TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tổng thống Nga Vladimir Putin: Không để ai xỏ mũi

Chiều ngày 17/10 vừa qua, tại phiên họp Ủy ban hợp tác quân sự-kỹ thuật Nga ở dinh thự Novo-Ogarevo, ngoại ô Moskva, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố rằng, không một thế lực nào có thể ép buộc nước Nga phải tiến hành các hoạt động thương mại với các nước khác như thế nào. Đồng thời, ông cũng chỉ thị nâng quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật với các nước trong BRICS (Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi) và Việt Nam lên một mức độ mới về chất.

Tổng thống nga Putin


Chủ động theo ý mình


Tham gia Ủy ban hợp tác quân sự-kỹ thuật Nga có khá đông những gương mặt thuộc dạng quyền lực nhất trong bộ máy chính quyền. Thí dụ như cựu Phó Thủ tướng và cũng từng là Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Ivanov,  hiện đang là lãnh đạo Văn phòng Tổng thống, một vị tướng an ninh, bạn thân thiết của ông Putin. Tham gia Ủy ban còn có Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nikolai Petrushev; Phó Thủ tướng Dmitri Rogozin; Ngoại trưởng Sergei lavrov; Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại  Denis Manturov; Bộ trưởng Quốc phòng Anatoly Serduykov; Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov; Giám đốc Cơ quan Tình báo Đối ngoại Mikhail Fradkov (cựu Thủ tướng)…

Tại phiên họp Ủy ban hợp tác quân sự-kỹ thuật Nga ở dinh thự Novo-Ogarevo Tổng thống Putin đã thẳng thắn vinh danh nước Nga như một cường quốc, đứng ở vị trí thứ hai thế giới trên thị trường buôn bán vũ khí quốc tế. Ông nói: “Chúng ta nâng niu danh tiếng của một đối tác tận tụy và có trách nhiệm trong lĩnh vực hợp tác quân sự kỹ thuật. Những hợp đồng vũ khí và khí tài quân sự chỉ được ký với những chính quyền hợp pháp, chính danh và chỉ để tăng cường năng lực quốc phòng của các quốc gia có chủ quyền. Và được tính toán toàn diện về bối cảnh tình hình ở từng khu vực trên thế giới. Không phải tất cả những nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu hiện nay thực hiện các phi vụ của mình với thái độ cẩn trọng như thế…”.

Tổng thống Putin cho rằng, quan điểm của Moskva là đúng đắn khi chỉ chấp nhận những sự hạn chế cung cấp vũ khí cho khu vực này hay khu vực từ lệnh cấm vận do Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đưa ra: “Trong mọi trường hợp còn lại không ai dưới bất kỳ lý do nào có thể ép buộc nước Nga hay bất cứ một quốc gia nào khác giao thương với ai hay theo cách nào.
Những hạn chế hay lệnh cấm một chiều hoặc tập thể từ một nhóm các thế lực nào đó, nhưng nằm ngoài khuôn khổ Hội đồng Bảo an LHQ, thêm vào đó lại còn bị ảnh hưởng từ các yếu tố chính trị, không phải là các chuẩn mực luật pháp quốc tế.  Cùng với tất cả những hệ lụy có thể nảy sinh. Chúng ta dự định sẽ tiếp tục phát triển sự hợp tác như thế với cam kết sẽ mặc nhiên thực hiện mọi trách nhiệm đã nhận về phần mình”. Nước Nga, trong lời khẳng định của ông Putin, sẽ không để cho bất cứ một thế lực nào dắt mũi mình trong các công việc nội bộ và quốc tế…

Tổng thống Putin cũng đã đánh giá rằng, kế hoạch xuất khẩu vũ khí của nước Nga trong năm nay đang được thực hiện đúng tiến độ.  Tính tới ngày 1-10-2012, Moskva đã xuất được tổng lượng vũ khí khí tài quân sự lên tới 10,7 tỉ USD. Tức là bằng khoảng 80% kế hoạch cả năm. Trên cơ sở này có thể hy vọng rằng nước Nga hoàn toàn có đủ năng lực để nâng tổng lượng vũ khí khí tài xuất khẩu lên mức cao hơn so với năm 2011. Theo ông Putin, xu thế này cần được củng cố ngày một vững chãi hơn.

