TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Bắc Kinh phản ứng trái ngược với biểu tình chống Nhật

Hôm qua, các cuộc biểu tình chống Nhật Bản tiếp tục lan rộng tới 80 thành phố ở Trung Quốc và một số nơi biểu tình đã chuyển thành bạo lực. Trước tình hình đó, chính quyền Trung Quốc đưa ra các phản ứng trái ngược nhau đối với các cuộc biểu tình.

 

Bắc Kinh phản ứng trái ngược với biểu tình chống Nhật

Người biểu tình Trung Quốc cùng quốc kỳ và ảnh Chủ tịch Mao Trạch Đông trước cửa Đại sứ quán Nhật ở Bắc Kinh ngày hôm qua.

Các cuộc biểu tình ở thủ đô Bắc Kinh diễn ra khá trật tự với hàng trăm người vây quanh cổng Đại sứ quán Nhật Bản tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc về quần đảo mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư còn Nhật Bản gọi là Senkaku trên biển Hoa Đông.

Các cuộc biểu tình cũng diễn ra tại các thành phố lớn khác như Thượng Hải, Quảng Châu và Thanh Đảo.

Hôm thứ Bảy (17/9), các cuộc biểu tình nổ ra ở hơn 50 thành phố và có một số vụ bạo lực diễn ra. Một nhà máy của Tập đoàn Panasonic ở Thanh Đảo bị đốt và một đại lý bán hàng của tập đoàn Toyota bị cướp phá.

Trên khắp Trung Quốc, người biểu tình kêu gọi tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản. Nhiều cửa hàng và cửa hiệu bán lẻ của Nhật đã bị buộc phải treo các bảng hiệu ủng hộ Trung Quốc trước cửa hàng của mình.

Hôm qua, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda đã yêu cầu Trung Quốc bảo vệ các công dân Nhật Bản và tài sản của họ.

Trên tờ Nhân dân nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, một bài xã luận cho rằng các cuộc biểu tình nên nhận được sự cảm thông. Mặc dù không ủng hộ hành động bạo lực, bài xã luận này cho rằng các cuộc biểu tình là biểu tượng cho lòng yêu nước của nhân dân Trung Quốc.

“Không ai có thể nghi ngờ về tình cảm yêu nước dâng trào khi tổ quốc bị đe dọa. Không ai là không hiểu lòng căm thù và đấu tranh của những người yêu nước khi đất nước bị khiêu khích, bởi lẽ một dân tộc không gan dạ và dũng cảm thì sớm muộn sẽ bị bắt nạt và một đất nước luôn ở thế thấp và không lớn mạnh sẽ luôn bị tấn công”, bài báo bình luận.

Tuy nhiên, một số bài viết trên các tờ báo khác lại cho rằng các cuộc biểu tình nên diễn ra “có chừng mực” và hòa bình.

Hôm nay, dự kiến Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon E. Panetta sẽ đến Bắc Kinh và một số nhà quan sát cho rằng chính phủ Trung Quốc có thể sẽ tìm các hạn chế các cuộc biểu tình.

Hôm qua, trước khi hạ cánh xuống sân bay ở Tokyo, ông Panetta nói với các nhà báo có mặt trên máy bay rằng ông lo ngại các cuộc tranh chấp chủ quyền ở Thái Bình Dương làm tăng “khả năng khi bên này hay bên kia điều chỉnh chệch hướng một chút là có thể dẫn đến bạo lực”.

Ông Panetta Hoa Kỳ không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp chủ quyền nhưng đề xuất biện pháp ngoại giao để giải quyết các cuộc tranh chấp một cách hòa bình. Ông cho rằng một phương án cho các quốc gia tranh chấp là Bộ qui tắc ứng xử mà Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã khởi xưởng.

Mặc dù Nhật Bản kiểm soát quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hơn 1 thế kỷ, Trung Quốc tuyên bố quần đảo này thuộc về mình từ thời xa xưa.

Kể từ khi chính phủ Nhật quyết định mua lại quần đảo này từ một chủ tư nhân, Trung Quốc lại càng gia tăng sức ép với Nhật. Nhật Bản tuyên bố động thái này của mình là nhằm ngăn cản các nhà yêu nước Nhật mua lại quần đảo nhưng Trung Quốc nhìn nhận đây là một bước nhằm củng cố sự kiểm soát của Nhật với quần đảo. Và để đáp lại vụ mua bán này, Trung Quốc điều tàu hải giám có vũ trang hạng nhẹ ra vùng biển quanh quần đảo.

Khủng hoảng ngoại giao Nhật – Trung lại phức tạp hơn sau khi Đại sứ Nhật Bản tại Trung Quốc vừa được bổ nhiệm Shinichi Nishimiya ngày hôm qua đã qua đời ở Tokyo. Ông mới được bổ nhiệm chức vụ đại sứ vào tuần trước và dự kiến sẽ thực hiện nhiệm vụ của mình ở Trung Quốc vào tháng tới.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc liên tiếp đưa ra lời kêu gọi quần đảo phải được trả lại cho nước này với lí do Trung Quốc đã kiểm soát quần đảo này trước khi Nhật xâm chiếm Trung Quốc vào cuối thế kỷ 19.

Hôm qua, có bằng chứng cho thấy một số quan chức chính quyền Trung Quốc có tham gia vào các cuộc biểu tình. Tại thành phố Tây An, các nhà hoạt động mạng Internet đã phát hiện ra một trong các quan chức có mặt trong cuộc biểu tình chống Nhật là giám đốc công an.

Nhà phân tích chính trị Li Weidong cho rằng việc chính quyền Trung Quốc “nới tay” cho các cuộc biểu tình là một kiểu hành xử từ rất lâu của chính quyền nước này: dùng các cuộc biểu tình qui mô lớn để đạt các mục tiêu ngoại giao của mình.

Trong một đoạn tin nhắn gửi cho các bạn bè và đồng nghiệp, ông Li cho rằng người biểu tình Trung Quốc trong những ngày qua giống những người thuộc phong trào Nghĩa Hòa Đoàn – phong trào được triều đại nhà Thanh sử dụng để chống lại sự xâm lược của các đế quốc bên ngoài vào cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Thời kỳ đó, các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn gieo rắc lòng căm thù đối với những thương nhân nước ngoài còn các vị cố đạo truyền giáo và kêu gọi mọi người thanh toán những nhóm người nước ngoài này.

“Bắc Kinh không dám đấu tranh, nhưng cũng không dám bỏ qua vấn đề này. Vì thế chính quyền phải nhờ đến các thành viên Nghĩa Hòa Đoàn, sử dụng chiến lược tẩy chay hàng hóa để gây sức ép tới Nhật Bản”, ông Li nhận xét.

Tùng Lâm
Theo InfoNet

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te