Đài NHK và báo Yomiuri Shimbun hôm qua đưa tin quyết định trên được đưa ra tại cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto và người đồng cấp Mỹ Leon Panetta ở Washington ngày 5.8. Theo báo Taipei Times của Đài Loan, ít nhất 3 chiếc RQ-4 Global Hawk đã có mặt tại căn cứ không quân Andersen ở Guam từ tháng 9.2010 nhằm tăng cường năng lực do thám của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương.
|
Lâu nay, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản chủ yếu trông cậy vào các máy bay do thám P-3C “Orion” để giám sát hoạt động của Trung Quốc tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Bắc Kinh và Tokyo đang tranh chấp. Vì thế, chuyên gia Tetsuo Kotani, thuộc Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế của Nhật Bản, nhận định việc triển khai máy bay RQ-4 Global Hawk là một “bước đi quan trọng” đối với liên minh Washington - Tokyo. Theo ông Kotani, đây là một thông điệp mạnh mẽ khẳng định Washington sẽ “sát cánh chặt chẽ” với Tokyo. Dù Mỹ không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp chủ quyền tại Senkaku/Điếu Ngư, nhưng một số người tin rằng quần đảo này nằm trong phạm vi điều 5 của Hiệp ước Hợp tác và An ninh song phương Mỹ - Nhật.
Trong một diễn biến khác, AP hôm qua dẫn lời đô đốc Robert J. Papp, Tư lệnh Lực lượng tuần duyên Mỹ, vừa cho biết Tàu tuần duyên Rush đã truy bắt một tàu cá vì nghi sử dụng phương pháp đánh bắt bị cấm trên toàn thế giới. Ông Papp cho biết tàu chở theo các công dân Trung Quốc và những người này sẽ được chuyển giao cho Bắc Kinh để tiến hành truy tố. Tuy nhiên, đô đốc Papp không tiết lộ thời gian và địa điểm xảy ra vụ truy bắt. Trong khi đó, Tàu tuần duyên Rush vốn được điều đến vùng biển Alaska.
Indonesia quan ngại về biển Đông AFP hôm qua dẫn lời Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa, phát biểu bên lề lễ kỷ niệm 45 năm ngày thành lập ASEAN, cảnh báo “nguy cơ căng thẳng hơn nữa” trên biển Đông nếu các bên tranh chấp không đạt “một cách tiếp cận chung”. Tuy nhiên, ông Natalegawa cũng tuyên bố lạc quan rằng Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) sẽ được thỏa thuận vào cuối năm nay. Phát biển trên của Ngoại trưởng Indonesia được đưa ra sau khi Trung Quốc ngang nhiên thành lập cái gọi là “TP.Tam Sa” xâm phạm chủ quyền Việt Nam rồi triển khai quân đội đồn trú tại đây. Cũng liên quan đến biển Đông, Đài Loan tiếp tục gây rối khi tuyên bố đã tăng cường phòng thủ trên đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Báo China Post hôm qua đưa tin Cơ quan Phòng vệ Đài Loan đang hợp tác với Cơ quan Tuần duyên tăng tường sức mạnh phòng thủ tại Ba Bình. |
Trùng Quang//(Thanh Niên)