Cũng phải nói thêm rằng, theo số liệu do Viện Nghiên cứu Hòa bình Thế giới Stockholm (SIPRI), đứng đầu thế giới hiện nay về xuất khẩu vũ khí vẫn tiếp tục là Mỹ, chiếm 30% tổng sản phẩm toàn cầu. Vị trí thứ hai của nước Nga tương đương với 23%. Tiếp theo là Đức (9%), Pháp (8%) và Anh (4%)…

Thời mới, cách làm mới

Cũng theo Tổng thống Putin, trên thị trường vũ khí khí tài quân sự quốc tế luôn diễn ra những cạnh tranh khốc liệt. Chính vì thế nên Moskva cần phải sẵn sàng áp dụng những cách tiếp cận mới về chất, mềm dẻo và nhanh nhạy. Và chính trên cơ sở này nước Nga sẽ phát triển sự hợp tác quân sự kỹ thuật với các đối tác trong nhóm BRICS  cũng như với Việt Nam.

Theo ông Putin, các quốc gia BRICS trong những năm gần đây đã tạo được nhịp điệu phát triển cao cả về chính trị, kinh tế và công nghệ. Tại các nước BRIKS hiện có tới 43% dân số toàn thế giới; tổng lượng GDP của các nước này bằng khoảng một phần năm GDP toàn cầu… Giữa Moskva với các nước BRICS đã thiết lập được kênh đối thoại mang tính xây dựng trong khuôn khổ các liên hiệp. Các bên đã hợp tác được với nhau trong nhiều lĩnh vực chính trị toàn cầu và khu vực. Các mối quan hệ thương mại và đầu tư cũng trên đà tăng trưởng. Liên quan tới sự hợp tác quân sự kỹ thuật, ông Putin cho biết, Ấn Độ và Trung Quốc vẫn tiếp tục là các đối tác then chốt truyền thống của Moskva. Và cũng theo hướng này, nước Nga đang dự định và bắt tay vào để xây dựng quan hệ với Brazil và Nam Phi.

Đặc biệt, Tổng thống Putin đã xác nhận rằng, trong lĩnh vực hợp tác vũ khí kỹ thuật, Việt Nam là một đối tác đã được thử thách của nước Nga: “Sau một chút hơi ngưng nghỉ ở những năm 90, hiện nay chúng ta đang thường xuyên tăng cường sự hợp tác quân sự kỹ thuật”. Nói một cách công bằng, mặc dù là một chính trị gia theo đường lối thực tế, nhưng Tổng thống Putin vẫn có những tình cảm với những quốc gia xa xôi cùng nằm trong hệ thống xã hội chủ nghĩa trước kia. Ngay từ khi mới bước vào Điện Kremli đầu thế kỷ XXI, ông đã chủ trương nối lại và phát triển các mối quan hệ gần gũi hơn với những đối tác cũ của Liên bang Xôviết và luôn cho rằng, việc xao lãng hay gián đoạn các mối quan hệ gần gụi truyền thống giữa Moskva với họ “là một sai lầm”.

Còn nhớ, trong chuyến thăm nước ta lần đầu tiên vào đầu tháng 3/2001, ông Putin, đã rất xúc động buổi lễ gặp mặt các cựu lưu học sinh từng tốt nghiệp các học đường Xôviết và Nga tổ chức tại Cung văn hóa Hữu nghị ở Hà Nội. Khi hòa cùng tất cả thầm thì cất lên giai điệu bài hát Chiều Mátxcơva, trên mi mắt Tổng thống Putin dường như sắp sửa trào ra giọt lệ cảm kích. “Tôi thật sự  kinh ngạc trước thịnh tình của người dân thường nước Việt đón chào chúng tôi. Không thể nào đạo diễn trước một tình cảm như thế. Vậy thì tại sao lại để mất một trữ lượng tình hữu nghị từng được bao nhiêu thế hệ gây dựng nên như vậy? Đó là một yếu tố rất quan trọng cơ mà”.

Cũng tại phiên họp Ủy ban hợp tác quân sự-kỹ thuật Nga ở dinh thự Novo-Ogarevo, Tổng thống Putin nhận định, ở thời điểm hiện nay, tiềm năng kỹ nghệ, công nghiệp và khoa học của các đối tác kể trên cũng như của chính nước Nga đã gia tăng đáng kể. Chính vì thế nên phải nâng quan hệ hợp tác quân sự-kỹ thuật với các nước trong BRICS và Việt Nam lên một mức độ mới về chất. Điều đó có nghĩa sẽ chuyển từ quan hệ buôn bán thông thường sang hợp tác nghiên cứu-sản xuất-chế tạo vũ khí và trang thiết bị quân sự, thành lập các trung tâm dịch vụ, bảo hành và nâng cấp vũ khí, hợp tác xuất khẩu vũ khí và trang thiết bị quân sự sang thị trường các nước thứ ba…

 
Phạm Huy Dũng
Theo An Ninh Thế Giới

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te