TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tăng cường ảnh hưởng của Pháp với Châu Phi: Một kỷ nguyên mới

Tổng thống Pháp Francois Hollande đã bắt đầu chuyến công du đầu tiên tới một loạt nước châu Phi, một nỗ lực nhằm tăng cường ảnh hưởng của nước Pháp đối với Lục địa Đen.
 
 
Tổng thống Pháp Francois Hollande chụp ảnh lưu niệm
cùng các nhà lãnh đạo châu Phi hôm 13-10
 
Ngay trong chặng dừng chân đầu tiên ở Senegal, Tổng thống Francois Hollande  đã nhấn mạnh: "nước Pháp muốn xây dựng mối quan hệ mới với châu Phi trên cơ sở tôn trọng và bình đẳng”. Theo đó, mối quan hệ Pháp-Phi trong giai đoạn mới sẽ dựa trên 3 yếu tố: minh bạch, thẳng thắn và một nền quản trị tốt.  "Mục đích chuyến thăm châu Phi của tôi không phải là để đưa ra một hình mẫu, cũng không phải là đưa ra các bài học về đạo đức. Mà châu Phi là đối tác và là những người bạn của nước Pháp”, ông nói.
 
Có thể nói 3 nguyên tắc mà Tổng thống Pháp Hollande đề ra thể hiện một cách nhìn mới đối với châu Phi và có phần khác biệt so với người tiền nhiệm. Dưới thời của cựu Tổng thống Sarkozy, mối quan hệ Pháp-Phi, dù đã được đề cập tới nhiều, song nó lại chưa lại đạt được hiệu quả như mong muốn do những khác biệt về phương thức nhìn nhận và xử lý vấn đề. Vì thế, việc Tổng thống Pháp Francois Hollande lần đầu tới châu Phi trên cương vị người đứng đầu nước Pháp, với những thông điệp mạnh mẽ và nhân mạnh sự "minh bạch, tôn trọng”, cho thấy Paris đang nỗ lực xây dựng "một kỷ nguyên mới” với các nước châu Phi.
 
Những nỗ lực của Paris bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó phải kể đến sức ép cạnh tranh từ các đối thủ lớn. Một thập kỷ qua đã chứng kiến sự đổ bộ "ồ ạt” của Trung Quốc, Mỹ, Nga và nhiều nước phương Tây tới Lục địa Đen.  Với dân số gần một tỷ người và chiếm hơn 1/3 nguồn tài nguyên khoáng sản thế giới, châu Phi không chỉ là thị trường hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư nước ngoài, mà còn là nguồn năng lượng dồi dào cho các đối tác. Vì thế, các nước lớn, đã đổ hàng tỷ USD đầu tư vào châu Phi trong đó mới cách đây vài tháng Trung quốc đã hứa hẹn cho châu Phi vay 20 tỷ USD. Trong khi đó, dù gắn bó với châu Phi về mặt lịch sử, nhiều quốc gia châu Phi trước đây đã từng là thuộc địa của Pháp, nhưng Pháp lại tỏ ra chậm hơn các đối thủ. Nếu như 50 năm trước đây, thương mại của Pháp với châu Phi chiếm 40%, thì hiện nay con số này chỉ còn gần 2%. Do đó, việc Pháp "sốt ruột” cũng là điều dễ hiểu.
 
Tuy nhiên đối với Paris, có lẽ vẫn còn một điều ý nghĩa hơn cả kinh tế. Đó là sự hiện diện về văn hoá, ngôn ngữ Pháp, và xa hơn là chính trị ở khu vực địa - chiến lược này. Hơn một nửa trong số 58 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Phi nói tiếng Pháp, từng là thuộc địa của Pháp và đã từng gắn bó chặt chẽ với nước Pháp về nhiều phương diện. Sự ủng hộ của khối Pháp ngữ (trong đó có rất nhiều thành viên ở châu Phi) đối với nước Pháp, được ví như một sức mạnh tinh thần to lớn, đảm bảo cho nước Pháp gây dựng ảnh hưởng địa - chính trị - văn hoá trải dài ở nhiều châu lục. Tiếc là, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, nước Pháp đã "bỏ quên” châu Phi trong nhiều năm, để khu vực chiến lược này lọt vào tay những đối thủ lớn.
 
Trong cơn lốc toàn cầu hoá, tất nhiên nước Pháp hiểu rõ sự cần thiết phải trở lại châu Phi. Song trở lại với châu Phi thế nào, với cách thức ra sao không phải là chuyện dễ dàng. Những tuyên bố của Tổng thống Pháp Hollande ở Senegal, rồi Congo, đã và đang thể hiện quyết tâm mạnh mẽ của Paris. Cùng với lời nói, Pháp cũng đã hành động khi sát cánh cùng HĐBA LHQ giải quyết cuộc khủng hoảng ở Mali. Chẳng thế mà các tờ báo Pháp đồng loạt đã chạy những hàng tít lớn "Một kỷ nguyên mới” để bình luận về mối quan hệ đặc biệt Pháp-Phi.
 
Nhật Quang
Theo Đại Đoàn Kết

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te