Những thủ đoạn này bao gồm công bố sách trắng, lập cơ quan quản lý và nghiên cứu riêng, phát hành phim ra thế giới, xây dựng bảo tàng v.v...
Đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) |
Ngày 6/9, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” đăng bài viết của một giáo sư Ban Chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc. Để hiểu thêm về cách thức hoạch định, tham mưu, thủ đoạn tuyên truyền của giới "học giả", "chuyên gia" của TQ về các vấn đề liên quan đến tranh chấp biển, đảo với các nước khác, báo GDVN xin trích đăng lại nội dung bài viết được đăng tải trên Thời báo Hoàn Cầu như sau:
Các nguồn tin cho biết, Chính phủ Nhật Bản và ông chủ sở hữu đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) đã đạt được thỏa thuận mua đảo trị giá 2,05 tỷ yên. Do bản thân luôn đòi hỏi chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư, Trung Quốc cho rằng, hành động này là “bất hợp pháp, vô hiệu”.
Theo học giả Trung Quốc thì dấu hiệu trên cảnh báo rằng, tranh chấp chủ quyền đảo Senkaku đã đi vào giai đoạn quyết liệt, Trung Quốc cần phải “xuất chiêu”.
Theo vị học giả này, những nỗ lực tuyên truyền và hành động bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư của Trung Quốc gần đây (như quảng cáo ở truyền thông Mỹ) vẫn thực sự chưa đủ. Một số vấn đề có thể đưa vào chương trình làm việc để “bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư” gồm:
Trước hết, nhanh chóng xác định quản lý hành chính đối với đảo Điếu Ngư. Quản lý hành chính là tiêu chí quan trọng thể hiện có chủ quyền, tranh chấp chủ quyền đảo Điếu Ngư trước tiên phải làm rõ quan hệ quản lý hành chính của nó. - báo TQ tuyên truyền.
Nhìn vào lịch sử, “đảo Điếu Ngư luôn là hòn đảo phụ thuộc của Đài Loan hoặc Bành Hồ”. Hiện nay, Đài Loan tuyên bố đảo Điếu Ngư thuộc đô thị của tỉnh Nghi Lan, Đài Loan, còn có mã hóa bưu chính. Trong khi đó Trung Quốc chưa có tuyên bố rõ ràng như vậy. - báo TQ tuyên truyền.
Máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C Nhật Bản thường xuyên giám sát đảo Senkaku. |
Theo đó, học giả Trung Quốc đề nghị phải nhanh chóng vạch ra đường cơ sở lãnh hải của đảo Điếu Ngư, đồng thời làm rõ phạm vi quản lý hành chính. Việc xây dựng “thành phố Tam Sa” của Trung Quốc (một hành động ăn cướp, bất hợp pháp, vô hiệu, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền biển đảo của Việt Nam) “đã tạo tiền lệ rất tốt” cho điều này.
Thứ hai, học giả Trung Quốc đề nghị phải nhanh chóng công bố “Sách trắng đảo Điếu Ngư”. Bởi vì, sách trắng là một văn kiện chính thức, đại diện cho lập trường của Chính phủ, có thể đóng vai trò giải thích về chính sách đối nội, đối ngoại.
Theo vị học giả này, hiện nay, Nhật Bản ngày càng công khai đi từ “sở hữu tư nhân” sang “quốc hữu hóa” đối với đảo Senkaku/Điếu Ngư, từ “khiêu khích đơn độc” tới “phòng thủ chung Mỹ-Nhật”, “mỗi lần leo thang đều chạm vào giới hạn/đường biên ngang của Trung Quốc”.
Vì vậy, học giả Trung Quốc đề nghị, phải nhanh chóng công bố “Sách trắng đảo Điếu Ngư” nhằm mục đích: Một là, kiên trì “tuyên bố chủ quyền”. Hai là, “làm rõ chứng cứ lịch sử và pháp lý Trung Quốc có chủ quyền đối với đảo Điếu Ngư”, “vạch trần sâu sắc tham vọng xâm chiếm đảo Điếu Ngư của Nhật Bản”.
Ba là, “bày tỏ thiện chí của Trung Quốc trong giải quyết hòa bình vấn đề đảo Điếu Ngư” và không loại trừ quyết tâm và khả năng “sử dụng vũ lực giải quyết đảo Điếu Ngư”. - báo TQ dẫn lời vị học giả này tuyên truyền.
