Làn sóng biểu tình tại Hồng Kông (TQ) trước cuộc bầu cử tại lãnh thổ này được coi như một phép thử quan trọng đối với các tân lãnh đạo Hồng Kông và sự bất mãn của cử tri là thông điệp “trả đũa” chống lại sự can thiệp của Bắc Kinh.
Sinh viên và học sinh Hong Kong biểu tình phản đối bài học “tẩy não” - Ảnh: Getty Images
Lần này, cơ quan lập pháp Hồng Kông mang đậm “hương vị dân chủ hơn”, nó được mở rộng từ 60 lên 70 ghế, với hơn một nửa được bầu trực tiếp trong cuộc bỏ phiếu Chủ nhật vừa qua. Kết quả bầu cử dường như phản ánh tâm trạng chống TQ, đặc biệt là kế hoạch đưa vào môn học tán dương những thành tựu của ĐCS TQ.
Hàng ngàn người biểu tình bên ngoài trụ sở chính quyền Hồng Kông khoảng một giờ mỗi tuần để đòi bỏ chương trình học nói trên và buộc ông Lương Chấn Anh, Trưởng Đặc khu Hồng Kông hủy bỏ cam kết quốc tế đầu tiên của mình khi tham gia diễn đàn APEC ở Nga.
Hồng Kông là một trung tâm tài chính quốc tế được hưởng chế độ tự trị cao, nhưng Bắc Kinh đã chống lại áp lực của dư luận đòi "dân chủ hoàn toàn" và họ tiếp tục duy trì ảnh hưởng sau hậu trường của mình trong các lĩnh vực chính trị, truyền thông và học thuật ở Hồng Kông.
Những náo động vừa qua ở Hồng Kông được các nhà phân tích cho là nguyên nhân mới khiến Bắc Kinh phải đau đầu, sau khi Chủ tịch TQ Hồ Cẩm Đào kêu gọi duy trì sự thống nhất và các nhà lãnh đạo Bắc Kinh đang “vật lộn” với quá trình chuyển đổi lãnh đạo sắp tới của mình.
Mặc dù kết quả của cuộc bầu cử vừa qua không ảnh hưởng đến vị trí của ông Lương được Bắc Kinh hậu thuẫn, các nhà phân tích chính trị nói rằng tranh cãi gần đây có thể có lợi cho phe đối lập ủng hộ dân chủ, và làm cho Trưởng đặc khu Hồng Kông khó khăn hơn khi thông qua các chính sách lập pháp trong những năm sắp tới.
HOÀNG DIỆU (Theo Reuters, PN Online)