Để rộng đường dư luận và cung cấp một cái nhìn đầy đủ từ nhiều góc cạnh, đặc biệt từ phía các chuyên gia nước ngoài, xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này của Tiến sĩ Ian Storey. Nhật Bản có hai mối quan tâm lớn ở vùng biển này. Căng thẳng trên Biển Đông ở mức độ thấp có thể leo thang theo thời gian thành một cuộc xung đột lớn hơn sẽ làm gián đoạn hoạt động giao thông hàng hải. Đây là một tin xấu đối với an ninh kinh tế của Tokyo bởi Biển Đông là tuyến hàng hải đưa hàng hóa Nhật Bản đến các thị trường lớn như châu Âu và Đông Nam Á. Mặt khác 90% dầu thô nhập khẩu của Nhật Bản phải đi qua Biển Đông. Vì vậy Tokyo cũng sẽ theo đuổi một số hoạt động hợp tác song phương trong khu vực. Nhật Bản đã dành ưu tiên nhiều nhất cho Philippines vì lo ngại nước này yếu nhất trong khu vực Đông Nam Á về quân sự.Tiến sĩ Ian Storey phát biểu tại một cuộc hội thảo ở Hà Nội.
Ảnh Nghiên cứu Biển Đông
Nhật Bản không phải một bên tranh chấp chủ quyền trên biển Đông nhưng đang tỏ ra ngày càng quan tâm đặc biệt tới khu vực này. Nền kinh tế lớn thế ba thế giới này có lợi ích trong việc đảm bảo vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh hải ở Biển Đông không gia tăng căng thẳng.Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba. Ảnh Bloomberg
Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba tham dự diễn dàn khu vực ASEAN tại Phom Penh trong tuần này dự định bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên Biển Đông, sau những hành động lấn lướt của Trung Quốc bất chấp công luận và luật pháp quốc tế.
Các nước Đông Nam Á - đặc biệt là bốn nước đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc - hoan nghênh sự tham dự và vai trò của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông. Nhưng sự xuất hiện của Tokyo trên bàn hội nghị về biển Đông sẽ làm trầm trọng thêm “mâu thuẫn” trong quan hệ Trung-Nhật.
Đó là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản sẵn sàng đương đầu với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ mặc dù Tokyo không có quyền lợi trực tiếp. Tokyo vẫn luôn để mắt đến Biển Đông nhưng phải đến năm 2008 người Nhật Bản mới cảm thấy cần thiết có một cách tiếp cận chủ động hơn đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền. Tokyo lựa chọn cách tiếp cận trực tiếp đối mặt với Trung Quốc.
Mặt khác, nếu áp đặt thành công sự thống trị trên Biển Đông, thì không có gì đảm bảo Bắc Kinh không lặp lại chiến thuật đó đối với vùng biển Hoa Đông mà Nhật Bản và Trung Quốc đang tranh chấp chủ quyền.
Trong trường hợp Trung Quốc dụ dỗ các nước Đông Nam Á có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc chấp nhận các “luận cứ lịch sử” phục vụ cho yêu sách của họ, thì điều này sẽ làm suy yếu các quy phạm pháp luật chính thống đang tồn tại như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.
Điều này có thể gây khó khăn cho Nhật bản trong việc giải quyết yêu cầu chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku mà phía Trung Quốc, Đài Loan gọi là đảo Điếu Ngư trên biển Hoa Đông khi Bắc Kinh khăng khăng đòi áp dụng các “luận cứ lịch sử”.
Hơn nữa, Bắc Kinh có thể sắp đặt một tình trạng căng thẳng, hiếu chiến ở khu vực này thì hoàn toàn có thể lặp lại điều đó ở khu vực khác. Như vậy Bắc Kinh có thể kích động một cuộc khủng hoảng về quân sự và ngoại giao lớn trong quan hệ Trung-Nhật.
Điều này giải thích tại sao Nhật Bản quyết tâm đóng một vai trò hàng đầu trong vấn đề kiểm soát khủng hoảng trên Biển Đông thông qua việc tận dụng các diễn đàn đa phương. Tokyo đã kêu gọi duy trì “hòa bình và ổn định” trên Biển Đông thông qua hội nghị thượng đỉnh ASEAN.
Quan trọng hơn, Nhật Bản đã cam kết tăng cường sự hợp tác giữa lực lượng Cảnh sát biển Nhật Bản với các đối tác Đông Nam Á. Điều này rất quan trọng bởi vì trong tranh chấp Biển Đông các bên liên quan không dùng tàu chiến hải quân để bảo vệ bờ biển, chủ quyền mà họ tuyên bố.
Nhật Bản cũng chủ động đề nghị các thành viên Diễn đàn Hàng hải ASEAN hàng năm nên tổ chức mở rộng để gia tăng hoạt động đối thoại giữa ASEAN với các đối tác như Australia, Ấn Độ và Mỹ.
Nhật Bản xem diễn đàn này là một điểm hữu ích để tăng cường khuôn khổ luật pháp quốc tế hiện có và phát triển các cơ chế giải quyết tranh chấp trên Biển Đông.
Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh điều này không đồng nghĩa với việc Nhật Bản hoàn toàn hài lòng khi chỉ làm việc thông qua ASEAN. Tokyo ngày càng tỏ ra thất vọng khi thấy tổ chức này không có khả năng quản lý khủng hoảng, mặc dù Nhật Bản vẫn tiếp tục lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ cho những nỗ lực của ASEAN.
Nhật Bản muốn ASEAN là một khối thống nhất và phản đối các thành viên riêng biệt làm việc với Trung Quốc kể từ khi Tokyo biết Bắc Kinh sẽ có mặt trong kịch bản đó.
Tokyo hiện đang giúp lực lượng Cảnh sát biển Philippines củng cố năng lực, đồng ý về nguyên tắc chuyển nhượng 10 tàu tuần tra hàng hải cho lực lượng này.
Hai bên cũng đã bắt đầu thúc đẩy quan hệ quân sự, thường xuyên đối thoại, trong đó năm nay tàu hải quân Nhật Bản đã đến Philippines và huấn luyện, đào tạo và trao đổi sứ các hoạt động sứ mệnh nhân đạo.
Bên cạnh đó Nhật Bản cũng đã nâng cấp quan hệ quốc phòng với một số nước quan trọng của khu vực và tham gia các cuộc thảo luận với Singapore, Malaysia và Indonesia.
Trung Quốc có thể chống lại các cường quốc can thiệp vào vấn đề Biển Đông, nhưng chính những hành động đó của Trung Quốc lại buộc Nhật Bản không thể không can thiệp.
Tokyo dường như kiên quyết giúp các nước Đông Nam Á tìm thấy một “giải pháp thuận lợi” đối với kênh giải quyết tranh chấp Biển Đông ngay cả khi điều đó khiến Trung Quốc có phản ứng giận dữ trên bàn hội nghị lần này.