Trong một động thái mới nhất nhằm hiện đại hóa và mở rộng hải quân, Trung Quốc vừa tuyên bố đang đẩy nhanh sản xuất hàng loạt một loại tàu khu trục tiên tiến. Kế hoạch này có lẽ sẽ giúp cán cân sức mạnh hải quân nghiêng về phía Trung Quốc trong các tranh chấp chủ quyền về Đài Loan cũng như trên Biển Đông và biển Hoa Đông.
Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc được mua lại từ Ukraina. |
Tuy nhiên, bước tiến này cũng như những động thái trước đó nhằm nâng cao năng lực hải quân Trung Quốc dường như bị phủ mờ bởi tin tức về con tàu sân bay từ thời kỳ Liên Xô được Trung Quốc “tân trang” lại, vừa hoàn thành chuyến đi thử lần thứ 10. Con tàu này vừa được đánh số 16 trên thân tàu, điều đó cho thấy nó sắp được đặt tên và điều động cho hải quân nước này.
Thực ra, nếu con tàu sân bay 60.000 tấn này trở thành “lá cờ đầu” cho hải quân Trung Quốc thì vẫn còn rất lâu con tàu này mới sẵn sàng cho các nhiệm vụ thực tế. Thậm chí, ngay cả khi hoạt động, con tàu này vẫn sẽ chỉ đóng vai trò hạn chế, chủ yếu dành để huấn luyện trước khi Trung Quốc hạ thủy con tàu sân bay đầu tiên sản xuất trong nước vào năm 2015.
Trong khi đó, sau hàng thập kỷ với ngân sách chi tiêu cho quốc phòng tăng với tốc độ 2 con số, Hải quân Trung Quốc đang chế tạo một hạm đội chủ yếu tập trung vào mục tiêu thống lĩnh hàng hải trong khu vực và ngăn chặn sự can thiệp của Hoa Kỳ vào bất kỳ cuộc xung đột nào về Đài Loan hay Biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Bắc Kinh đang tham gia tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á về các hòn đảo và nguồn tài nguyên hàng hải.
Theo Andrew Erickson và Gabe Collins, hai nhà phân tích hàng đầu của Mỹ về những tiến bộ của quân đội Trung Quốc, Hải quân Trung Quốc “đang đạt được những vũ khí khí tài cần thiết để chuẩn bị cho một cuộc chiến hải quân lớn trong khu vực giúp giải quyết các tranh chấp”.
Thông tin mới nhất từ giới truyền thông Trung Quốc cho biết con tàu khu trục thứ 6 loại 052C, hạng Luyang II đã được hạ thủy và mỗi năm xưởng đóng tàu ở Thượng Hải nơi sản xuất những con tàu này cho ra lò 2 thân tàu.
Tờ Hoàn Cầu hôm 5/9 cho biết, một con tàu khu trục mới hiện đang được sản xuất tại xưởng tàu này “có vẻ như là loại 052D, thế hệ mới của tàu 052C”.
Được biết, việc sản xuất hàng loạt tàu khu trục “là điểm cốt lõi của làn sóng đóng tàu hải quân lần thứ hai sau năm 2000” và kể từ cuối năm 2010, 6 con tàu loại 052C đã được hạ thủy liên tiếp trong đó ít nhất 1 chiếc đã được điều động trong năm nay.
“Là loại tàu chiến đấu tinh vi nhất, tàu khu trục Aegis vẫn thường được nhắc đến là tàu khu trục phòng không được trang bị các hệ thống ra đa dãy tổ hợp pha (PAR) và các tên lửa hải đối không để làm lá chắn phòng không cho toàn bộ hạm đội”, tờ Hoàn Cầu đưa tin.
Các chuyên gia Nhật Bản và Mỹ mô tả tàu loại 052D là tàu khu trục tàng hình nặng 6.000 tấn với các ống phóng tên lửa thẳng đứng loại 64 được lắp đặt trên thân tàu có khả năng nhanh chóng bắn trả các tên lửa chống máy bay và chống tàu.
Tàu chiến mới của Trung Quốc có kích thước và hỏa lực nhỏ hơn tàu khu trục loại Arleigh Burke và tàu tuần dương có gắn tên lửa hành trình loại Ticonderoga của Mỹ.
Tuy nhiên, theo hai giáo sư Toshi Yoshihara và James Holmes của Đại học Chiến tranh hải quân Mỹ, tàu khu trục mới nhất của Trung Quốc vẫn “là quả đấm thép cho các cuộc xung đột ở qui mô khu vực trên các vùng biển châu Á”.
