Israel thường được cho là luôn đứng cùng phe với Mỹ và phương Tây trong các quan hệ quốc tế, tuy nhiên điều đó không phải lúc nào cũng đúng.
Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác kinh tế, thương mại và công nghệ giữa Israel và Trung Quốc hồi tháng 9/2012. |
Thế nhưng Israel phải làm gì với những quan ngại với đồng minh thân cận nhất của mình là Mỹ khi mà trong suốt 6 thập niên qua, người Mỹ đã tìm mọi cách ngăn cản Israel đến quá gần với Trung Quốc?
Israel thường được cho là luôn đứng cùng phe với Mỹ và phương Tây trong các quan hệ quốc tế, tuy nhiên điều đó không phải lúc nào cũng đúng. Các nhà lãnh đạo Israel hiện đại đã tìm kiếm đối tác ở bất cứ nơi nào có thể và họ không tự buộc mình vào một chiều hướng cố định.
Chẳng hạn như khi phải đối mặt với thái độ thù địch của thế giới Arab trong những ngày đầu lập quốc, Thủ tướng đầu tiên của Israel David Ben-Gurion và Ngoại trưởng Moshe Sharett đã tích cực khai thác mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực Trung Đông như Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Nhưng sự chú ý của Israel cũng không bị giới hạn ở Trung Đông hoặc phương Tây. Ngay sau khi kết thúc cuộc chiến năm 1948, Israel là nước đầu tiên ở Trung Đông và là nước tư bản thứ bảy công nhận Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào ngày 09/1/1950.
Tuy nhiên mãi đến năm 1992, Israel mới thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc. Lý do của sự trì hoãn này theo Hoàn Cầu là do sự can thiệp của Mỹ khi lập trường của Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi cuộc Chiến tranh Lạnh cũng như do sự bùng nổ của cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Nhiều người còn nhớ vào năm 2000, Mỹ đã gây sức ép buộc Israel phải hủy bỏ thỏa thuận cung cấp hệ thống trinh sát Phalcon cho Trung Quốc. Tuy nhiên ít người biết rằng Mỹ đã tìm cách phong tỏa quan hệ Trung Quốc – Israel từ đầu những năm 1950.
Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc Trần Bỉnh Dức gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Israel Ehud Barak |
Ngày nay, khi Israel muốn tăng cường hợp tác với Trung Quốc, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đã cử các Bộ trưởng công du tới Trung Quốc nhằm thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước. Lợi ích của Israel trong động thái này rất rõ ràng: Israel mong muốn có được những đối tác và thị trường mới, đồng thời thuyết phục được Trung Quốc trong vấn đề hạt nhân ở Iran.
Bên cạnh các phát minh và công nghệ mới, Israel còn mang tới cho các nhà đầu tư Trung Quốc cơ hội khai thác những mỏ khí đốt mới giúp Trung Quốc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng.
Về phía mình, Trung Quốc mong muốn sự ổn định ở Trung Đông, đảm bảo nguồn cung năng lượng và khẳng định thêm vị trí của mình trên trường quốc tế trong thời kỳ quan hệ căng thẳng với các quốc gia láng giềng, đặc biệt là trên khu vực Biển Đông.
Trung Quốc đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối đối với chương trình hạt nhân của Iran và đã cảnh báo Iran về ý định đóng cửa eo biển Hormuz. Điều thú vị là hai đối tác đối ngoại bền vững nhất của Trung Quốc ở khu vực Trung Đông lại chính là Iran và Israel.
Bởi vậy, đây chính là thời cơ chín muồi để Trung Quốc và Israel tăng cường quan hệ hơn nữa, bất chấp khả năng phản đối của Mỹ.
Mặc dù Mỹ đang cố gắng hạn chế quan hệ quân sự giữa Israel và Trung Quốc nhưng hai nước vẫn thu được nhiều thành quả hợp tác đáng kể.
Israel đã giúp quân đội Trung Quốc huấn luyện lực lượng cảnh sát vũ trang chống khủng bố, còn tàu hải quân của Trung Quốc đã có chuyến thăm tới Israel hồi tháng 8. Quan hệ hợp tác này giữa Trung Quốc và Israel không gây hại gì cho các lợi ích căn bản của Mỹ, và quan hệ giữa Mỹ và Israel vẫn bền vững như trước.
Khu trục hạm Thanh Đảo của hải quân Trung Quốc tới thăm quân cảng Haifa của Israel hồi tháng 8 |
Quan hệ tốt đẹp giữa Israel và Mỹ có thể là một tài sản vô giá đối với Trung Quốc. Trung Quốc có thể tận dụng quan hệ ba bên Mỹ-Israel-Trung Quốc để cải thiện quan hệ với Mỹ vì quan hệ Mỹ-Trung vẫn là quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới trong tương lai gần.
Hoàn Cầu kết luận: Israel đã phải đối mặt với lựa chọn khó khăn nhưng vẫn sẵn sàng nắm bắt cơ hội. Vấn đề là Trung Quốc đã sẵn sàng nắm lấy cơ hội đó hay chưa?