TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tủ sách biển Đông: Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa

Là công trình nghiên cứu khoa học độc lập và nghiêm túc, không đứng về quan điểm của bên nào trong tranh chấp nhưng vẫn chứng thực chủ quyền của Việt Nam trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
 

 

“Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” là công trình nghiên cứu này của học giả người Pháp Monique Chemillier - Gendreau, nguyên bản tiếng Pháp có tên “La souveraineté sur les archipels Paracels et Spratleys”do Nhà xuất bản L’Harmattan Paris (Pháp) công bố vào tháng 3/1996.

Bà Monique Chemillier - Gendreau là giáo sư công pháp và khoa học chính trị tại Trường đại học Paris – VII – Denis Diderot, nguyên Chủ tịch Hội luật gia dân chủ Pháp, Chủ tịch Hội Luật gia châu Âu.

Mới đây, bà cũng tham gia Hội thảo quốc tế chủ đề "Biển Đông: Đây có phải là không gian khủng hoảng mới không?" do Học viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức vào 16/10 vừa qua.


Bản tiếng Việt của công trình do TS Nguyễn Hồng Thao dịch, được NXB Chính trị quốc gia (NXB Sự thật) in lần đầu năm 1998 và tái bản lần 1 năm 2011, . 

Điểm khác biệt của công trình này là việc rà soát các tài liệu lưu trữ của Pháp, với khoảng gần 50 phụ lục đính kèm, gồm các bản đồ, thư và quyết định của chính quyền Pháp trong thời kỳ đô hộ Việt Nam.

Bằng cách dựa vào các tài liệu lưu trữ và tài liệu pháp lý mà tác giả thu thập được, bà đề cập việc nghiên cứu quy chế của các quần đảo qua bốn chương của cuốn sách:

 

Bìa cuốn sách ấn bản tiếng Việt.

Bìa cuốn sách ấn bản tiếng Việt.

 


- Chương I: Các dữ kiện chung liên quan đến các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
- Chương II: Việc thụ đắc danh nghĩa ban đầu.
- Chương III: Sự tiến triển tiếp theo của danh nghĩa.
- Chương IV: Các kết luận và các cơ sở giải quyết tranh chấp.

 

 

Trung Quốc: từ thờ ơ tới tham vọng

Xem xét các sự kiện tranh chấp trên biển Đông tới năm 1995, bà Monique Chemillier - Gendreau cho rằng, các sự kiện cho thấy một cách hùng hồn tham vọng không thể dập tắt của Trung Quốc trong khu vực, nhưng cũng cho thấy cả sự bền bỉ của Việt Nam trong việc nhắc lại một danh nghĩa tiền thuộc địa…”.

Trong đại sự ký tranh chấp biển Đông mà bà Monique Chemillier - Gendreau liệt kê, bắt đầu từ trước thế kỷ 18 đến thời vua Gia Long  khẳng định chủ quyền của An Nam trên các quần đảo và về sau này. Kết luận cũng trùng khớp với đa phần các công trình nghiên cứu của học giả Việt Nam về việc Trung Quốc thờ ơ trước Hoàng Sa và Trường Sa, đồng thời không có một căn cứ nào chứng minh hành động quyền lực của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa cho tới giữa thế kỷ 20.

Sự thờ ơ có thể coi như tuyên bố phủ quyết chủ quyền của Trung Quốc trên hai quần đảo Hoàng Sa tiêu biểu mà bà nhắc đến là vụ đắm tàu xảy ra tại quần đảo Hoàng Sa năm 1895 – 1896. Đó là vụ đắm tàu của Đức Bellona và vụ đắm tàu của Nhật Imegi Maru. Hai chiếc tàu vận chuyển đồng này do các công ty Anh bảo hiểm. Hàng hóa trên tàu bị người đánh cá Trung Quốc lấy cắp và gặp phải sự lên án của công ty bảo hiểm.

Khi đó, các quan chức Trung Quốc ở địa phương (Tổng đốc Lưỡng Quảng) đã cãi lại bằng cách trút bỏ mọi trách nhiệm với lý do là quần đảo Hoàng Sa, theo họ là các đảo đã bị bỏ rơi, không thuộc về Trung Quốc và đồng thời cũng không được sáp nhập vào bất cứ một huyện nào của đảo Hải Nam. Câu trả lời này được trích dẫn lại trong báo cáo của Toàn quyền Đông Dương gửi Bộ trưởng Bộ Thuộc địa, phụ lục số 5.

Tới năm 1909, Trung Quốc bắt đầu lật ngược thái độ đối với hai quần đảo này. Trong các luận cứ đưa ra, bà đi đến kết luận rằng “người Trung Quốc cho tới thời điểm đó ít hiểu biết về các quần đảo”. Đây là kết luận của một giáo sư người Pháp nổi tiếng, nó hoàn toàn mang tính khách quan trung thực, trong khi đó, các triều đại của Việt Nam đã liên tục thể hiện quyền sở hữu không gián đoạn và thường xuyên với một sự quản lý hòa bình trong ít nhất hai thế kỷ.

Ngược lại, Trung Quốc hiện đang chiếm đóng bất hợp pháp các đảo của Việt Nam trên cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tác giả nhấn mạnh đến “Nguyên tắc cấm thụ đắc lãnh thổ bằng vũ lực” trong đó ghi rõ nguyên tắc nêu ra năm 1945 được phát triển và tăng cường trong Nghị quyết 26/25 năm 1970. Theo đó, “lãnh thổ của một quốc gia không thể là đối tượng của một cuộc chiếm đóng quân sự do sử dụng vũ lực trái với các quy định của Hiến chương. Lãnh thổ của một quốc gia không thể là một sự chiếm hữu của một quốc gia khác sau khi đe dọa hay sử dụng vũ lực. Bất kỳ sự thụ đắc lãnh thổ nào đạt được bằng đe dọa hay sử dụng vũ lực sẽ không được thừa nhận là hợp pháp”.

