Là sản phẩm của thời kỳ “chiến tranh lạnh”, căn cứ tên lửa của Liên Xô tại ngoại ô Berlin từng là mục tiêu theo dõi gắt gao của rất nhiều lượt máy bay do thám nhưng chưa từng bị phát hiện...
Vào thời điểm năm 1954 cánh rừng Brandenburg, ngoại ô Berlin ngày nay khi ấy vẫn là lãnh thổ Đông Đức do Liên Xô kiểm soát. Và căn cứ tên lửa hạt nhân Vogelsang được Liên Xô xây dựng chính là để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất khi chiến tranh nổ ra giữa phe Tây Âu và Đông Âu.
Được xây dựng 3 năm trước khi cuộc khủng hoảng tên lửa tại Cuba nổ ra và trang bị những tên lửa có sức công phá gấp 20 lần quả bom nguyên tử từng tàn phá Hiroshima, mục tiêu của các tên lửa này chính là các căn cứ quân sự của phương Tây trong đó có các căn cứ tên lửa hạt nhân của Anh.
Để ngụy trang cho căn cứ này quân đội Liên Xô đã cho xây dựng nhiều công trình để khiến khu vực này thoạt trông cũng giống như một thị trấn bình thường với những tượng đài, bức bích họa dành cho thiếu nhi, những con thuyền nhỏ đi lại trên hồ và một vài chiếc xe tăng tuần tiễu án ngữ bên ngoài.
Nhưng căn cứ thật sự nằm ở phía đầu kia của thị trấn với những lô cốt được phủ bằng cát chứa tên lửa và nhiều căn hầm bê tông bọc thép để chứa đầu đạn. Và cách đó không xa là một khu rừng thưa, rất phù hợp để phóng tên lửa. Với những hàng cây bao quanh, khó có gián điệp nào có thể thấy rõ, và ngay cả các máy bay do thám thời đó cũng đành bất lực.
Chính ở giữa khu rừng này có một khu bệ phóng bằng bê tông sẵn sàng làm bệ đỡ cho các ống phóng tên lửa. Với tầm bắn tới 1200 km, những tên lửa này có thể dễ dàng bao phủ nước Pháp và vươn tới London cách đó 1000 km.
Dấu vết còn lại của bệ đỡ cho các vụ phóng tên lửa
Theo một bản báo cáo bí mật của CIA được công bố sau “Chiến tranh lạnh”, khác với khu căn cứ tên lửa tại Cuba dễ dàng bị phát hiện từ trên không, căn cứ của Liên Xô tại Đông Đức rất khó phát hiện. Và phe Tây Âu lúc đó chỉ có thể biết đến căn cứ này sau các phán đoán thông qua những sự kiện rời rạc.
Đầu tiên người Mỹ biết đến một loại tên lửa mới cùng một hệ thống xe chuyên chở đang được Liên Xô sử dụng sau khi những khí tài này được đưa ra diễu hành trong ngày 1/5/1957 và 1960. CIA đặt tên cho loại tên lửa này là Shyster hay SS-3 (người Nga gọi là R-5). Nhưng câu hỏi lớn nhất là Liên Xô sẽ đặt chúng ở đâu bởi khoảng cách từ Liên Xô tới các mục tiêu của phương Tây vượt ngoài tầm bắn.
Nhưng các thông tin bắt đầu được ghép nối. “Không lâu sau nửa đêm ngày 20/4/1959, một đoàn xe quân sự Liên Xô dẫn đầu bởi 2 xe tải loại GAZ-69A đã được nhìn thấy đi về từ hướng sân bay Jueterbog-Damm và một đường xe lửa ở phía Tây Bắc dọc ngoại ô phía Tây Jueterbog”, báo cáo của CIA viết.
Một vài tháng sau, một thông tin quan trọng khác được ghi nhận khi một đoàn 8 xe tải lớn giống loại xe từng sử dụng trong lễ diễu hành tên lửa Shyster bị nguồn tin của CIA nhìn thấy đang được chuyển vào Đông Đức bằng xe lửa ngày 9/9/1959. Ngoài ra các chuyến hàng quân sự đặc biệt được vận chuyển bằng tàu hỏa, bị nghi chở các tên lửa không xác định của Liên Xô cùng các thiết bị liên quan cũng được phát hiện tại nhiều địa điểm ở Đông Đức trong năm 1959.
Chính nhờ các đầu mối này CIA kết luận rằng khu rừng phía Bắc Berlin chính là nơi được chọn để phóng các loại vũ khí hạn nhân từ các thiết bị phóng di động. “Việc sử dụng các tên lửa Shyster tại căn cứ ở Đông Đức sẽ tăng cường năng lực tên lửa của Liên Xô trước các mục tiêu của NATO ở Tây Âu và Anh”, bản báo cáo kết luận.
Sau này một điệp viên CIA cho biết lãnh đạo của Liên Xô đã từng hỏi một kỹ sư quân sự phải cần bao nhiều tên lửa hạt nhân để hủy diệt Anh và Pháp. Trước khi kỹ sư này trả lời, chủ tịch ủy ban công nghiệp quân sự đã đáp “5. Pháp có thể phải cần nhiều hơn, 7 tới 9 tùy việc lựa chọn mục tiêu”.
Những tên lửa này sau đó được phát hiện đặt tại chính Đông Đức ở 2 căn cứ Vogelsang và Fuerstenburg. Mỗi căn cứ trang bị 6 tên lửa. Dù vậy sau đó đến cuối năm 1959 Liên Xô bất ngờ rút các tên lửa khỏi đây mà CIA đến giờ vẫn không rõ nguyên nhân.
Nhiều thập niên sau đó Vogelsang trở thành tổng hành dinh của đơn vị tăng số 25 của Liên Xô và là căn cứ quân sự lớn thứ ba của Liên Xô tại Đông Đức. Kể năm 1994, khi những đơn vị cuối cùng của Liên Xô rút đi, cây rừng đã kịp bao phủ và xóa mờ mọi dấu tích. Giữa những rằng cây xanh ngút tại nơi này, thật khó tưởng tượng rằng những quả tên lửa hạt nhân hủy diệt hàng loạt đã từng có nguy cơ phóng đi từ đây.
Một số hình ảnh về căn cứ tên lửa của Liên Xô bị bỏ hoang tại Đức
Những bức bích họa bằng tiếng Nga
Thanh Tùng
Theo BBC, Dân Trí