Hải quân Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản).
Mối đe dọa với thế giới
Theo Báo Yomiuri Shimbun, sách Trắng quốc phòng năm nay - đã được trình lên nội các và sẽ ra mắt trong vài ngày tới - đặc biệt chú trọng đến việc sức mạnh quân sự của Trung Quốc gia tăng hết sức nhanh chóng, tạo ra mối đe dọa đối với thế giới. Các chuyên gia quốc phòng Nhật Bản nói rằng ngân sách quốc phòng của Trung Quốc đã tăng khoảng 30 lần trong 24 năm qua. Hải quân Trung Quốc cũng gia tăng hoạt động ở biển Hoa Đông và biển Đông qua việc điều động chiến hạm đến khu vực này thường xuyên hơn.
Tiến sĩ Dương Trung Mỹ - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc đương đại ở Nhật Bản - cho biết, nội dung của sách Trắng quốc phòng Nhật Bản năm nay báo hiệu một sự điều chỉnh lớn của Nhật Bản về đường lối ngoại giao và quân sự đối với Trung Quốc. Theo ông, “trước đây không hề có chuyện Nhật Bản công bố sách Trắng quốc phòng chuyên phân tích vấn đề quốc phòng của Trung Quốc. Điều này chứng tỏ Nhật Bản rất nhạy cảm và cảnh giác trước sự lớn mạnh của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự”.
Học giả Trung Quốc đòi cả Okinawa
Trong khi đó, các học giả, chuyên gia và các nhà bình luận thời cuộc ở Trung Quốc gần đây đã thúc giục Chính phủ Trung Quốc chính thức tuyên bố đòi chủ quyền quần đảo Ryukyu (Lưu Cầu) - nằm ở phía nam Nhật Bản, bao gồm cả đảo Okinawa - nơi Mỹ đang đặt nhiều căn cứ quân sự quan trọng. Một bài bình luận hồi đầu tháng 7 của tờ Hoàn Cầu Thời báo đề nghị chính phủ xem xét tới việc thách thức quyền kiểm soát của Nhật đối với đảo Okinawa. Tờ báo này thậm chí cho rằng Trung Quốc không cần e ngại gì trong cuộc tranh giành lãnh thổ với Nhật.
Theo Financial Times số ra ngày 23.7, Thiếu tướng Kim Nhất Nam - người đứng đầu Viện Nghiên cứu chiến lược, Đại học Quốc phòng Trung Quốc - tuyên bố chỉ đòi Nhật Bản trao trả Điếu Ngư Đài là không đủ mà cần phải đòi hỏi đảo Okinawa và phần còn lại của quần đảo Lưu Cầu là lãnh thổ của Trung Quốc. Ông Đường Thuần Phong - cựu tham tán kinh tế của Đại sứ quán Trung Quốc ở Tokyo - cũng cổ súy cho việc xét lại sự thừa nhận của Trung Quốc đối với quyền cai trị của Nhật trên đảo Okinawa.
Chủ trương này tuy chưa được Chính phủ Trung Quốc tán đồng, nhưng sự xuất hiện của những luận điệu quá khích như vậy ở Trung Quốc đang làm cho Nhật Bản và nhiều nước khác cảm thấy bất an. Tờ Washington Post trích lời một chuyên gia về Trung Quốc và Nhật Bản của Đại học Miami - bà June Dreyer - nhận định: “Một khi bạn bắt đầu lập luận rằng một mối quan hệ triều cống tại một thời điểm nào đó trong lịch sử (Vương quốc Lưu Cầu hồi thế kỷ 15 từng cống nộp cho triều đình Trung Quốc - PV) là cơ sở để đòi chủ quyền trong thế kỷ 20, bạn sẽ gây lo ngại cho rất nhiều người. Có rất nhiều quốc gia từng có quan hệ triều cống với Trung Quốc”.
Mưu đồ chiếm cứ biển Đông
Cũng theo trang mạng của tờ Yomiuri ngày 27.7, Nhật Bản đã lên tiếng thúc giục Trung Quốc kiềm chế các hành động đơn phương và làm dịu căng thẳng thông qua đối thoại với Việt Nam. Theo Yomiuri, Trung Quốc muốn đặt “thành phố Tam Sa” làm bàn đạp cho mưu đồ khai thác tài nguyên, nguồn lợi thủy sản và phát triển du lịch trên biển Đông.
Nghiêm trọng hơn, Trung Quốc còn thiết lập “khu vực cảnh giới”, trong đó quân đội Trung Quốc xác lập cứ điểm phòng thủ trọng yếu ở “Tam Sa”. Tuy chỉ có một toán quân Trung Quốc đồn trú tại khu vực này với mục đích bảo vệ đường băng và các cơ sở khác, nhưng có thể nói đây chính là động thái xác lập một tư thế sẵn sàng nhằm dọn đường cho các hành động quân sự chính thức trên biển Đông.
Việc Trung Quốc cố tình sử dụng sức mạnh quân sự áp đảo trước các nước láng giềng như Việt Nam nhằm biến biển Đông thành “biển của Trung Quốc” có thể châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Tình hình thực sự đã lên đến mức báo động – tờ báo này nhận định. Xuất phát từ quan điểm đảm bảo an toàn cho các tuyến hàng hải, an ninh trên biển Đông sẽ mang lại lợi ích quốc gia cho Nhật Bản, mạng tin Yomiuri cho rằng Nhật Bản cần liên kết với Philippines và Việt Nam - hai nước đang bị Trung Quốc đe dọa và tăng cường các hình thức hợp tác với những nước này bằng cách cung cấp tàu tuần tra cũng như đào tạo nhân lực trong lĩnh vực đảm bảo an ninh trên biển.