TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Trung - Nhật: Nghi kỵ sâu thêm

Một cuộc đổi vai đáng chú ý đang diễn ra, Trung Quốc giờ trở thành một trong những nhà đầu tư đáng kể của Nhật, và thay đổi này đang thổi bùng lên những mối hiềm thù nghi kỵ dai dẳng giữa hai nước láng giềng.
 

Những hồ nghi đang dấy lên ngày càng mạnh mẽ khi kế hoạch xây dựng lãnh sự quán mới của Trung Quốc tại thành phố cảng Niigata của Nhật Bản được đưa ra. Những người có quyền thế trong thành phố đã vận động trong suốt nhiều năm với những chuyến viếng thăm tới Bắc Kinh cho công trình xây dựng này với hy vọng thêm nhiều doanh nghiệp và khách du lịch sẽ đến với thành phố 800.000 dân bên bờ biển Nhật Bản.

Tuy nhiên, việc xây dựng lãnh sự quán mới đã vấp phải sự phản đối của người dân địa phương. Khoảng 15.000 người đã biểu tình và ký vào bản kiến nghị phản đối Trung Quốc. Người biểu tình dùng xe tải chặn các con phố. Vào tháng 3 vừa qua, hội đồng thành phố đã thông qua một giải pháp yêu cầu thắt chặt kiểm soát đối với các thương vụ bất động sản giao dịch bởi người nước ngoài. Công trình xây mới lãnh sự quán Trung Quốc đã phải tạm ngưng trong khi Tokyo và Bắc Kinh cố gắng nghĩ xem phải làm gì tiếp theo.

Lãnh sứ quán hiện tại của Trung Quốc ở Niigata. Ảnh: shanghaiist

Ông Shigenobu Fukaya, một thành viên hội đồng thành phố, người đứng đầu phe đối lập cho rằng việc xây dựng lãnh sự quán của Trung Quốc sẽ mang đến “một yếu tố không mong muốn”.

“Thật đáng lo ngại khi có người nước ngoài sống giữa thành phố của chúng ta”, ông phát biểu.

Mâu thuẫn này phản ánh bản chất phức tạp của quan hệ Trung-Nhật với nền văn hóa cùng lịch sử mang những vết sẹo của chiến tranh. Hai quốc gia đã nhiều lần xâm chiếm nhau từ thế kỷ 13. Những hoạt động thương mại đã đưa tôn giáo và súng đến Nhật Bản, cùng gỗ và khoáng sản tới Trung Quốc. Trong bối cảnh gần hơn, vào những năm 30 của thế kỷ trước, Nhật Bản đã chiếm đóng Trung Quốc, gây ra vụ thảm sát dân thường ở Nam Kinh – bóng đen bao trùm mối quan hệ giữa hai nước.

Nhiều người Nhật nhận ra rằng sức mạnh kinh tế đang lên của Trung Quốc có thể giúp Nhật củng cố nền kinh tế của mình, nhưng cùng với đó, mối thù địch cũng gia tăng.

Tháng trước, Nhật Bản đã tạm thời triệu hồi đại sứ tại Trung Quốc trước những đụng độ ngoại giao trong tranh chấp một số đảo nhỏ mà hai quốc gia đều khẳng định chủ quyền. Trước đó, vào tháng 5, Bắc Kinh cũng bày tỏ thái độ tức giận khi những người theo chủ nghĩa dân tộc của Nhật Bản tổ chức một hội nghị dành cho một nhóm những người thuộc dân tộc Duy Ngô Nhĩ đòi ly khai mà Trung Quốc coi là khủng bố.

Một khảo sát gần đây cho biết 84% người Nhật được hỏi có ấn tượng tiêu cực đối với người Trung Quốc, tăng 6 điểm phần trăm so với năm ngoái; và cứ hai trong ba người Trung Quốc cũng có ý kiến tương tự đối với người Nhật.

Với nhiều người dân Nhật Bản, nguồn đầu tư từ Trung Quốc nhắc họ về vị thế giảm sút của quốc đảo này trên trường quốc tế, khi mà Trung Quốc, với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhiều năm liền, đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, vị trí mà Nhật đã nắm giữ trong hơn bốn thập kỷ qua.

