Tháng Tám năm nay, Bắc Kinh và Bình Nhưỡng đã ký thỏa thuận cùng phát triển các vùng kinh tế tự do trên đảo Hvangemphen và Vihvado của CHDCND Triều Tiên (gọi tắt là Triều Tiên), cũng như khu công nghiệp Rason ở mạn đông bắc nước này. Các chuyên gia nhận định rằng đây là một bước tiến trên con đường cải cách kinh tế theo mô hình Trung Quốc.
Trong bối cảnh có vẻ thuận lợi, bỗng vang lên “một tiếng sét giữa trời quang” từ phía Siyan Group, doanh nghiệp nhiều năm tham gia chế biến quặng magnesit ở Bắc Triều Tiên. Ban quản lý công ty tuyên bố họ đã bị các quan chức Triều Tiên lừa dối và sự tham gia liên doanh của họ giống như một "cơn ác mộng". Trái với các thỏa thuận từ trước, phía Triều Tiên đã liên tục tăng chi phí thuê lao động, thuê đất, tiêu thụ điện. Kết quả là công ty liên doanh bắt đầu hoạt động vào tháng 4/2011 đã buộc phải ngừng làm việc. Trong khi đó, Phó Tổng giám đốc U Sishen của Siyan Group lại phê phán chính sách của Bắc Kinh hỗ trợ đầu tư vào Bắc Triều Tiên. Ông này nhấn mạnh rằngTrung Quốc hợp tác với CHDCND Triều Tiên "chỉ bởi những động cơ địa chính trị". Các quan chức Triều Tiên nói rằng những công bố về số phận khoản đầu tư của Siyan Group phản ánh quan điểm của các thế lực thù địch với Bình Nhưỡng.
Chính quyền Trung Quốc cố ý không can thiệp vào cuộc tranh chấp. Theo chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông Roald Saveliev, điều này cho thấy trong tương lai gần Bắc Kinh vẫn sẽ là nhà tiếp tế chủ chốt của Bình Nhưỡng và Bắc Triều Tiên sẽ vận dụng kinh nghiệm của Trung Quốc để cải cách nền kinh tế. Ông Saveliev khẳng định yếu tố chủ đạo là những cân nhắc mang tính chất địa chính trị.
Chuyên gia Saveliev nhận xét: “Trung Quốc và cộng đồng kinh doanh của nước này đã chiếm lĩnh những vị trí vững vàng tại Bắc Triều Tiên. Họ tiếp tục sự hợp tác mà không hề quan tâm đến tới thiệt hại đối với lợi ích của các nước thứ ba, đặc biệt là Hàn Quốc và Nhật Bản. Những động cơ chính trị này cản trở Hàn Quốc và Nhật Bản phát triển mối quan hệ bình thường với Bắc Triều Tiên.”
Tuy nhiên, vụ việc Siyan Group cho thấy, Bình Nhưỡng cũng có những lợi ích riêng. Giới thượng lưu chính trị Triều Tiên dường như nhận thức được rằng không chỉ lấy tên lửa và vũ khí hạt nhân làm công cụ quan trọng trong “cuộc chơi địa chính trị”. Miền Bắc Triều Tiên có 200 loại khoáng sản, trong đó có khối lượng lớn kim loại đất hiếm. Triều Tiên là nước đứng thứ 2 trên thế giới về dự trữ magnesit đã được chứng minh, dự trữ quặng vonfram của nước này đứng thứ 6 trên thế giới. Tranh chấp với đối tác Siyan Group xảy ra trong lĩnh vực khai thác mỏ. Hợp tác trong các dự án cơ sở hạ tầng là một việc, ngành công nghiệp chiến lược liên quan đến khoáng sản lại hoàn toàn là vấn đề khác. Khi mở cửa nền kinh tế cho đầu tư nước ngoài, Trung Quốc vẫn tìm cách hạn chế quyền tiếp cận các ngành công nghiệp chiến lược. Trước việc Trung Quốc là một đối thủ quan trọng trên thị trường các kim loại đất hiếm, Bắc Triều Tiên rất có khả năng sẽ tìm cách khiêu khích các công ty Trung Quốc.
Theo các chuyên viên Hàn Quốc, tổng trị giá nguồn tài nguyên khoáng sản Bắc Triều Tiên ước tính 6.000 tỷ USD. Đối với một quốc gia nhỏ, đó là số tiền rất lớn. Ban lãnh đạo mới của Bình Nhưỡng hiện đang đứng trước những lựa chọn về sử dụng con bài chiến lược này.