Việt Nam: Khẳng định chủ quyền xuyên suốt

 

Như Đất Việt đã giới thiệu với các bạn trong bài viết “Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” của tác giả Nguyễn Việt Long,  tạm chia giai đoạn lịch sử của Việt Nam ra làm bốn thời kỳ, và trong các thời kỳ đó, chính quyền Việt Nam chưa bao giờ chính thức lên tiếng từ bỏ chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trước năm 1884, với việc thành lập Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, vua Gia Long, Minh Mạng đã thể hiện ý chí giữ biển mạnh mẽ bằng các tờ lệnh cho Đội này đi đo đạc thủy trình, thu lượm sản vật.

Ngày 06/06/1884, Hiệp ước Patenotre quy định tại điều 1, khoản 2: “Nước Pháp sẽ đại diện nước An Nam trong mọi quan hệ đối ngoại của An Nam”. Tư cách pháp nhân của An Nam, mặc dù rất danh nghĩa nhưng vẫn được duy trì. Pháp thừa kế nhà nước và tiếp tục thực hiện mọi công việc đảm bảo chủ quyền của Việt Nam.

Đã hai lần, vào năm 1937 và 1947, Pháp đề nghị Trung Quốc đưa vấn đề ra Tòa án pháp lý quốc tế hay trọng tài. Nhưng nhà cầm quyền Trung Quốc đã làm ngơ trước các đề nghị đó. Đến bây giờ Trung Quốc vẫn bảo thủ theo đường lối song phương. Trong khi đó, nếu có sự chồng chéo về ranh giới, khi phân định cần tính tới các quyền của nước thứ ba nếu nước đó có cơ sở để muốn tham gia đàm phán.

Bà Monique Chemillier - Gendreau đề cập tới Hội nghị San Fransisco khai mạc tháng 9/1951, phiên họp toàn thể ngày 5/9 Trung Quốc đã không có mặt. Đáng chú ý, buổi họp này đưa ra 13 điểm bổ sung cho Hiệp ước hòa bình với Nhật Bản được ký ngày 8/9/1951.

Điểm thứ nhất bác bỏ việc Nhật Bản công nhận chủ quyền của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa “Các đảo Paracels (Hoàng Sa) và các đảo khác quá về phía Nam” với 48 phiếu trên 3.

Ngày 7/9/1951, Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao của Chính phủ Bảo Đại trịnh trọng tuyên bố hai quần đảo thuộc lãnh thổ của Việt Nam. Không có đại biểu nào bình luận về bản Tuyên bố này.

 

 

Xét tới công hàm Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 14/9/1958 trong đó tuyên bố chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Đứng ở góc độ của một chuyên gia luật pháp quốc tế, bà Monique cho rằng tuyên bố của Thủ tướng Phạm Văn Đồng chỉ có một nghĩa hẹp, đó là công nhận bề rộng lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc. Và xét tới bối cảnh chính trị, quân sự hết sức đặc biệt thời điểm đó, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chỉ thực hiện thẩm quyền của mình ở phía Bắc vĩ tuyến 170. Sự chia cắt này đặt sự quản lý các quần đảo dưới quyền kiểm soát của Chính phủ miền Nam.

Trong bối cảnh đó, các tuyên bố hay các lần biểu thị lập trường có thể có của nhà chức trách Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có hậu quả đối với danh nghĩa chủ quyền. Đó không phải là chính phủ về mặt lãnh thổ có thẩm quyền đối với các quần đảo. Bà đi đến kết luận rằng: “Người ta không thể từ bỏ cái mà người ta không có quyền lực”.

 

Sau khi thống nhất, Việt Nam đã nhiều lần ra sách trắng và liên tục tái khẳng định chủ quyền của Việt Nam trên  Hoàng Sa – Trường Sa, đồng thời phản đối hành động bành trướng của Trung Quốc.

Triển vọng giải quyết

Bà Monique cho rằng Hội đồng Bảo an rất thiếu tính khách quan cần thiết cho một cơ quan quyết định giải quyết tranh chấp. Sở dĩ như vậy bởi vị trí đặc biệt dành cho các quốc gia thành viên thường trược được vũ trang bằng quyền phủ quyết. Và Trung Quốc, nước thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an đã ngăn cản mọi sáng kiến của Hội đồng Bảo an trong lĩnh vực này, thấy rõ nhất là vào năm 1988 khi Việt Nam muốn đưa vụ việc ra trước Hội đồng Bảo an.

Dường như các học giả Việt Nam sau này cũng có chung quan điểm giải quyết tranh chấp với bà. Đó là việc đưa ra một Tòa án quốc tế. Bà Monique quả quyết: “Nước này (tức Trung Quốc) trong nhiều tài liệu khẳng định cao giọng và mạnh mẽ rằng họ có những bằng chứng không thể bác bỏ về các quyền lịch sử lâu đời của họ đối với các quần đảo. Vậy thì họ còn sợ gì mà không trình bày các luận cứ của họ trước một cơ quan tài phán rộng rãi như Tòa án La Haye?”

Chúng ta cũng đã đặt ra bao nhiêu lần câu hỏi này cho phía Trung Quốc, nhưng suốt từ thời Pháp thuộc tới nay, chúng ta vẫn chỉ thấy một thái độ làm ngơ, chỉ có thể lý giải là đuối lý của Trung Quốc.


Đài Trang
Theo Đất Việt

 


 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te