"Một mặt, Nhật Bản muốn tận dụng sự trỗi dậy của Trung Quốc. Mặt khác, Nhật không thể ngừng lo ngại. Nhật chưa xác định được cách sống chung với dòng tiền mới và những người mới đến", Jianmin Jin, một kinh tế gia người Trung Quốc chuyên nghiên cứu mói quan hệ Trung - Nhật, làm việc tại Viện nghiên cứu Fujitsu từ năm 1998, nói.

Khó có thể biết chính xác số tiền đầu tư từ Trung Quốc vào Nhật bởi bởi có nhiều thương vụ đi qua nước thứ ba để tránh bị để ý. Theo thống kê chính thức từ Bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của nước này vào Nhật lên tới 338 triệu USD vào năm 2010, tăng 20 lần so với 5 năm trước. Năm sau đó giảm đôi chút do ảnh hưởng của thiên tai sóng thần và động đất.

Quỹ đầu tư chính phủ của Trung Quốc cũng đang mua lại cổ phiếu của các công ty Nhật Bản, chiếm 1% tổng cổ phiếu công ty niêm yết trên sàn chứng khoán Tokyo, theo báo cáo tháng 6 của tờ Nihon Keizai Shimbun.

Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng đã hỗ trợ các công ty của Nhật Bản chịu ảnh hưởng của trận động đất và thảm họa hạt nhân Fukushima năm ngoái. Công ty Công nghiệp Hon Hai có trụ sở tại Đài Loan, chuyên lắp ráp các sản phẩm của Apple tại Trung Quốc dưới tên Foxconn đã đồng ý mua 10% cổ phần của tập đoàn điện tử hàng đầu Nhật Bản Sharp vào tháng 3.

Nhìn dưới góc độ nào đó, những động thái của Nhật Bản trước sự đầu tư ồ ạt của Trung Quốc cũng giống như phản ứng của nước Mỹ trong những năm 80 và đầu những năm 90, khi Nhật Bản đầu tư vào các địa danh nổi tiếng của Mỹ như Trung tâm Rockefeller ở New York và sân golf bãi biển Pebble tại California. Những đầu tư của Nhật Bản khi đó cũng làm dấy lên nhiều phản đối, đến mức một bộ luật được thiết lập năm 1988 cho phép chính quyền phong tỏa các thương vụ mua lại và sáp nhập nếu thấy đe dọa tới an ninh quốc gia.

Hiện nay tại Nhật Bản, những phản ứng dữ dội bùng phát ngay khi các nhà đầu tư Trung Quốc cập bến. Các nhà lập pháp Nhật Bản suy đoán các công ty Trung Quốc muốn có được công nghệ hoặc thông tin quân sự.

Biểu đồ so sánh kim ngạch thương mại hai chiều, GDP, chứng khoán và dự trữ quốc tế giữa Trung Quốc và Nhật Bản trong những năm gần đây. Đồ họa: WSJ

Trong khi đó, một số người Trung Quốc lại cho rằng sự phân biệt chủng tộc gây ra nhiều khó khăn cho họ khi kinh doanh tại đây. Sau nhiều năm học tiếng Nhật, bà Sun Rong Qing từ Đại Liên đến Niigata năm 2006 để mở một chi nhánh của công ty kinh doanh thực phẩm. Tuy vậy, nữ doanh nhân 53 tuổi này đã rất khó khăn để xây dựng các mối quan hệ khi mà một số người từ chối bắt tay bà tại các sự kiện, thậm chí còn gọi bà bằng những cái tên xúc phạm. Cuối cùng, chi nhánh này đã phải đóng cửa, và hiện tại bà Sun đang làm việc cho một nhà nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản.

