến tranh hiện đại không cao. Thậm chí ngay cả Type-071 vẫn kém xa về năng lực đổ bộ so với tàu đổ bộ trực thăng lớp Dokdo của Hải quân Hàn Quốc.

Loại tàu đổ bộ khí đệm chủ lực của thủy quân lục chiến Trung Quốc là loại Type-724LCAC. Tuy nhiên, loại tàu đổ bộ khí đệm này không được vũ trang. Tàu có khả năng mang theo 10 binh lính và họ phải đối mặt với hỏa lực đối phương mà không có sự bảo vệ. Do đó, tàu đổ bộ khí đệm Type-724 dễ bị đánh  bại.

 

Nhận thấy điểm yếu này, thời gian qua, Trung Quốc tìm cách để mua loại tàu đổ bộ khí đệm Zubr của Nga. Theo một số nguồn tin chưa được xác nhận, Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận với Ukraine để sản xuất tàu đổ bộ khí đệm Zubr dưới sự giám sát của các chuyên gia Ukraine.

Xe thiết giáp đổ bộ gồm: Type-63 là một loại xe tăng lội nước do Trung Quốc sản xuất dựa trên mẫu PT-76 của Nga. Biến thể nâng cấp Type-63A có khoảng 800 chiếc loại này đang phục vụ trong biên chế. Ngoài ra, còn có một số lượng lớn các loại xe thiết giáp lội nước khác như Type-77, Type-85/89, xe thiết giáp bánh hơi WZ551.

Loại xe thiết giáp lội nước mới nhất của thủy quân lục chiến Trung Quốc là ZBD-2000. Xe thiết giáp này được giới thiệu vào năm 2006, nó được cho là một thiết kế sao chép của loại xe thiết giáp viễn chinh EFV của thủy quân lục chiến Mỹ.

 

ZBD-2000 là loại xe thiết giáp đổ bộ hiện đại nhất của Hải quân đánh bộ Trung Quốc.

ZBD-2000 được trang bị một pháo 105mm, có khả năng phóng tên lửa chống tăng qua nòng pháo. Ngoài ra, xe được vũ trang một súng máy đồng trục 7,62mm và 12,7mm.

Biến thể hạng nhẹ của ZBD-2000 được trang bị một pháo 30mm, 4 tên lửa chống tăng.

Số lượng ZBD-2000 và các biến thể của nó đang phục vụ trong biên chế Hải quân đánh bộ Trung Quốc là không thực sự rõ ràng, chưa có thống kế cụ thể nào được công bố.
----------------------

Quốc Việt// Theo ĐVO

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te