Tàu tuần tra cỡ lớn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản. |
Thứ ba, nhanh chóng làm rõ cơ quan phụ trách đảo Điếu Ngư, triển khai đợt tấn công tuyên truyền nhiều chiều. Vị học giả này cho rằng, Trung Quốc có rất nhiều cơ quan nghiên cứu về vấn đề chủ quyền đảo Điếu Ngư, nhưng chưa rõ cơ quan nào phụ trách.
Điều này làm cho Trung Quốc thường không có hành động kế tiếp đồng bộ sau khi phản đối mạnh mẽ, vô hình trung đã làm yếu đi hiệu quả phản đối.
Ngay từ năm 2005, Hàn Quốc đã thành lập “Đoàn hoạch định lịch sử chính xác”, chuyên xử lý vấn đề đảo Dokdo và sách giáo khoa, Đoàn trưởng và phó Đoàn trưởng của tổ chức này lần lượt do Trưởng phòng Chính sách Phủ Tổng thống và quan chức quan trọng của Bộ Ngoại giao-Ngoại thương Hàn Quốc đảm nhiệm, đã làm rất nhiều công tác tuyên truyền có hiệu quả thực tế.
Theo đó, học giả Trung Quốc đề nghị cần học hỏi cách làm của Hàn Quốc, nhanh chóng xác lập cơ quan chuyên môn tuyên truyền về đảo Điếu Ngư, tăng cường cường độ lên tiếng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Vị học giả này cho rằng, một cơ quan như vậy một khi được xác lập lập tức có thể triển khai thế tấn công tuyên truyền trên nhiều cấp độ, nhiều chiều. Phương pháp có rất nhiều, lấy một số ví dụ cụ thể:
Thứ nhất, phát hành phim tuyên truyền đảo Điếu Ngư. Trung Quốc có phim tuyên truyền Olympic, phim tuyên truyền Cố Cung, nhưng không có phim tuyên truyền về tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc cần nhanh chóng sản xuất một bộ phim tuyên truyền đảo Điếu Ngư hoàn chỉnh, phát cho các lãnh sự quán nước ngoài, đồng thời bán ra thế giới, mở rộng phạm vi tuyên truyền của Trung Quốc đối với đảo Điếu Ngư. Cũng có thể phát phim tuyên truyền đảo Điếu Ngư ở các màn hình lớn trên đường phố ở các đô thị “quốc tế hóa” và những khách sạn cấp sao của Trung Quốc.
Tàu tuần tra Nhật Bản bảo vệ đảo Senkaku trước các hành động khiêu khích của tàu thuyền Trung Quốc. |
Thứ hai, xây dựng “Bảo tàng đảo Senkaku”. Hàn Quốc có một “Bảo tàng đảo Dokdo”, trong bảo tàng có hơn 1.500 tài liệu trong và ngoài nước chứng minh đảo Dokdo từ xưa đến nay là lãnh thổ của Hàn Quốc.
Vị học giả này nói rằng, Trung Quốc cũng có “rất nhiều tài liệu lịch sử và pháp lý chứng minh đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc”, nên cần phải thu thập, chỉnh lý và nhanh chóng công bố cho thế giới. Đồng thời, còn có thể xây dựng “Cảnh quan mô phỏng đảo Điếu Ngư”, làm cho những người tham quan được tìm hiểu trực quan, đầy đủ về việc “đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc và Nhật Bản bóp méo lịch sử đảo Điếu Ngư”. - học giả này tuyên bố một cách đầy áp đặt, quy kết chủ quan.
Thứ ba, phát hành tem đảo Điếu Ngư. Đây là cách tuyên truyền chủ quyền những hòn đảo tranh chấp được nhiều nước đã làm, chẳng hạn Argentina và Anh đều từng phát hành tem kỷ niệm quần đảo Malvinas (Anh gọi là quần đảo Falkland); Hàn Quốc từng phát hành tem đảo Dokdo. Trung Quốc cũng có thể làm như vậy.
Tàu khu trục Aegis của Nhật Bản. |
Đông Bình (nguồn Thời báo Hoàn Cầu)
Theo Báo Giáo dục Việt Nam