Hai giáo sư cũng là tác giả cuốn sách về sự lớn mạnh của năng lực hải quân Trung Quốc tựa đề “Ngôi sao đỏ ở Thái Bình Dương: Sự vươn lên của Trung Quốc và thách thức đối với chiến lược hàng hải của Mỹ”.
Còn Đài Loan thì lo ngại rằng nếu tàu loại 052D được điều đến vùng biển Thái Bình Dương ở phía đông Đài Loan trong trường hợp có biến cố thì con tàu này sẽ phối hợp với các lực lượng của đại lục bao vây hệ thống phòng không của Đài Loan, khiến máy bay và tên lửa của Đài Loan bị lực lượng của Trung Quốc đe dọa từ mọi hướng.
Các chuyên gia Đài Loan cho rằng Trung Quốc sẽ chế tạo ít nhất 10 chiếc tàu loại 052D để tăng cường cho 6 chiếc tàu loại 052C hiện nay, tạo thành một hạm đội tương đương với 16 chiếc tàu khu trục loại Aegis.
Các tàu tên lửa tấn công tốc độ cao loại Houbei của hải quân Trung Quốc. |
Trong khi đó, Nhật Bản và Hàn Quốclà hai quốc gia châu Á duy nhất còn lại sở hữu các con tàu khu trục tương tự với số tàu lần lượt là 6 chiếc tàu Aegis (Nhật Bản) và 3 chiếc Aegis (Hàn Quốc).
Tình hình đó giúp Hải quân Trung Quốc có thể đối mặt với bất kỳ hạm đội nào của châu Á và có triển vọng dành chiến thắng. Còn trong cuộc đối đầu với Hoa Kỳ thì Trung Quốc chưa có được ưu thế như vậy.
Trong báo cáo mới nhất trình lên Quốc hội Mỹ về tình hình quân sự Trung Quốc, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết Trung Quốc có lực lượng tàu chiến, tàu ngầm và tàu đổ bộ lớn nhất châu Á với 80 tàu chiến chính, hơn 50 tàu ngầm, khoảng 50 tàu đổ bộ và khoảng 85 tàu tấn công tốc độ cao loại nhỏ hơn có trang bị tên lửa.
Trung Quốc ngày càng chế tạo và đưa vào sử dụng nhiều tàu hơn nhằm giúp nước này đạt được mục tiêu của mình về vấn đề Đài Loan cũng như Biển Đông và biển Hoa Đông nếu phải dùng đến vũ lực.
Trong số đó, có thể bao gồm tới 8 chiếc tàu đổ bộ loại 20.000 tấn có thể chở khoảng 800 binh sĩ cùng tàu đệm khí, xe bọc thép và máy bay trực thăng. Hiện nay ít nhất có 2 chiếc tàu đổ bộ loại này đã được đưa vào sử dụng.
Tháng trước, Trung Quốc đã điều động chiếc tàu hộ tống loại 056 đầu tiên, loại tàu chiến 1.800 tấn có trang bị tên lửa chống tàu và có thể hoạt động ở những vùng nước tương đối nông. Hiện 9 chiếc khác đang được chế tạo và theo kế hoạch, Trung Quốc sẽ sở hữu ít nhất 16 chiếc tàu loại này.
Kể từ năm 2004, Trung Quốc cũng đã điều động 60 chiếc tàu tên lửa tấn công tốc độ cao loại Houbei. Với 2 thân làm bằng nhôm và độ mớn nước thấp, những con tàu này dường như được thiết kế để hoạt động tại Biển Đông, vùng biển có nhiều san hô và mỏm đá.
Giáo sư Yoshihara và giáo sư Holmes cho rằng các tàu khu trục, tàu chiến frigate và tàu đổ bộ, tàu hộ tống và tàu tên lửa Houbei của Trung Quốc có thể được kết hợp để tạo thành các nhóm viễn chinh có thể dễ dàng đánh bại các nhóm tàu của hải quân các quốc gia Đông Nam Á. Hai giáo sư cũng cho rằng những hạm đội đó “đặc biệt phù hợp với hoạt động chiếm đảo ở Biển Đông”.
Hiện quân đội Trung Quốc vẫn chưa thể chưa là đối thủ của Mỹ, nhưng rõ ràng Trung Quốc vượt trội hơn bất kỳ đối thủ riêng lẻ nào ở châu Á và khiến chi phí can thiệp của Mỹ sẽ tăng cao hơn, có thể đến mức không thể chấp nhận được.
Tùng Lâm// Theo InfoNet