Tại thủ đô Tokyo, nỗ lực xây dựng khu phố Hoa tại Tokyo – Tokyo Chinatown – nhằm thu hút khách du lịch cũng như người dân Tokyo đã bị cản trở bởi những chủ doanh nghiệp không phải người Trung Quốc và quan chức địa phương. Ý tưởng này được đưa ra từ năm 2008 nhưng không thể thực hiện được bởi nhiều người địa phương phàn nàn về lối sống của những người láng giềng. Thậm chí, khi những doanh nhân người Hoa tổ chức tiệc rượu, lời mời của họ gửi đến các đồng nghiệp Nhật thường bị lờ đi.

"Cùng với nhau, chúng ta có thể làm nhiều điều để phát triển khu vực này", Hu Yifei, một nhà tư vấn doanh nghiệp và từng làm việc cho một hãng Nhật, nói. Ông Hu ủng hộ ý tưởng xây dựng Chinatown ở Tokyo. "Thế như việc xây đắp tình bạn thật khó".

Chủ tịch liên đoàn các chủ hiệu, ông Mitsuru Miyake, phản đối ý tưởng về một khu phố Hoa trên đất Tokyo. "Nếu họ đến đây, cùng làm ăn thì được", ông nói. "Nhưng tôi không thể chấp nhận ý tưởng biến cả nơi này thành một Chinatown và rồi kinh doanh theo cách của họ". Miyake nói khu phố này cũng đã đầy khách hàng rồi.

Trở lại thành phố cảng Niigata, nơi dân số đang giảm đi và nền kinh tế đang sa sút với sản lượng kinh tế ở mức âm 10 năm trong số 13 năm qua, tính đến số liệu gần đây nhất năm 2009. Hàng loạt cửa hiệu đã phải đóng cửa, ngay cả ở những khu vực sầm uất nhất.

Mặc dù tòa lãnh sự quán Trung Quốc ở đây vẫn còn gây nhiều tranh cãi, không thể phủ nhận những lợi ích mà quan hệ với Trung Quốc đem lại. Phó thị trưởng quận Niigata cho rằng “củng cố mối quan hệ với Trung Quốc là cách duy nhất để cạnh tranh với các thành phố lớn”.

Nhiều hãng lữ hành đang thiết kế những tour du lịch mới cho du khách Trung Quốc vốn thích hoa anh đào và những suối nước nóng. Những người đứng đầu của hơn 100 công ty Trung Quốc sẽ đến thành phố này vào tháng 9 tới dự hội thảo dành cho những nhà đầu tư triển vọng.

Tuy nhiên, nhiều người dân ở đây, bao gồm cả các thành viên hội đồng thành phố, cảm thấy Niigata đang mất nhiều hơn là được khi người Trung Quốc hiện diện nơi đây. Một vài người suy đoán kế hoạch xây dựng tòa lãnh sự dành cho 17 nhân viên rộng 16.000 mét vuông nhằm mục đích gián điệp.

Tháng 3 vừa qua, hội đồng thành phố đã bỏ phiếu cho một nghị quyết đề nghị chính phủ hạn chế việc giao dịch bất động sản bởi người nước ngoài có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia. 30 đại biểu bỏ phiếu thuận, 23 bỏ phiếu trắng và chỉ có một phiếu chống. Ngay lập tức, các đại biểu bỏ phiếu trắng bị tấn công trên các blog nặc danh. Một chính trị gia còn bị gọi là “kẻ phản bội”.

Cuộc bỏ phiếu này tuy không thể ngăn việc xây dựng, nhưng cũng đã tạo áp lực lên chính phủ, khiến Tokyo phải yêu cầu Bắc Kinh cần "giành được sự thông cảm của người dân địa phương" trước khi tiếp tục dự án.

Trong phiên họp gần đây của nghị viện, khi được hỏi về tranh cãi xung quanh vấn đề này, Bộ trưởng Ngoại giao Koichiro Gemba cho biết chính phủ đã yêu cầu Bắc Kinh đưa ra giải thích cụ thể về mục đích của lãnh sự quán mới.

“Vấn đề giao dịch bất động sản bởi người nước ngoài là một chủ đề mà chúng ta sẽ phải xem xét rộng hơn trong những năm tới”, ông Gemba phát biểu.

Thu Trà (theo WSJ) //(Vnexpress)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te