Tuy nhiên, với quyết định thành lập Vụ Kinh tế quốc tế trực thuộc Bộ Ngoại giao hôm 9-10, TQ đã công khai mục đích lấy kinh tế phục vụ yêu cầu địa-chính trị. Báo Asia Times (Thái Lan) ngày 15-10 đã ghi nhận như trên.
TQ đang cảm thấy áp lực kinh tế và chính trị ngày càng nóng từ ba đối tác kinh tế lớn Nhật, Mỹ và EU. Với Nhật, TQ vẫn chưa tìm ra giải pháp giảm căng thẳng trong tranh chấp chủ quyền quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Với châu Âu, TQ đang lo thiệt hại hàng tỉ euro sau khi EU điều tra chống bán phá giá đối với tấm thu năng lượng mặt trời của TQ.
Với Mỹ, Ủy ban Tình báo Hạ viện đã cảnh báo nên tránh làm ăn với hai tập đoàn viễn thông Hoa Vi và Trung Hưng của TQ do lo ngại an ninh quốc gia. Hai ứng cử viên Barack Obama và Mitt Romney đều công bố các cam kết cứng rắn đối với TQ trong điều hành tỉ giá nhân dân tệ và quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, chiến lược chuyển trọng tâm về châu Á của Mỹ đang khiến TQ cảm thấy bị đe dọa hơn bao giờ hết.
Do đó, TQ cho rằng nếu sử dụng hợp lý, kinh tế có thể trở thành công cụ lợi hại thúc đẩy thâu tóm các mục tiêu địa-chính trị. Tuy nhiên, theo báo Asia Times, nếu lạm dụng quá đà, kinh tế cũng sẽ là con dao hai lưỡi vì kinh tế TQ phụ thuộc chặt chẽ với Nhật, EU và Mỹ.
Tạp chí Forbes (Mỹ) ngày 14-10 ghi nhận bằng việc thành lập Vụ Kinh tế quốc tế, TQ đang lấy thương mại và đầu tư làm vũ khí và đây sẽ là phương thức cưỡng ép kinh tế mạnh hơn sau khi các chiến thuật mềm mỏng như đổi nhượng bộ thương mại lấy viện trợ kinh tế vẫn chưa đạt được mục tiêu.
Tuy nhiên, về lâu dài, chính sách ngoại giao-kinh tế của TQ sẽ dẫn đến phản ứng ngược vì: TQ sẽ mất thêm nhiều bạn bè vì các nước nghi ngờ thành ý của TQ; nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu của TQ dễ bị tổn thương trong môi trường kinh tế thế giới ảm đạm.
THẠCH ANH
Theo PLTP